|
|||
Hầu hết những người có mặt tại buổi giao ban đều có cảm nhận đây là buổi gặp mặt thân mật mà cá nhân Bộ trưởng dành cho những người làm báo chứ không hẳn là buổi họp về định hướng tuyên truyền KHCN. “Tôi thực sự mong chờ đến ngày hôm nay, tình cảm của tôi dành cho giới báo chí là rất lớn, đặc biệt với mỗi nhà báo, tôi luôn coi như những người anh em; anh em ở cả hai nghĩa: công việc và cuộc sống” - Bộ trưởng Nguyễn Quân bày tỏ. Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, năm 2012 là năm vô cùng quan trọng cho sự phát triển KHCN, là năm mà Bộ KH - CN đang phải triển khai 4 văn bản lớn đó là “Chiến lược phát triển KH - CN giai đoạn 2011 - 2020; Đề án tiếp tục đổi mới, cơ bản, toàn diện và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH - CN; đặc biệt là Đề án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KH - CN và đề án Phát triển KH - CN phục vụ sự nghiệp CNH - HĐH và hội nhập quốc tế”. Nhìn vào đầu việc trên, nhiều người cho rằng tại sao trong 1 năm mà Bộ KH - CN phải gánh nhiều văn bản lớn đến vậy? Bộ trưởng Quân cho biết, trước hết về Chiến lược buộc chúng ta phải làm bởi đến năm 2010 là kết thức chiến lược KH - CN giai đoạn 2000 - 2010. Và đến tháng 4.2012 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 418 ban hành Chiến lược phát triển KH - CN giai đoạn 2011 - 2020. Như vậy, Chiến lược đã có, Đề án đã có mà Luật KH - CN không được sửa đổi thì rất nhiều vấn đề đổi mới trong đó sẽ vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật hiện hành. Đề cập đến những đổi mới trong quản lý và hoạt động của KHCN, Bộ trưởng Nguyễn Quân đặc biệt nhấn mạnh đến Nghị quyết Trung ương 2 Khóa VIII - năm 1996. Theo Bộ trưởng, dưới ánh sáng của Nghị quyết, Quốc hội đã đưa ra chỉ tiêu dành 2% ngân sách cho KHCN và thông qua Luật KH - CN năm 2000 - đánh dấu bước ngoặt phát triển mới cho KHCN. Trải qua 16 năm, những nội dung cơ bản của Nghị quyết Trung ương 2 Khóa VIII đã được tổ chức thực hiện, nhiều nội dung trong đó đã đem lại hiệu quả tích cực như xem xét việc chuyển các tổ chức KHCN công lập sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp - Dấu mốc của nội dung này là năm 2005, Chính phủ ban Nghị định 115 về cơ chế tự chủ, cơ chế tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KHCN và đến năm 2007, ban hành Nghị định 80. Theo đó, ngoài việc thực hiện tự chủ theo cơ chế doanh nghiệp thì các tổ chức KHCN còn được quyền sản xuất kinh doanh như doanh nghiệp dựa vào kết quả nghiên cứu KHCN. Từ những thành quả đó để nhấn mạnh rằng, Nghị quyết Trung ương 2 Khóa VIII là rất lý tưởng, tuy nhiên đến nay cần phải thay đổi, bởi khoa học đã đổi mới gần 10 năm mà các cơ chế khác chưa đổi mới theo kể cả nhận thức chính trị lẫn cơ chế tài chính. Nói về những thành công của nền KH - CN Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Quân một mặt ghi nhận và chia sẻ những đóng góp của các nhà khoa học, là giới không có khoản phụ cấp nào ngoài lương, mặt khác cũng tự hào bởi Việt Nam là nước không lớn, còn nhiều khó khăn (khoảng 1.200 USD/người) nhưng kết quả mà KHCN đem lại là rất phi thường, cụ thể như chúng ta đã có vệ tinh, cầu dây văng, chuẩn bị có nhà máy điện hạt nhân... Nếu có một quốc gia nào được như Việt Nam thì tôi dám đánh cược bỏ chức Bộ trưởng hiện nay - Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng khái.
|