Bản in
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Nhà nước – doanh nghiệp cùng tạo “cú hích”
Sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao (UDCNC) trong những năm qua đã có những bước tiến mới, tạo đột phá giúp tăng tính cạnh tranh, chuyển nền nông nghiệp nước ta theo hướng chất lượng, tăng giá trị thu nhập trên đơn vị canh tác. Mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư tư nhân nhưng doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn khi đầu tư vào sản xuất nông nghiệp UDCNC.

  
 Còn nhiều bất cập để quy hoạch


Ông Nguyễn Tấn Hinh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ Môi trường – Bộ NN&PTNT cho biết, đến nay Bộ đã thẩm định và công nhận được 3 doanh nghiệp là doanh nghiệp nông nghiệp UDCNC đó là: Công ty Công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt (Lâm Đồng), Công ty TNHH Agrovina và Công ty Cổ phần Thực phẩm sữa TH (Nghệ An).


Con số 3 doanh nghiệp được công nhận, theo ông Hinh là còn quá ít so với kỳ vọng. Lý giải cho con số ít ỏi này, ông Hinh thừa nhận việc tổ chức triển khai giới thiệu và hướng dẫn cho các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về đề án Phát triển Nông nghiệp UDCNC đến năm 2020 còn chậm và chưa kịp thời. Bên cạnh đó cũng phải tính đến nguyên nhân khách quan là do nhiều địa phương còn lúng túng, chưa có kế hoạch cụ thể cũng như chưa đầu tư cho công tác quy hoạch và xây dựng vùng nông nghiệp và khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.


Về vấn đề quy hoạch, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng khẳng định: Trước mắt, công việc chính của Bộ NN&PTNT vẫn phải là quy hoạch cũng như có định hướng và làm sáng rõ hơn các chương trình thành phần và tính toán cụ thể hơn về vốn. “Việc làm quy hoạch phải tiến hành càng sớm càng tốt chứ không thể quá cầu toàn. Chúng ta phải dựa vào các chương trình đã có như chương trình giống để tiến trình quy hoạch có thể đẩy lên được nhanh hơn”, Thứ trưởng đề nghị. 


 
Sản phẩm nông nghiệp UDCNC


Trong khi đó, đại diện của Viện Quy hoạch Phát triển Nông thôn cho biết: Trên cơ sở “đặt hàng” của Bộ, đến nay, Viện này đã triển khai công tác xây dựng quy hoạch khu, vùng nông nghiệp UDCCC và dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 10/2012. Hiện công tác xây dựng quy hoạch vẫn đang trong quá trình bổ sung và Viện đã làm việc với 23 tỉnh để việc quy hoạch khu, vùng nông nghiệp UDCNC sát với thực tiễn. Tuy nhiên theo ý kiến của Viện này: Hiện một số tỉnh muốn làm nông nghiệp UDCNC nhưng chủ yếu là vướng về tài chính cũng như những chính sách ưu đãi cụ thể về vốn, thuế, quỹ đất chứ không hẳn là vướng mắc về quy hoạch.


Ngoài ra, thực tế cho thấy, cũn
g có những cá nhân, hộ gia đình hoặc tổ chức có nhu cầu làm nông nghiệp UDCNC nhưng quỹ đất rất ít vì làm Khu nông nghiệp UDCNC đòi hỏi tuân thủ chặt chẽ về quỹ đất, tránh đền bù giải phóng mặt bằng phức tạp, gây khó khăn cho ngân sách nhà nước.


Ngoài ra, Khu nông nghiệp UDCNC cũng không thể hấp dẫn như KCN do đó nếu không có chính sách tốt thì rất khó kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp vào làm. Do vậy ngoài chuyện quy hoạch, quan trọng nhất vẫn phải là rõ ràng về chính sách, đi cụ thể vào từng vấn đề mới có thể thúc đẩy nhanh đề án nông nghiệp UDCNC được.


Thứ trưởng Bùi Bá Bổng chia sẻ: Nông nghiệp UDCNC rất phức tạp do đó không thể quy hoạch tràn lan, thậm chí nếu cần mỗi tỉnh chỉ cần có một khu nông nghiệp UDCNC để phát huy thế mạnh riêng có của mình cũng đã là tốt như Đà Lạt chuyên về hoa, rau; ĐBSCL chuyên về cá, gạo…Theo đó, Thứ trưởng yêu cầu trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục tập trung thực hiện quy hoạch các vùng nông nghiệp UDCNC cũng như quy hoạch chi tiết các khu nông nghiệp UDCNC đồng thời Bộ NN&PTNT cũng sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định ban hành quy chế tổ chức và hoạt động Khu nông nghiệp UDCNC để làm cơ sở cho các địa phương đẩy mạnh xây dựng và thu hút nguồn lực xã hội tham gia xây dựng các khu nông nghiệp UDCNC…

Gợi mở từ phía doanh nghiệp


Bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT TH cho rằng, để áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp nông thôn nhất thiết cần phải có tầng lớp doanh nghiệp có đủ Tâm - Trí - Lực thực sự vào cuộc. Tuy nhiên “Để thu hút họ đầu tư vào lĩnh vực này, Bộ NN&PTNT cần đề xuất với Chính phủ ban hành những chính sách khác biệt trong vòng 3 – 5 năm để khích lệdoanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó cũng phải có chính quyền mạnh, nhận thức đầy đủ về vấn đề công nghệ cao trong nông nghiệp để vào cuộc mạnh mẽ cùng nhà đầu tư”.


Cũng theo bà Hương, ngoài chính quyền phải mạnh về nhận thức cũng cần tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa các bộ ban ngành, nhất là ngành chủ quản như Bộ NN&PTNT, đồng thời phải có chiến lược truyền thông bài bản, đủ để các nông lâm trường và các tầng lớp nhân dân hiểu đây thực sự là cuộc cách mạng về nông nghiệp của đất nước. Cùng với đó phải đào tạo lao động chất lượng cao, do đó cần có chính sách đào tạo lại lao động cho những vùng đưa công nghệ cao vào nông nghiệp. “Nếu doanh nghiệp đứng ra đào tạo trực tiếp thì phải có chính sách hỗ trợ kinh phí nhất định cho doanh nghiệp. Phải có chính sách đi kèm giải quyết lao động dư thừa trong quá trình tham gia tích tụ ruộng đất...”, bà Hương bổ sung thêm.


Khi đã có một mô hình công nghệ cao thành công, thì Bộ chủ quản phải ban hành quy chuẩn, định nghĩa thế nào là sản phẩm từ công nghệ cao. Từ thực tế của TH True Milk, bà Thái Hương đề nghị Bộ NN&PTNT cần theo dõi sát sao các sản phẩm công nghệ cao, từ nguồn nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất cho đến lúc sản phẩm được đưa vào lưu thông trên thị trường và sẵn sàng cùng doanh nghiệp phối hợp giải thích để người tiêu dùng hiểu sản phẩm. “Trí tuệ Việt cộng tài nguyên thiên nhiên Việt và Công nghệ đầu – cuối của thế giới, đồng hành cùng các doanh nghiệp có đủ TÂM - TRÍ - LỰC, sẽ tạo ra một cuộc cách mạng lớn trong nông nghiệp, góp phần không nhỏ vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, bà Thái Hương khẳng định.   


Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định 176/QĐ-TTg về Đề án tổng thể Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (UDCNC) từ nay đến năm 2020, theo đó, sẽ từng bước xây dựng và hình thành nền nông nghiệp UDCNC, trong đó, trọng tâm là các doanh nghiệp nông nghiệp UDCNC và vùng sản xuất nông nghiệp UDCNC.


Đề án đặt ra mục tiêu trước mắt đến năm 2015, mỗi tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm xây dựng được từ ba đến năm doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp UDCNC, phấn đấu đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp UDCNC chiếm từ 10 đến 15% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả nước.


Trong giai đoạn 2016-2020 sẽ đẩy mạnh phát triển toàn diện nông nghiệp UDCNC để đến năm 2020, mỗi tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm xây dựng từ bảy đến mười doanh nghiệp, và từ năm đến bảy vùng sản xuất nông nghiệp UDCNC...