|
|||
Ngày 9/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đại sứ quán Hoa Kỳ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp tổ chức hội thảo “Công nghệ sinh học Việt Nam: Hướng phát triển cho tương lai” với sự tham gia của nhiều chuyên gia nông nghiệp trong và ngoài nước. Tại Hội thảo, ông Bria Neubert, chuyên gia kinh tế Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh nhận định hạt giống và cây trồng công nghệ sinh học cung cấp nhiều lợi ích cho các nước trồng, sử dụng và xuất khẩu chúng, bao gồm giảm giá lương thực, bảo vệ môi trường và lợi ích sức khỏe cho người tiêu dùng. Bây giờ là lúc Việt Nam phát triển một môi trường khuyến khích nghiên cứu, phát triển và chấp nhận công nghệ sinh học. Các nhà hoạch định chính sách Việt Nam đang xem xét cách thức tốt nhất để làm điều này và cách tốt nhất để đưa sản phẩm công nghệ sinh học có tính thương mại ra thị trường trong nước và quốc tế. Trong tham luận về “Tiềm năng của việc sử dụng cây trồng biến đổi gen trong thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam,” giáo sư-tiến sỹ Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cho biết hàng năm Việt Nam phải nhập nguồn nguyên liệu để chế biến thức ăn với tổng giá trị nhập khẩu lên đến 3,7 tỷ USD, trong đó nguồn ngô và đậu tương nhập khẩu có khả năng là sản phẩm của giống biến đổi gen. Mục tiêu của Việt Nam là giảm nhập nông sản, từng bước sản xuất được các nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi nhằm tiết kiệm ngoại tệ. Diện tích đất lúa của Việt Nam đang ngày một giảm đi, xuống còn 3,8 triệu ha trong tương lai, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra, Việt Nam chỉ còn một con đường cách mạng khoa học công nghệ lần 2, tạo nên những giống chống chịu lại khô hạn, nhiệt độ nóng lên… Với những giống mới nông dân không cần bón phân, không dùng thuốc bảo vệ thực vật sẽ bảo vệ được môi trường, bảo vệ hệ thống sinh học. Tuy nhiên, giáo sư Bửu cho rằng ở Việt Nam việc ứng dụng công nghệ sinh học đang đối diện với thách thức lớn về dư luận xã hội. Chia sẻ quan điểm của cơ quan quản lý về vấn đề sử dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, bên lề hội thảo, ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết phát triển cây trồng biến đổi gen (GMO) phải tuân thủ theo Nghị định 69, thực hiện kiểm soát đúng quy trình trước khi triển khai, đưa cây giống ra trồng thực tế và cần sự đồng thuận của các cơ quan ban ngành và dư luận. Dự kiến năm 2015 Việt Nam sẽ đưa vào sản xuất cây trồng GMO, đầu tiên là giống ngô (năng suất vượt trội, chống chịu tốt và kháng sâu). Ông Ngọc khẳng định chủ trương của Việt Nam trong phát triển GMO là thận trọng, tiếp nhận và ứng dụng có chọn lọc những thành tựu khoa học về GMO của thế giới. Việt Nam đang xuất khẩu gạo và nhiều mặt hàng nông sản khác sang các nước có quan điểm chưa thông nhất về sử dụng cây trồng GMO, vì vậy Việt Nam sẽ cân nhắc và có bước phát triển phù hợp để tránh ảnh hưởng xuất khẩu./. |