|
|||
TS. Nguyễn Hữu Từ - Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng cho biết, Sau 16 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII năm 1996 về “Định hướng chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2020, và nhiệm vụ đến năm 2000”. Đến nay, KH&CN nước ta đã có những bước phát triển, đạt được một số thành tựu quan trọng, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; trong đó phát triển và ứng dụng KH&CN nông nghiệp đạt được những thành tựu nổi bật, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, gia tăng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản, đưa nước ta trở thành một nước xuất khẩu lớn về gạo, cao su, cà phê, thủy- hải sản… Tuy nhiên, đến nay, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam còn thấp. Phần nhiều nông dân, nhất là nông dân vùng sâu, vùng xa trình độ dân trí còn chưa cao và thiếu thông tin về các loại giống mới, các quy trình công nghệ tiên tiến. Hàng nông sản của Việt Nam còn thiếu sức cạnh tranh trên thị trường. Tiềm năng của KH&CN đối với phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn rất lớn chưa được khai thác và phát huy đầy đủ. Vì vậy KH&CN nông nghiệp Việt Nam còn tụt hậu so với khu vực và thế giới. Nguyên nhân của tình trạng trên, TS. Đặng Kim Sơn – Viện Chính sách và Chiến lược- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định, yếu tố cản trở lớn nhất cho hoạt động của các cơ quan KH&CN công lập hiện nay không phải là kinh phí hay cơ sở vật chất mà chính là thiếu động lực cho đội ngũ cán bộ. Cán bộ khoa học, cán bộ khuyến nông không coi mình là chủ nhân của viện nghiên cứu, trạm kỹ thuật, không hăng say nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, các hoạt động nghiên cứu tại các viện nghiên cứu và chuyển giao khoa học tại các trung tâm khuyến nông không coi người sản xuất kinh doanh là khách hàng, KH&CN là hàng hóa. Bên cạnh khó khăn này thì hoạt động KH&CN nông nghiệp cũng gặp một số khăn khác như định mức kinh tế - kỹ thuật để xây dựng các dự toán hiện nay không linh hoạt, không gắn với giá trị trường của từng chuyên ngành kỹ thuật cụ thể. Các quy định về nâng lương theo ngạch bậc, tạo điều kiện cho cán bộ lâu năm có kinh nghiệm, không hỗ trợ cán bộ trẻ. PGS.TS. Nguyễn Thị Trâm – ĐH Nông nghiệp 1 thì cho rằng, hiện nay Chính phủ (đại diện là các nhà quản lý khoa học) cho rằng “đấu thầu” đề tài là đổi mới quan trọng nhất vì mở rộng dân chủ và nhờ đó có thể chọn được chủ nhiệm đề tài giỏi nhất để thực hiện nhiệm vụ KH&CN, nhưng các đơn vị không biết rằng nếu “đấu thầu” ngay khi mới thuyết minh để chọn thì nghĩa là chọn “bản thuyết minh” tốt chứ không phải là chọn “sản phẩm” nghiên cứu tốt. Trên đồng ruộng, người nông dân trồng lúa luôn cần giống lúa tốt, doanh nghiệp lại càng cần có giống lúa tốt như vậy để bán cho dân. Trong khi Chính phủ lại bảo hộ cho các “bản thuyết minh” tốt, cung cấp tài chính cho đơn vị “trúng thầu” thực hiện và kiểm soát từng đồng theo dự toán chủ quan…PGS.TS Trâm cũng cho rằng, cách quản lý đề tài như vậy là thủ tiêu cạnh tranh – động lực cơ bản để phát triển trong kinh tế thị trường. Một trong những giải pháp mà TS. Đặng Kim Sơn đưa ra là cán bộ hợp đồng làm việc của tổ chức KH&CN công lập được đóng cổ phần sáng lập, được tham gia hội đồng quản trị và làm giám đốc các doanh nghiệp do đơn vị đóng góp vốn sáng lập; các tổ chức KH&CN được thành lập các tổ chức liên doanh nghiên cứu và đào tạo và được thuê người có đủ tiêu chuẩn làm nhiệm vụ quản lý và lãnh đạo chuyên môn, kể cả chuyên gia nước ngoài hoặc Việt kiều đủ tiêu chuẩn và năng lực; khoán thực hiện một số nhiệm vụ KH&CN đến sản phẩm cuối cùng đối với các sản phẩm KH&CN đạt tiêu chí nhất định; khoán chi nhiệm vụ KH&CN đối với các sản phẩm KH&CN thuộc diện không áp dụng được khoán đến sản phẩm cuối cùng bằng tính đúng, tính đủ dự toán. Đặc biệt tạo cơ chế ưu đãi, khuyến khích cán bộ trẻ có năng lực và thu hút người tài vào hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu. Đầu tư cho KH&CN cần có trọng tâm, trọng điểm tránh tình trạng dàn trải như hiện nay, GS.TS. Đỗ Kim Chung – Trường ĐH Nông nghiệp 1 chia sẻ.
Hoàng Anh |