Tại buổi nói chuyện này, Bộ trưởng đánh giá cao sự hợp tác của các nhà báo về tuyền truyền công tác khoa học công nghệ. Bộ trưởng cho rằng, những ảnh hưởng KHCN không tác động ngay tới đời sống của người dân mà nó cần độ trễ nhất định. Chính vì thế vai trò của KHCN trong phát triển kinh tế - xã hội suốt thời gian dài phần nào đó chưa được thể hiện rõ, người dân và cộng đồng doanh nghiệp (DN) hầu như không quan tâm đến đầu tư cho phát triển KHCN, chủ yếu dựa vào nhà nước. Đó chính là những yếu điểm mà trong thời gian tới chúng ta phải tìm cách và bằng mọi cách vượt qua. Chất lượng Việt Nam xin đăng tải bài nói chuyện của Bộ trưởng với giới truyền thông.
"...Khoa học công nghệ được xác định là vấn đề sống còn của một quốc gia, không phải tôi là Bộ trưởng Bộ KH&CN, hay bao biện, cổ súy cho KHCN, đề cao quá mức mà đây thực sự là vấn đề cốt tử, là bài học xương máu của tất cả các quốc gia nghèo khó đi lên từ đống cho tàn của chiến tranh.
Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Nhật Bản, Tổng thống Singapore, Đài Loan đều nói như vậy. Đó là những quốc gia nghèo hơn chúng ta, họ không có tài nguyên thiên nhiên nhiều như chúng ta. Họ bị chiến tranh tàn phá nặng nề không kém gì chúng ta, họ đã đứng dậy từ đống cho tàn và chỉ sau một khoảng thời gian 30 năm họ đã trở thành cường quốc.
KHCN được xác định là vấn đề sống còn của một quốc gia,
nhưng tổng đầu tư của xã hội cho KHCN của Việt Nam lại quá thấp.
Nhật Bản và Hàn Quốc đã lọt vào Top 10 thế giới, Đài Loan tuy là một bộ phận của lãnh thổ Trung Quốc nhưng với tư cách vùng lãnh thổ đặc biệt thì họ cũng đã là con rồng của châu Á. Singapore cũng vậy, khi tách khỏi Malyasia năm 1965 là một hòn đảo nhỏ, nhưng giờ họ đã trở thành con rồng của châu Á, GDP của nước này với dân số ít hơn chúng ta rất nhiều nhưng tổng GDP lại lớn hơn chúng ta.
Phải nói như vậy để giới truyền thông chia sẻ, để hiểu rõ hơn KHCN đóng vai trò quan trọng như thế nào, đây là tiếng nói của lãnh đạo các quốc gia từ Hoa Kỳ, Nhật Bản tới những quốc gia có chế độ chính trị tương đồng với chúng ta như Lào, Campuchia.
Với nhận thức như vậy và nhìn lại quá trình phát triển của đất nước chúng ta, trong những năm đổi mới từ 1986 – Đại hội Đảng VI, bắt đầu chính sách đổi mới, chúng ta có khoảng 30 năm tăng trưởng ngoạn mục, với tốc độ tăng trưởng bình quân là 7 - 8% /năm và rất nhiều người nhầm tưởng là chúng ta tăng trưởng như vậy là đứng vào thứ hạng hàng đầu thế giới.
Quả thực có 30 năm tăng trưởng như vậy không phải nước nào cũng làm được, tuy nhiên cũng có thể thấy rõ chúng ta tăng trưởng từ một nền tảng rất thấp so với thế giới khi mà GDP đầu người của Việt Nam năm 1986 chưa đến 200 USD/ đầu người. Như vậy tăng trưởng 7 - 8% cũng chỉ làm cho GDP trên đầu người mỗi năm tăng thêm vài chục USD. Như vậy ta thấy tăng trưởng đó không khó. Nếu như các quốc gia tăng trưởng GDP them 40 - 50 nghìn USD/năm, tăng trưởng 1 - 2% đối với họ cũng là một vấn đề. Bởi vì 1% của 50 nghìn đã là 500 USD.
Nhưng đi vào bản chất của tăng trưởng trong 30 năm đó có thể nói tăng trưởng dựa trên ba yếu tố:
Thứ nhất là Việt Nam đã tháo bỏ những cơ chế lạc hậu của chế độ kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, chỉ có 2 thành phần kinh tế là nhà nước và tập thể. Trong 30 năm này chúng ta đã có bước tiến dài vào nền kinh tế thị trường. Chúng ta đã xóa bỏ cơ chế cũ, khoán ruộng cho nông dần đến hộ gia đình, xóa bỏ ngăn sống cấm chợ, người dân được tự do kinh doanh, có thêm nhiều thành phần kinh tế khác và chúng ta đã trở thành thành viên của WTO vào năm 2007.
Từ một nước hàng năm phải nhập hàng triệu tấn lương thực, giờ chúng ta trở thành một cường quốc xuất khẩu lương thực, đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo, đứng đầu thế giới về xuất khẩu hạt tiêu, thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê và hạt điều, đứng đầu các nước ASEAN về xuất khẩu thủy sản…
Khi có Luật DN thì tổng số DN trước năm 1986 cũng chỉ có hơn 5.000 DN vừa Nhà nước và tập thể, giờ chúng ta có gần 600.000 DN thuộc mọi thành phần kinh tế, đóng góp rất lớn vào GDP quốc gia. Khối DN ngoài nhà nước đang dần dần chiếm tỷ trọng lớn hơn DN Nhà nước.
Trong lĩnh vực KHCN chúng ta có Luật năm 2000, Nghị định 81 thay đổi hẳn bộ mặt của nền KHCN Việt Nam. Nếu như trước năm 2000 chũng ta không có các tổ chức KHCN của tư nhân và của các thành phần kinh tế khác thì từ năm 2000 trở lại đây đã bùng nổ việc thành lập các DN, tổ chức KHCN của tư nhân, của DN, của các tổ chức xã hội, nghề nghiệp và hiện số lượng này đã nhiều hơn các tổ chức KHCN Nhà nước. Trong tổng số 1.600 tổ chức KHCN thì có hơn 900 là của các thành phần kinh tế khác, chỉ có hơn 600 là của Nhà nước.
Yếu tố thứ hai là nhân công giá rẻ của Việt Nam. Từ chỗ thất nghiệp và bán thất nghiệp (trước năm 1986) chứng kiến cả xã hội không có việc làm. Các cửa ô có rất nhiều “con phe” vạ vật ở cửa hàng mậu dịch để buôn bán tem phiếu, công nhân không có việc làm, nhà máy đình đốn. Trong 30 năm qua nhờ Luật Đầu tư trong nước và nước ngoài, các DN thành lập số lượng lớn, DN nước ngoài đầu tư vào nhiều, tận dụng nguồn nhân công giá rẻ… Tiền lương của người lao động trên thị trường lao động rất thấp. Trước đây ta quy định tiền lương tối thiểu cho khu vực DN kể cả DN nước ngoài rất thấp, gần đây mới tăng lên gần 2 triệu, trước chỉ mấy trăm nghìn.
Yếu tố thứ ba là tài nguyên thiên nhiên. Nếu như trước năm 1986 hầu như chúng ta không khai thác được tài nguyên thiên nhiên do trình độ công nghệ lạc hậu, do kinh tế chưa phát triển, nhu cầu chưa lớn. Việc khai thác dầu mỏ được đánh dấu bằng Liên doanh Việt Xô Petro bắt đầu khai thác từ năm 1980, đạt sản lượng 30 triệu tấn năm, than trước chỉ khai thác mỗi năm vài ba triệu tấn, sau năm 1986 đã đặt mục tiêu có 10 triệu tấn than sạch thì nay đã khia thác trên 30 triệu tấn. Điện năm 1980 đặt mục tiêu 5 tỷ KWh nay đạt gần 200 tỷ KWh...
30 năm qua khai thác khoáng sản và xuất khẩu đều ở dạng thô, dầu thô chúng ta bán, rồi ta lại phải nhập tất cả các sản phẩm xăng dầu, nhựa đường, than cũng chỉ xuất thô…
Cả 3 yếu tố, đặc biệt là nhân công giá rẻ, khai thác khoáng sản thô đã giúp chúng ta tăng trưởng nhưng giờ đã đến lúc có thể thấy cả 3 yếu tố không còn. Hơn nữa thế giới đã công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, thì ta phải xóa bỏ hoàn toàn không còn bao cấp, kể cả DN nhà nước, chứ chưa nói đến các thành phần kinh tế khác. Nhân công giá rẻ không còn ưu thế, vì ta đã trở thành một nước có thu nhập trung bình, với mức GDP khoảng 1.300 USD và nhà nước đã phải điều chỉnh mức lương tối thiểu ở 3 khu vực từ 1,5 triệu đến 2 triệu/tháng. Đó là mức tối thiểu, còn các DN có thể phải trả lương cao hơn, và như vậy nhân công giá rẻ hết ưu thế. Hơn nữa, Myanma đã thay đổi để thu hút đầu tư, nhân công rẻ của Myanma hấp dẫn hơn ta rất nhiều, vì họ cũng như ta cách đây 30 năm.
Còn yếu tố về tài nguyên đến giờ đã thấy không thể tiếp tục khai thác, Chính phủ ra lệnh cấm xuất khẩu nguyên liệu thô như Titan, Bioxit và các loại quặng kim loại khác. Than đã bắt đầu phải nhập khẩu từ Indonesia, do than khai thác trong nước không đáp ứng được nhu cầu nội địa chứ chưa nói gì đến xuất khẩu. Sản lượng dầu mở đã bắt đầu giảm, do các mỏ lớn chúng ta đã khai thác gần cạn, những mỏ dầu lớn hơn thì còn ở ngoài khơi xa, vùng biển sâu, chúng ta chưa đủ điều kiện kỹ thuật để khai thác, chưa nói đến các tranh chấp…
Cả 3 yếu tố giúp chúng ta tăng trưởng trong 30 năm qua giờ đã mất tác dụng.
Kinh nghiệm của tất cả các quốc gia, các chính khách khi đến thăm VN đều nói đã đến lúc chúng ta phải đặt KHCN lên thành “cứu cánh” cho nền kinh tế. Điều này được Đảng và Nhà nước thể hiện qua Nghị quyết TW 2, lần đầu tiên KHCN và GDĐT được coi là quốc sách hàng đầu. Và hiến pháp sửa đổi cũng đi theo hướng như thế...
|