Bản in
Mô hình đại học nghiên cứu: Đợi đến bao giờ?
Trường đại học (ĐH) là một trong những nơi tập trung nhiều nhà khoa học nhất, song việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học (NCKH) ở đây đang bị lấn át bởi hoạt động giảng dạy. Ngoài ra, kinh phí cho NCKH ở các trường thua xa so với các viện nghiên cứu (VNC), thiết bị thí nghiệm lạc hậu... Đây là những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến số sáng chế, tiến bộ kỹ thuật xuất phát từ trường ĐH ở nước ta hiện khá thấp.

Nghiên cứu chỉ là "làm thêm"

Ông Tạ Đức Thịnh, Vụ trưởng Vụ KHCN và môi trường (Bộ GD-ĐT) cho biết, đến hết năm 2011, cả nước có 188 trường ĐH, 226 trường CĐ với gần 74.000 giảng viên. Cùng với sự "nở rộ" các trường ĐH, CĐ thì số sinh viên đã tăng khoảng 13 lần so với 15 năm về trước trong khi số giảng viên chỉ tăng khoảng 3 lần. Năm 2011, kinh phí sự nghiệp KHCN của Bộ này là 225 tỷ đồng trên tổng số gần 25.000 giảng viên, cán bộ nghiên cứu. Như vậy, tính bình quân thì chỉ đạt 9 triệu đồng/người, một mức đầu tư quá thấp.
 Theo GS Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, việc coi nhẹ NCKH trong trường ĐH là một sai lầm và đi ngược xu thế phát triển ĐH trên thế giới. Nhiều giảng viên ĐH ở ta coi NCKH chỉ là việc "làm thêm", thời gian chủ yếu là dành cho giảng dạy... Thực tế cho thấy đội ngũ nghiên cứu sinh dưới sự nghiên cứu của các giáo sư, phó giáo sư chính là lực lượng tạo ra nhiều kết quả NCKH và đây là tiền đề hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, thậm chí là cả một trường phái khoa học vốn đang rất cần nhưng quá thiếu ở Việt Nam.

Có thực tế là hiện nay nước ta chưa có tiêu chí cụ thể trong việc xác định thế nào là trường ĐH theo định hướng nghiên cứu nên không một đơn vị nào đủ năng lực cạnh tranh ở cấp độ khu vực và thế giới về năng lực nghiên cứu. Những năm gần đây, việc khuyến khích trao thưởng và hỗ trợ cho các giảng viên có các nghiên cứu được đăng trên các tạp chí có phê bình quốc tế hay việc tập trung nghiên cứu sản phẩm mới để bán cho doanh nghiệp đã đem lại kết quả nhất định nhưng khi nguồn đầu tư từ Nhà nước cạn kiệt thì số bài báo khoa học cũng giảm mạnh và cán bộ giảng dạy dường như không còn hứng thú với công việc NCKH. Đặc biệt, hầu hết các nghiên cứu ở Việt Nam về bản chất đều là nghiên cứu ứng dụng vì các trường ĐH không có đủ nguồn lực để hỗ trợ cho nghiên cứu cơ bản. "Việc thiếu một nền văn hóa nghiên cứu ở các trường ĐH là vấn đề lớn đáng quan tâm trong giáo dục ĐH ở nước ta hiện nay khi không có sự gắn kết giữa giảng dạy và nghiên cứu trong toàn hệ thống." - ông Thịnh khẳng định.

Không nên đầu tư dàn trải

Ở các nước phát triển, ĐH nghiên cứu là cốt lõi của sáng tạo và chuyển giao công nghệ cao. Các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Trung Quốc cũng đang nỗ lực xây dựng ĐH thành trung tâm NCKH hàng đầu hỗ trợ cho nền kinh tế. Trung Quốc, Nga là hai quốc gia đã và đang có hệ thống giáo dục ĐH khá tương đồng với nước ta nhưng ngay từ những năm 1990, Chính phủ các nước này đã có sự quan tâm đặc biệt đến việc xây dựng các trường ĐH định hướng nghiên cứu. Trong bảng xếp hạng ĐH thế giới 2011, hai trường ĐH nghiên cứu là Bắc Kinh và Thanh Hoa (Trung Quốc) xếp hạng 46, 47. Nga cũng có ĐH Quốc gia Lomonosov xếp hạng thứ 112.

Theo kinh nghiệm quốc tế, để xây dựng một trường ĐH nghiên cứu tầm quốc tế cần khoảng 400-500 triệu USD và phải duy trì nguồn tài chính ổn định để cung cấp cho hoạt động NCKH trong nhiều năm. Đây là một thách thức lớn đối với nước ta vì bấy lâu đã "quen" đầu tư dàn trải, thiếu trọng điểm trong khi nguồn tài chính hạn chế.

Ông Tạ Đức Thịnh cho rằng, để xây dựng được ĐH nghiên cứu theo đúng nghĩa trước mắt Nhà nước chỉ nên đầu tư cho 1-2 trường cũng như một số lượng hạn chế các ngành khoa học mạnh mà có thể tận dụng được lợi thế địa phương như với Việt Nam là nông nghiệp. Vì thế, việc cần làm ngay là sớm đề xuất bộ tiêu chí để đánh giá và xác định thế nào là trường ĐH nghiên cứu cũng như quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các tổ chức này.

Ở một góc độ khác, việc các trường ĐH và viện nghiên cứu ở nước ta trong cảnh "gần nhà, xa ngõ" đã bộc lộ bất cập. Điểm chung của quá trình này là coi các hoạt động NCKH và chuyển giao công nghệ cần được tích hợp hữu cơ với nhiệm vụ đào tạo. Do đó, việc xem xét hợp nhất một số trường ĐH và viện nghiên cứu rất đáng để suy nghĩ.

Không có trường ĐH nghiên cứu ắt sẽ khó nói đến một nền khoa học mạnh, đủ sức là trụ đỡ cho các ngành sản xuất, quản lý là một thực tế đã được kiểm chứng ở các nước phát triển. Riêng với Mỹ, sở dĩ những công ty công nghệ cao về công nghệ sinh học hay khoa học máy tính của họ luôn dẫn đầu thế giới đều do hưởng lợi từ những ĐH nghiên cứu hàng đầu như Harvard, MIT, California hay Stanford.