|
|||
Ứng dụng KH&CN tạo bứt phá KH&CN được ứng dụng rộng rãi trong nông nghiệp đã có hiệu quả lớn, góp phần đáng kể làm tăng năng suất và chất lượng của nông nghiệp trong những năm qua. Đến nay, đã có trên 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía, bông, cây ăn quả,... được dùng giống mới. Khoảng gần 90% giống cây trồng, vật nuôi được chọn tạo, đưa tỷ trọng áp dụng giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp lên 35%. Áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến, chương trình “3 giảm, 3 tăng”, canh tác bền vững, phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, sản xuất theo quy trình GAP.
Trong giai đoạn 2011 – 2015, ngành nông nghiệp hướng tới mục tiêu phát triển theo chiều sâu, bền vững, với nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học, chọn tạo giống nhằm tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản…có năng suất chất lượng cao, thích hợp với các vùng sinh thái khác nhau. Chiến lược dài hơi Bộ NN &PTNT đã xây dựng Chiến lược phát triển KH&CN nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2011 – 2020. Trong đó, Bộ NN&PTNT đặt ra mục tiêu đến năm 2015 thành tựu KH&CN đóng góp 40% GDP ngành nông nghiệp và 50% đến năm 2020. Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ trọng 30% trong giá trị sản xuất các sản phẩm chủ yếu đến năm 2015 và 50% vào năm 2020. Tuy nhiên, theo các chuyên gia việc phát triển KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn phải mang tính bền vững, hiệu quả, trong đó quan tâm đến vai trò của người nông dân. TS Chu Tiến Quang, Viện Quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, cần tăng cường hơn nữa công tác chuyển giao KH&CN cho người nông dân. Đây là một khoảng trống lớn từ trước tới nay vẫn chưa được lấp đầy. Để làm tốt việc đó, phải gắn kết giữa hệ thống nghiên cứu KH&CN Nhà nước với tư nhân, hợp tác xã, người nông dân. Hiện nay, có rất nhiều sáng tạo khoa học của người nông dân nhưng chưa được công nhận và tiếp sức kịp thời. Một vấn đề quan trọng nữa là đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng GAP, tăng cường công nghệ sau thu hoạch để nâng cao giá trị gia tăng và đảm bảo an toàn thực phẩm cho nông sản. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu nhận định, một số kỹ thuật trong canh tác tạm thời đã được cải thiện, song công nghệ sau thu hoạch chưa đạt yêu cầu. Do vậy, trong vòng 8 năm tới, ngành nông nghiệp cần xác định rõ vấn đề trọng tâm ưu tiên phát triển KH&CN, trong đó có công nghệ sau thu hoạch. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các tổ chức KH&CN công lập; đổi mới cơ chế quản lý, chế độ tài chính theo hướng quản lý sản phẩm, đầu ra của nhiệm vụ KH&CN. Ngoài ra, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, thiết bị công nghệ cho các phòng thí nghiệm; đào tạo nguồn nhân lực kết hợp với cơ chế quản lý nhân lực KH&CN theo hướng tạo lập thị trường lao động trong hoạt động KH&CN. Đăng Minh |