|
|||
Robot trợ giúp con người Robot do giảng viên và sinh viên Trường ĐH Lạc Hồng chế tạo đã mở ra một diện mạo mới về công nghệ phục vụ cuộc sống con người Robot này thực hiện được những hành động khá phức tạp theo yêu cầu, như giơ tay, cúi người chào, bắt chước các cử động bằng tay và chân. Robot còn thực hiện lệnh mang nước cho chủ và nói nhiều câu đơn giản được lập trình. Xét về công nghệ, nhiều chuyên gia cho rằng đây là một bước đột phá, sáng tạo ra robot mang trí tuệ của người đang dần thành hiện thực. (Theo Thanh Niên 21/5). Xe lăn điện tiện dụng Xuất thân của nó chính là xe lăn tay, nhưng được chế tạo thêm hệ thống điện gồm mô tơ điện, bình ắc quy, bộ xích, cơ cấu gài… Khi xe hết điện đột ngột trên đường đi thì người dùng chuyển sang lăn tay được. Mất 4 giờ để sạc bình ắc-quy và mỗi lần sạc xong, sử dụng liên tục được trong vòng 2 giờ. Đặc biệt, loại xe này có thể tháo lắp dễ dàng trên cở sở xe lăn tay dạng khung gấp nên khá tiện lợi khi vận chuyển. Vận tốc tối đa mà xe lăn điện chạy được là gần 10 km/h trong nhà, công viên hay quãng đường ngắn, có khả năng leo dốc thấp. Xe lăn điện tiện dụng nói trên do khoa Kỹ thuật giao thông, trường Đại học Bách khoa TP.HCM thiết kế, chế tạo. (Theo Đất Việt 23/5). Phát hiện voọc mũi hếch quý hiếm ở Hà Giang Tổ chức Bảo tồn động thực vật quốc tế (FFI) tìm thấy một quần thể voọc mũi hếch quý hiếm tại rừng Khau Ca, tỉnh Hà Giang. Một nhóm voọc mũi hếch tại rừng Khau Ca - Ảnh: FFI Nhóm chuyên gia của FFI cho biết, họ thấy khoảng 80 con voọc mũi hếch, trong đó 16 con mới được sinh ra. Theo thông báo của FFI, loài linh trưởng nói chung, trong đó có voọc mũi hếch chỉ xuất hiện theo mùa, nên sự hiện diện nhóm đông của loài này được cho là hiếm và là tin vui cho giới khoa học. Voọc mũi hếch có tên khoa học là Rhinopithecus strykeri. Chúng có bộ lông mầu nâu đen. Lông trên đầu và quanh mặt trắng nhạt. Vùng ngực, bụng, mặt trong chi trước và chi sau có mầu trắng mờ… (Theo Vnexpress 23/5). Máy cho tôm, cá ăn bán tự động: Giải pháp mới Anh Lê Văn Sơn ở ấp Cấp Rang, xã Suối Tre thị xã Long Khánh - Đồng Nai đã sáng chế ra máy cho tôm, cá ăn bán tự động. Điều Sơn tâm đắc nhất ở chiếc máy này là nó hoạt động dựa trên sự kết hợp giữa khí động học và lực cơ học, dễ vận hành và bảo trì. Khi đưa vào sử dụng, lưu lượng thức ăn phun ra lên tới 700kg/giờ, đặc biệt là góc phun tương đối rộng, do đó thức ăn có thể phủ khắp diện tích mặt ao, hồ. Ngoài ra, khi vận hành, lượng thức ăn cũng có thể được điều chỉnh tùy theo số lượng tôm, cá nuôi. Chủ nhân của chiếc máy cho biết thêm, vừa qua, anh đã nhận được hợp đồng với Công ty 5 Sao Việt (TP. Biên Hòa) để sản xuất máy cho tôm, cá ăn bán tự động cung ứng cho thị trường. (Theo Kinh tế nông thôn 23/5). Phát hiện động thực vật mới ở Phong Nha - Kẻ Bàng Ngày 24-5, Ban quản lý dự án khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng (PN - KB) và vườn quốc gia PN- KB đã hội thảo về hai đợt điều tra đa dạng sinh học ở PN-KB và lân cận trong năm 2011, do các tổ chức quốc tế và trong nước thực hiện. Kết quả khảo sát đã thu được bốn mẫu thuộc loài chuột đá Lào tại khu vực hang Én. Đây là ghi nhận đầu tiên về loài chuột đá Lào ở VN - một loài thú từng được xem là “hóa thạch sống” cách nay 13 triệu năm. Ngoài ra, các nhà khoa học còn ghi nhận thêm tám loài mới cho PN-KB như thằn lằn đuôi đỏ, cóc tai to, chàng sa pa...; phát hiện một cá thể dơi mới, loài ếch giun Ichthyophis sp, một số loài côn trùng... (Theo Tuổi trẻ 24/5). Việt Nam giành giải nhất cuộc thi khoa học quốc tế Phương pháp khử độ mặn trong nước biển bằng cách kết hợp giữa năng lượng mặt trời và kỹ thuật áp suất thấp của nhóm học sinh: Trần Bách Trung, Bùi Thị Quỳnh Trang và Vũ Anh Vinh (lớp 11 học sinh THPT chuyên Hà Nội Amsterdam) đã xuất sắc giành giải nhất lĩnh vực vật liệu và kỹ thuật sinh học tại Hội thi khoa học - kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF) dành cho học sinh trung học, vừa diễn ra tại Mỹ. Nhóm tác giả nghiên cứu bộ thiết bị khử độ mặn (từ trái qua phải): Trần Bách Trung, Bùi Thị Quỳnh Trang và Vũ Anh Vinh - Ảnh: P.Hậu Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng quang tại sự kiện khoa học uy tín này. Giải thưởng do Hội Khoa học và Công chúng Mỹ tổ chức hằng năm, có từ năm 1950. Ở lĩnh vực vật liệu và kỹ thuật sinh học năm nay có hơn 300 công trình của 68 quốc gia và vùng lãnh thổ tranh tài. (Theo Thanh Niên 25/5). Việt Nam chế tạo robot chiến trường Học viện Kỹ thuật quân sự nghiên cứu chế tạo thành công nhiều loại robot mới dùng để leo thang, phun cát, có khả năng ứng dụng trong dân sự và quân sự. Tiến sĩ Chu Anh Mỳ, trưởng Trung tâm công nghệ, chủ trì nghiên cứu cho biết, robot chiến trường có trọng lượng nhỏ hơn 120 kg, với hệ thống cơ khí vững chắc, ổn định, di chuyển linh hoạt qua các địa hình không bằng phẳng và được ứng dụng trong trinh sát, chiếm lĩnh trận địa, chiến đấu bí mật, bất ngờ,… Để làm sạch bề mặt các tấm thép phục vụ công nghiệp đóng tàu, nhóm nghiên cứu của Viện đã chế tạo robot phun cát. Robot này là sự kết hợp của tay máy 4 bậc tự do với mô-đun di chuyển. Vòi phun cát được gá theo tay máy. Kết cấu robot có 6 bánh lốp nên ổn định khi di chuyển trên nền cát dày, không bằng phẳng. Nhóm nghiên cứu cũng chế tạo thành công robot leo cầu thang và quan sát trong nhà có kích thước 1000x600x500 mm. Nó có khả năng leo lên, leo xuống các loại cầu thang thông dụng, di chuyển linh hoạt qua các địa hình không bằng phẳng. (Theo Vnexpress 25/5).
Ngọc Anh (Tổng hợp)
|