Bản in
Vì sao đường sụt, lún tràn lan?
Rất nhiều công trình lớn như hầm đường bộ Kim Liên (Hà Nội), đường dẫn hầm Thủ Thiêm, cao tốc Trung Lương (TP HCM)... vừa thi công xong, thậm chí đang thi công đã có dấu hiệu lún, sụt. Phải chăng Việt Nam thiếu công nghệ chống lún?

Tuy nhiên, theo TS Phan Vị Thủy, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Hội Khoa học – Kỹ thuật cầu đường Việt Nam, nếu khảo sát kỹ, thi công tốt sẽ hạn chế được rất nhiều tình trạng này.

- Gần đây, báo chí liên tục đưa tin về tình trạng đường sụt lún ở khắp các con đường trên cả nước. Phải chăng nguyên nhân của tình trạng này do thi công ẩu, rút ruột công trình hay thiếu công nghệ chống lún sụt?

- Trước hết, cần khẳng định nhiều con đường ở nước ta khó tránh được lún sụt. Từ những con đường làm cách đây mấy chục năm như Quốc lộ 6 đến những con đường mới thi công gần đây cũng không tránh khỏi hiện tượng này. Thông thường, sau nhiều năm sau thi công, một con đường mới ổn định hoàn toàn. Có lẽ không có con đường nào làm xong có thể yên tâm không bị sạt lở, lún. Tại sao lại có hiện tượng này? Bởi vì trước khi thi công, người ta đã không thể khảo sát nền đường quá chi tiết.

- Vì sao không thể khảo sát thật chi tiết và lẽ nào không có chế tài để buộc các nhà thầu làm tốt việc này, thưa ông?

- Đúng là việc khảo sát nền đường tốn rất nhiều công sức và rất đắt tiền. Thử tưởng tượng trên chắc dọc và ngang cứ cách một đoạn ngắn lại khoan thăm dò thì có biết bao nhiêu công việc khoan. Chưa kể chi phí tốn kém, việc này còn đòi hỏi rất nhiều thời gian. Cũng phải nói ràng, hiện các quy định về khảo sát cũng chưa quy định một cách quá tỉ mỉ.

- Không lẽ chi phí cho việc khảo sát nền đường một cách kỹ lưỡng lại đắt hơn chi phí bảo dưỡng đường?

- Khi làm đường ở đồng bằng, các nhà thầu gặp hai vấn đề: một là khảo sát không thể quá tỉ mỉ khi đường đi qua chỗ vùng đất yếu. Thứ hai, khi có đủ dữ liệu thiết kế thì thi công phải tuân thù nghiêm ngặt cách thi công ở vùng đất yếu. Giả sử cần làm con đường cao 4-5 m trên nền đất yếu, do yêu cầu tiến độ đắp cao ngay lập tức thì sẽ lún sụt ngay. Chẳng hạn như hầm Quán Thánh (TP HCM), do nhu cầu tiến độ phải hoàn thành nhanh, nhưng đơn vị thi công không có biện pháp gì để tăng độ cấu kết của đất nền, cứ tăng tiến độ thì nhất định phải lún.

- Điều đó có nghĩa là đối với một số công trình, chúng ta phải chấp nhận “sống chung với sụt lún”?

- Trước đây, có những chỗ ở đầu cầu, chẳng hạn như cầu Phú Lương (TP Hải Dương) trên đường 5, chúng ta đắp rất cao. Biết chắc đường chưa lún hết, người ta không rải mặt nhựa mà chỉ rải tạm thời đá răm, láng nhựa, sau 1-2 năm lại láng xuống và đến khi ổn định nền sẽ làm lại lần cuối. Nhưng những tuyến đường trọng điểm quốc gia như Pháp Vân - Cầu Giẽ hay đường Hồ Chí Minh không thể chờ như vậy và phải trả giá là đường lún, xuống cấp.

- Hiện nay chúng ta có đã có công nghệ nào để khắc phục hiện tượng này, thưa ông?

- Đối với đường trên nền đát yếu, chỉ có cách đắp dần lên, tùy theo điều kiện địa chất, sau đó để hàng mấy trăm ngày, dưới sức ép của đất, nước trong khu nền đất yếu sẽ bị đẩy ra. Hiện nay, về công nghệ, họ cũng có thể dùng bấc thấm hoặc cọc cát, tức là tạo ra những con đường để nước thoát lên trên (thoát nước đứng). Dưới sức ép của khối đất, nước sẽ theo những đường đó thoát ra ngoài nhanh hơn, đất bị ép chặt vào nhau. Sau một thời gian, người ta sẽ lấy đi lớp đất và đắp lại bằng lớp đất tốt để làm nền đường. Quá trình đó đòi hỏi nghiêm ngặt và đất gia tải phải để hàng năm để nền đường hết lún. Đối với đường miền núi, có thể dùng công nghệ khoan vào núi, giống như nguyên lý dùng vít để cố định nền đất trên bề mặt taluy.

- Xin cảm ơn ông!

Mạnh Đồng