Bản in
15 năm Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ VN:Trí tuệ của người Việt Nam là không giới hạn
Tối 19.4, lễ tổng kết 15 năm Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ VN (KHCNVN) và trao Giải thưởng Sáng tạo KHCNVN năm 2009, Giải thưởng Wipo của Liên Hợp Quốc 2009 đã diễn ra trọng thể tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Tới dự có Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, lãnh đạo đại diện Quốc hội, các bộ, ngành và đông đảo các nhà khoa học - công nghệ.

Lễ vinh danh các nhà khoa học, sáng tạo công nghệ VN năm 2009 trùng với mốc kỷ niệm 15 năm của một giải thưởng KHCN uy tín nhất VN. Theo PGS-TS Hồ Uy Liêm –  quyền  Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật VN (HKHKTVN), Trưởng ban tổ chức giải thưởng: “Giải thưởng Sáng tạo KHCNVN nhằm khuyến khích các nhà khoa học, công nghệ đi sâu nghiên cứu áp dụng các thành tựu KHCN hiện đại và công nghệ thích hợp với hoàn cảnh VN. Đây là giải thưởng được trao cho các tác giả có những công trình có giá trị khoa học, KT-XH lớn đã và đang được áp dụng có hiệu quả tại VN”.

Sau 15 năm với 15 lần tổ chức, đã có gần 2.000 công trình KHCN lựa chọn từ 63 tỉnh, thành phố và các bộ, ngành T.Ư gửi đến tham dự. Ban tổ chức đã xem xét và trao giải thưởng cho 500 công trình.

Theo TS Lê Xuân Thảo - Phó Chủ tịch thường trực Quỹ Vifotec, Phó Trưởng ban thường trực Ban tổ chức Giải thưởng Sáng tạo KHCNVN: “Các công trình được trao giải là những công trình có tính mới lần đầu tiên có ở VN, tính sáng tạo đạt hiệu quả KT-XH lớn, đã tiết kiệm, làm lợi cho Nhà nước và DN hàng nghìn tỉ đồng,  đem lại hiệu quả lớn, đã được trao nhiều giải thưởng cao quý và hiện nay 100% công trình đoạt giải thưởng đã được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất của các DN”.

Năm 2009 Tổ chức Sở hữu trí tuệ của Liên Hợp Quốc (Wipo) trao 4 giải cho các nhà khoa học – công nghệ và DN VN. Trong đó giải Wipo – Trophy dành cho DN xuất sắc nhất trong việc áp dụng hệ thống sở hữu trí tuệ vào SXKD được trao cho Cty CP Traphaco; giải Wipo dành cho phát minh xuất sắc nhất thuộc về công trình “Nghiên cứu vật liệu và công nghệ chế tạo bêtông cốt thép thành mỏng đúc sẵn ứng dụng cho hệ thống cấp thoát nước và môi trường VN” của tác giả Hoàng Đức Thảo (Bà Rịa – Vũng Tàu).
 
TS Nguyễn Thị Phương Giang (Hà Nội) đoạt giải Wipo dành cho tác giả nữ xuất sắc nhất; em Lê Thị Ngọc Tú (Trường Đại học Mỏ - Địa chất) đoạt giải Wipo dành cho tác giả trẻ xuất sắc nhất.

Có thể nói, 15 năm của giải thưởng tôn vinh các nhà khoa học, sáng tạo công nghệ VN đã đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, đồng thời khơi dậy niềm tự hào của dân tộc VN, đúng như Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã phát biểu tại lễ trao giải: “15 năm Giải thưởng Sáng tạo KHCNVN đã chứng tỏ sáng tạo là không có giới hạn, trí tuệ của người VN là không giới hạn. 

4 giải nhất Giải thưởng Sáng tạo KHCNVN năm 2009
Lĩnh vực cơ khí tự động: Công trình “Nghiên cứu thiết kế chế tạo trang bị MB-N7 cho bộ đội đặc công” (Cục Kỹ thuật – Binh chủng Đặc công, Bộ Quốc phòng). Lĩnh vực bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên: Công trình “Nghiên cứu lựa chọn công nghệ cơ giới hoá khai thác và thiết kế chế tạo loại giàn chống tự hành phù hợp áo dụng đối với điều kiện địa chất và các vỉa dày, độ dốc 35 độ tại Quảng Ninh” (Tập đoàn CN Than – Khoáng sản VN).

Lĩnh vực sinh học phục vụ sản xuất và đời sống: Công trình “Nghiên cứu quá trình tân tạo tuần hoàn trong một vạt tổ chức được tưới máu ngẫu nhiên sau cấy cuống mạnh” (Viện Chấn thương - chỉnh hình, BV T.Ư Quân đội 108). Lĩnh vực Công nghệ vật liệu: “Nghiên cứu vật liệu và công nghệ chế tạo bêtông cốt thép thành mỏng đúc sẵn ứng dụng cho hệ thống cấp thoát nước và môi trường VN” (Cty TNHH một thành viên thoát nước và phát triển đô thị Bà Rịa – Vũng Tàu).