Bản in
Những gương mặt trẻ “mê” sáng chế
Bằng niềm say mê và sáng tạo, họ đã biến những ước mơ tưởng chừng như không thể trở thành hiện thực. Họ chính là những thanh niên trẻ vinh dự được nhận danh hiệu Người thợ trẻ giỏi do Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng.

Sáng tạo từ bùn

Chàng kỹ sư nông nghiệp Phan Lộc Bảo Chiêu sinh năm 1986, công tác tại Trung tâm Thông tin và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tỉnh Bình Thuận bày tỏ sự hứng khởi khi trò chuyện với tôi về kỹ thuật làm phân hữu cơ. “Chị biết không, chỉ cần khoảng đất nhỏ, có mái che, người dân có thể trộn bùn đen với phụ phẩm nông nghiệp như rơm, lục bình và chế phẩm sinh học EM là thành phân hữu cơ thay thế phân hóa học”, Chiêu nói. Từ năm 2011, hàng trăm hộ dân các huyện lân cận TP.Phan Thiết đã được tập huấn sản xuất phân bón từ phế phẩm nông nghiệp do Chiêu sáng chế.

Sau 2 năm lội ruộng, làm vườn cùng bà con, Chiêu mới bắt tay thực hiện đề tài sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ bùn và phế phẩm nông nghiệp. Giải pháp có thể tiến hành theo quy mô hộ gia đình nên rất dễ làm.

Ý tưởng được hình thành từ thực tiễn khi người dân thường đào hào, rạch xung quanh vườn nhằm tưới nước cho cây thanh long, sau mỗi vụ mùa, lượng bùn dư thừa khá lớn. Phương pháp tạo phân bón của Chiêu giúp giảm ô nhiễm môi trường do phế thải nông nghiệp, đồng thời cải tạo đất, giảm giá thành mua phân hóa học.

Ngoài ra, anh còn tham gia thực hiện dự án: “Nghiên cứu biện pháp quản lý ruồi hại quả thanh long trên diện rộng nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả xuất khẩu tại Bình Thuận”, thực hiện đề tài “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, xây dựng và phát triển rau trên đất cát nhằm góp phần giải quyết tình trạng thiếu rau của huyện đảo Phú Quý”. Cũng trong năm 2011, Bảo Chiêu được nhận Bằng khen của Trung ương Đoàn vì có đề tài giải pháp ý tưởng sáng tạo tiêu biểu.

Nghiên cứu thành công nhiều giống hoa mới

Khác với Bảo Chiêu, Trần Anh Thông (sinh năm 1984), cán bộ Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa (TP. Đà Lạt - Lâm Đồng) lại nổi tiếng vì đã tạo ra nhiều giống hoa mới, góp phần giúp người dân Đà Lạt phát triển nghề trồng hoa truyền thống.

Với kết quả lai tạo, chọn lọc thành công 5 giống hoa mới, anh và nhóm nghiên cứu trẻ của Chi đoàn Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa đã được Trung ương Đoàn tặng Bằng khen trong “Liên hoan sáng tạo trẻ” vừa qua với thành tích đã có đề tài, giải pháp, ý tưởng sáng tạo tiêu biểu năm 2011.

Là Bí thư Chi đoàn, Thông là người chịu trách nhiệm chính của đề tài. Khoe với chúng tôi, Thông bảo: “Các sản phẩm lai tạo mới gồm 2 giống hoa cúc, 2 giống đồng tiền và 1 giống cẩm chướng. Đây là những sản phẩm tốt nhất được nhóm thực hiện tuyển chọn sau nhiều khâu thử nghiệm rất bài bản. Tham gia thực hiện đề tài gồm 5 cán bộ trẻ của Trung tâm có chung niềm say mê nghiên cứu giống hoa. Thông thường, một đề tài nghiên cứu giống hoa mới được thực hiện trong thời gian từ 3-5 năm. Đề tài lai tạo giống hoa của nhóm cũng vậy, triển khai từ đầu năm 2007 nhưng đến giữa năm 2011 mới cho ra kết quả khả quan”.

Chia sẻ về khó khăn khi thực hiện đề tài, Thông bảo, để tạo được những sản phẩm chất lượng tốt, trong quá trình triển khai được thực hiện đầy đủ các khâu như chọn giống bố mẹ chuẩn, quá trình lai tạo giống cây - con F1, trồng khảo nghiệm tại đồng ruộng… Thông giải thích thêm: “Sở dĩ quá trình lai tạo, chọn giống kéo dài nhiều năm là do phải trồng khảo nghiệm ở nhiều nơi và qua nhiều mùa vụ để thấy được ưu điểm của thế hệ giống mới và chọn ra những cây giống có chất lượng nổi trội nhất”.

Thành quả sau nhiều năm nghiên cứu cuối cùng đã không phụ công Thông và nhóm nghiên cứu. 5 giống hoa mới đã chứng minh được ưu điểm của mình trong quá trình trồng khảo nghiệm và sản xuất đại trà. Trong đó, giống hoa cúc (C07.7 và C07.16) có khả năng sinh trưởng rất mạnh, kháng sâu bệnh cao và hầu như không có biểu hiện nhiễm ruồi và rỉ sắt (hoặc chỉ nhiễm nhẹ) trong các vụ khảo nghiệm. Đặc biệt khi đi vào sản xuất đại trà, hai giống cúc này đã được nhà vườn chấp nhận vì màu sắc vàng tươi, đỏ viền vàng, được thị trường ưa chuộng và cho tỷ lệ hoa thương phẩm cao hơn các loại cúc khác (đạt 95 - 100%, trong khi các loại khác đạt 80-85%).

Thông cho biết thêm: “Các giống hoa này đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là giống hoa mới, được nhân giống Invitro để cung cấp cho người dân Đà Lạt và các địa phương khác”.

Chàng trai trẻ này mơ ước, sắp tới những công trình nghiên cứu của anh và đồng nghiệp sẽ nhanh chóng được công nhận, cung cấp cho người dân và các doanh nghiệp giống hoa có nhiều ưu điểm, góp phần hình thành vùng hoa chất lượng cao ở Đà Lạt và nhiều địa phương khác.