Bản in
Điểm tin khoa học và công nghệ trong tuần từ 21-27/4
Thiết bị đo màu xe ô tô; Áp dụng thành công mô hình tưới chè bằng van xoay; Từ 2013: Sản phẩm điện gia dụng phải dán nhãn năng lượng; Máy sản xuất viên nhiên liệu từ mùn cưa; Người nông dân mê sáng tạo;… là những thông tin khoa học và công nghệ đáng chú ý đăng trên các báo trong tuần từ 21-27/4.

Thiết bị đo màu xe ô tô

Đây là thiết bị do ThS Dương Tuấn Tùng, Bộ môn Công nghệ ô tô, Khoa Cơ khí động lực Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM chế tạo.

Chỉ cần áp thiết bị này vào bề mặt sơn cũ, thiết bị sẽ tự phân tích màu. Sau đó, đưa ra tỉ lệ các loại sơn để phối cho có màu giống y màu cũ.

Thiết bị thích hợp cho các trung tâm bảo hành, xưởng sửa chữa ô tô. Với những chiếc xe bị trầy, xước… cần phải sơn cục bộ (tút) lại, chỉ cần áp thiết bị này vào sẽ có được tỉ lệ phối màu thích hợp. Thiết bị có giá khoảng 80 triệu đồng. (Theo Đất việt 23/4).

Áp dụng thành công mô hình tưới chè bằng van xoay

Để giúp người dân sản xuất chè trên địa bàn chủ động nước tưới, hạn chế sâu bệnh, giảm công lao động và tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện thành công dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình tưới chè bằng van xoay”.

Mô hình tưới chè bằng van xoay sử dụng kỹ thuật tưới phun mưa là kỹ thuật đưa nước tới cây trồng vào mặt đất dưới dạng mưa nhân tạo nhờ các thiết bị tạo dòng phun mưa thích hợp. Sau một năm thử nghiệm phương pháp tưới chè bằng công nghệ van xoay đã mang lại hiệu quả thiết thực. So với sử dụng phương pháp tưới truyền thống, phương pháp tưới bằng van xoay chỉ sử dụng lượng nước bằng 1/4, thời gian tưới giảm 2/3, đảm bảo độ ẩm tương đương nhau. (Theo vietnamplus 24/4).

Máy sản xuất viên nhiên liệu từ mùn cưa

Viên nhiên liệu được sản xuất từ mùn cưa là sản phẩm của dự án “Thiết kế chế tạo máy ép trục khuỷu sản xuất viên nhiên liệu làm chất đốt từ phế thải sinh khối”.

2 Máy ép viên đã đưa vào sản xuất viên nhiên liệu tại Công ty TNHH Phát Triển Năng Lượng Tái Tạo VIỆT QUANG (Đồng Nai) - Ảnh: San Thái

Dự án do ông Nguyễn Minh Văn, Công ty TNHH Thiết bị công nghiệp MTC thực hiện với tổng kinh phí 2,4 tỷ đồng, trong đó Sở KH-CN TP.HCM hỗ trợ 550 triệu đồng.

Máy có công suất 1,5-1,8 tấn/giờ, với giá 600-700 triệu đồng/ máy. Công ty đã chuyến giao 2 máy ép viên cho Công ty TNHH phát triển năng lượng tái tạo Việt Quang (Đồng Nai) đưa vào sản xuất. (Theo Đất Việt 25/4).

Từ 2013: Sản phẩm điện gia dụng phải dán nhãn năng lượng

Đây là quy định trong Quyết định 51 của Thủ tướng Chính phủ đã được Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM (ECC) phổ biến cho các DN sản xuất thiết bị ngày 24.4.

Nhóm thiết bị phải dán nhãn năng lượng từ thời điểm trên gồm nhóm thiết bị điện gia dụng và điện công nghiệp như: Đèn huỳnh quang, chấn lưu điện từ và điện tử, điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt gia đình, nồi cơm điện, quạt điện...(Theo Lao Động 25/4).

ICDREC chuyển giao phần mềm cho 5 trường đại học

Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc ĐH Quốc gia TPHCM vừa chuyển giao phần mềm thiết kế vi mạch cho 5 trường ĐH, học viện: ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Bách khoa, ĐH Quốc tế, ĐH Công nghệ Thông tin và Học viện Công nghệ Bưu chính - Viễn thông cơ sở TPHCM.

Theo đó, các trường ĐH và học viện sẽ được ICDREC tập huấn và chuyển giao  phần mềm thiết kế số và thiết kế tương tự, với 10 licenses và thời gian sử dụng một năm. Trị giá của phần mềm khoảng 2 triệu USD.

Mục đích chuyển giao phần mềm thiết kế vi mạch cho các trường nhằm tạo ra một cộng đồng thiết kế vi mạch, trong tương lai không xa sẽ hình thành nhiều trung tâm nghiên cứu đào tạo thiết kế vi mạch như mô hình ICDREC ở các trường ĐH. (Theo Người lao động 25/4).

Tủ khử khuẩn y tế bằng ozon  

Đây là thành công mới của các nhà khoa học thuộc Viện Vật lý (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Tủ khử khuẩn y tế bằng ozon có tên là OMeS-150, góp phần thiết thực phòng chống nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế. Một quá trình hoạt động của thiết bị kéo dài tối đa 180 phút và khí ozon dư thừa trong buồng sẽ được khử bằng nhiệt độ cao trước khi xả ra ngoài.

Ưu điểm của OMeS-150 là diệt được nhiều loại vi sinh vật có trên bề mặt dụng cụ y tế, bảo đảm việc tái sử dụng các dụng cụ một cách an toàn; hoạt động tự động và ổn định; an toàn cho nhân viên y tế trong quá trình khử khuẩn dụng cụ; áp dụng được cho các loại dụng cụ chịu được oxy hóa. Sản phẩm đã được ứng dụng thử nghiệm tại các Bệnh viện Hữu nghị, 354 và nhận được nhiều phản hồi tích cực. (Theo Hà nội mới 27/4).

Người nông dân mê sáng tạo

Nhờ cần cù, sáng tạo anh Lê Công Thành ở ấp Thanh Thọ, xã Phú Lâm (Tân Phú – Đồng Nai) đã sáng chế thành công xe sạ hạt giống rau các loại.

Anh Thành giới thiệu về chiếc máy sạ rau tự chế. Ảnh: dongnai.gov.vn

Sau hơn 1 năm nghiên cứu, qua nhiều lần gọt dũa, sản phẩm xe sạ rau do anh tự chế đã hoàn thiện với đầy đủ tính năng mà nông dân mong muốn: nhẹ nhàng, dễ điều khiển, tiện lợi cho việc gieo hạt, ngay cả những loại hạt bé nhất như hạt rau dền. Đặc biệt, máy hoạt động với công suất cao, có thể thay thế 20-30 nhân công.

Hiện sản phẩm này đã được anh làm tặng cho một vài người bạn, cũng có nhiều người đặt hàng nhưng anh đang chờ hoàn tất thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ rồi mới tiến hành sản xuất đại trà. (Theo Kinh tế nông thôn 27/4).

Phát hiện hoa lan vani ở Việt Nam

Nhóm khoa học Đại học Nông lâm TP HCM đã phát hiện cây lan vani được cho là lần đầu tiên thấy ở Việt Nam.
Cây lan vani được phát hiện ở độ cao trên 200 m, trong chuyến khảo sát ở Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, Khánh Hòa. Cây lan có hoa dài 4-6 cm mang 4 hoa, đài và cánh hoa có màu vàng xanh. Hoa to có đường kính khoảng 3,5 – 4 cm, có mùi thơm và nở không hoàn toàn như những loài lan vani khác.

Trong một số tài liệu trước đây về lan Việt Nam đều chưa thấy đề cập đến sự hiện diện của loài lan này. Các nhà khoa học cho rằng, đây là lần đầu tiên loài lan vani này được ghi nhận ở Việt Nam. Hiện nay, các chuyên gia đang thực hiện việc lấy mẫu và giám định lần cuối. (Theo vnexpress 27/4).

 

Ngọc Anh (Tổng hợp)