|
|||
Tây Nguyên, được đánh giá là vùng có vị trí địa chính trị hết sức quan trọng. Nơi đây cũng là vùng địa sinh thái giàu tài nguyên, và là vùng văn hóa đa sắc tộc bao gồm 47 dân tộc anh em cùng chung sống. Chủ trương nhất quán của Ðảng và Nhà nước ta là xây dựng Tây Nguyên thành một địa bàn vững chắc về an ninh quốc phòng và tiến tới trở thành vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Sau ngày thống nhất đất nước (năm 1975), cùng với nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên, lĩnh vực KH và CN đã có Chương trình "Ðiều tra tổng hợp về Tây Nguyên" trong các năm 1976 - 1980 (gọi tắt là chương trình Tây Nguyên 1). Ðến những năm 1984 - 1988, có Chương trình "Nghiên cứu xây dựng cơ sở khoa học cho quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên" (chương trình Tây Nguyên 2) do Viện KH và CN Việt Nam chủ trì. Thông qua việc triển khai hai chương trình khoa học trọng điểm cấp Nhà nước về Tây Nguyên đã tập hợp được một lực lượng đông đảo cán bộ trong và ngoài Viện KH và CN Việt Nam (có sự hỗ trợ của các địa phương sở tại) cùng tiến hành nghiên cứu. Kết quả của các chương trình Tây Nguyên 1 và Tây Nguyên 2 đã đi sâu phân tích, đánh giá các điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, đặc điểm con người, tiềm năng văn hóa... nơi đây; cung cấp kịp thời các luận cứ khoa học để xây dựng kế hoạch năm năm (1986 - 1990) và phục vụ cho quy hoạch dài hạn phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên các năm tiếp theo. Sau hơn 20 năm kể từ khi kết thúc Chương trình Tây Nguyên 2 (1988), Nhà nước đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư, hỗ trợ nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng này. Nhờ vậy, đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã có chuyển biến rõ rệt trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đời sống mọi mặt của người dân được cải thiện, trình độ dân trí được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, Tây Nguyên đang phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức. Ðó là tình trạng di dân tự do, chặt phá rừng bừa bãi, tình trạng khai thác tài nguyên thiếu hợp lý, khiến đa dạng sinh học suy giảm; tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững, tỷ lệ hộ nghèo đói còn cao so mặt bằng chung cả nước. Ðặc biệt, những năm qua, Tây Nguyên đã và đang xuất hiện các loại thiên tai như hạn hán, lũ lụt, xói mòn đất, gây nguy cơ sa mạc hóa khá cao. Những thay đổi, biến động kéo theo những thách thức tiềm ẩn sau hơn 20 năm thực hiện Chương trình Tây Nguyên 2, đòi hỏi cần được đầu tư nghiên cứu; đưa các luận cứ KH và CN tham gia giải quyết các vấn đề do thực tiễn đặt ra, từng bước xây dựng Tây Nguyên trở thành một trung tâm kinh tế - xã hội phát triển bền vững của đất nước. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong hai năm 2010 và 2011, Viện KH và CN Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Liên hiệp các Hội KH và KT Việt Nam xây dựng Chương trình KH và CN trọng điểm về Tây Nguyên trong giai đoạn mới (gọi tắt là Chương trình Tây Nguyên 3). Năm 2011, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và các bộ, ngành tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo về "Nghiên cứu đánh giá tổng hợp tài nguyên môi trường, kinh tế - xã hội và đề xuất luận cứ khoa học - công nghệ phục vụ chiến lược phát triển bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030". Ban chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 3 đã xác định chín nhóm vấn đề cần nghiên cứu giải quyết. Trong đó tập trung vào các vấn đề lớn như: Nghiên cứu đánh giá tổng hợp thực trạng phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên giai đoạn 1988 - 2015 và đề xuất mô hình phát triển bền vững Tây Nguyên trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; nghiên cứu các vấn đề văn hóa, xã hội, dân tộc và tôn giáo vùng Tây Nguyên trong bối cảnh mới và đề xuất các luận cứ để bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa Tây Nguyên; các vấn đề liên quan an ninh và bảo vệ chủ quyền đất nước vùng Tây Nguyên; xây dựng luận cứ khoa học cho việc quản lý tổng hợp, quy hoạch, khai thác, sử dụng hiệu quả và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên quan trọng: sinh vật, đất, nước, khoáng sản, khí hậu... ở Tây Nguyên... Theo Phó Ban chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 3 Nguyễn Ðình Kỳ: Năm 2011, Bộ Khoa học và Công nghệ bước đầu đã phê duyệt 19 đề tài cấp Nhà nước (giai đoạn 2011 - 2015) thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên, tài nguyên và môi trường, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa bàn Tây Nguyên. Trong năm 2012 này, Bộ KH và CN sẽ tiếp tục rà soát và phê duyệt thêm hơn 20 đề tài, nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 (phần lớn là lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn) thuộc Chương trình Tây Nguyên 3, góp phần phục vụ có hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội bền vững vùng Tây Nguyên. |