|
|||
GS Ngô Bảo Châu vào Viện hàn lâm Khoa học và nghệ thuật Hoa Kỳ Báo Tuổi trẻ, VietNamNet, VnExpress… ngày 19/4 cho biết, GS Ngô Bảo Châu trở thành Viện sĩ Viện Hàn lâm Hoa Kỳ. Theo thông cáo báo chí của Viện hàn lâm Khoa học và nghệ thuật Hoa Kỳ công bố hôm 17-4, năm nay viện đã bầu 220 thành viên mới, trong đó có GS Ngô Bảo Châu. Mở đầu thông cáo báo chí, viện hàn lâm được thành lập từ năm 1780 này viết: “Lớp 2012 bao gồm những học giả, nghệ sĩ, nhà khoa học, nhà văn và các chuyên gia khác của trong nước và ngoài nước bao gồm nhà sử học David W. Blight, nhà nghiên cứu núi lửa Katharine V. Cashman, nhà toán học Ngô Bảo Châu, diễn viên/đạo diễn Clint Eastwood, nhà soạn nhạc Sir Paul McCartney... Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng được bầu ở danh mục quan hệ công chúng và báo chí”. Các thành viên mới sẽ được làm lễ giới thiệu vào ngày 6-10 tại trụ sở của viện này tại Cambridge, bang Massachusetts (Mỹ). GS. Ngô Bảo Châu (Ảnh: VietNamNet) Tổng hợp Nucleotic có hy vọng trong điều trị ung thư Qua các thí nghiệm với động vật, các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã phát hiện nucleotic mang thông tin gen di truyền có trong gan tổng hợp theo nhịp nhất định của đồng hồ sinh học. Từ đó các nhà nghiên cứu hy vọng có thể phát triển phương pháp trị liệu kết hợp giữa hóa trị ung thư và nhịp đồng hồ sinh học để cải thiện hiệu quả điều trị. Giáo sư Okamura của trường Đại học Kyoto, người đứng đầu nhóm nghiên cứu đã tiết lộ trên tạp chí Cell reports của Mỹ rằng họ đang tiến hành thí nghiệm động vật với những con chuột bị phá hủy đồng hồ sinh học trong gan và những con chuột bình thường để điều tra sự thay đổi enzyme do các nucleotic sinh ra. Kết quả cho thấy ở những con chuột bình thường lượng enzyme sản sinh ban ngày chiếm khoảng 1/4 lượng enzyme sản sinh vào ban đêm, sự thay đổi lượng enzyme này có quy luật theo hình parabol. Tuy nhiên ở những con chuột bị hủy hoại đồng hồ sinh học, sự thay đổi lượng enzyme lại có những rối loạn bất thường. Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) Vì vậy các nhà nghiên cứu cho rằng trong điều trị ung thư việc xác định nhịp tổng hợp nucleotic sẽ giúp lựa chọn thời điểm thích hợp nhất để tiến hành hóa trị, từ đó cải thiện kết quả trị liệu và giảm thiểu tác dụng phụ. Tin từ báo điện tử Vietnamplus ngày 19/4. Loại mọt nguy hiểm TG chưa xuất hiện ở Việt Nam Thông tin trên được báo Tiền phong, Đất Việt đưa ra ngày 19/4. Trong bài báo có nêu, việc phát hiện mọt TG trong ngũ cốc nhập khẩu đang gây ra mối quan ngại lớn, bởi đây là loài côn trùng cực kỳ nguy hiểm, có thể chịu được nóng đến 500C và chịu được lạnh tới âm 180C. Thông tin trên cũng được Cục Bảo vệ thực vật (BVTV-Bộ NN-PTNT) cho biết vào ngày 18/4, Việt Nam vừa phát hiện thêm 8.750 tấn ngũ cốc nhập khẩu từ Ấn Độ bị nhiễm mọt TG. Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam phát hiện mọt TG trong hàng hóa nhập khẩu. Theo Cục Bảo vệ Thực vật, mọt TG là mọt cứng đốt, có nguồn gốc từ Ấn Độ. Chúng có thể phá hoại trên 100 mặt hàng gồm lương thực, hạt giống, ngũ cốc (gạo, lúa mỳ, yến mạch, lúa mạch…), sản phẩm ngũ cốc (bột ngô, bột mỳ, khô đậu tượng…), hạt có dầu, thảo dược, gia vị, vải, len dạ, giấy, rau, cao su, đồ hộp và để lại nhiều chất thải như xác lột, phân, chất bài tiết và sản phẩm vụn nát, hậu quả là giảm chất lượng hàng hoá hoặc hàng hoá mất khả năng sử dụng… Mọt TG được xếp trong danh mục đối tượng kiểm dịch nhóm 1 của Việt Nam và được hiểu là chưa có mặt trong lãnh thổ Việt Nam. Hiện nay việc khử trùng mọt TG trên các loại ngũ cốc chủ yếu bằng biện pháp xông hơi, hóa hơi hóa chất Methyl Bromide. Hình ảnh mọt TG (Ảnh: Cục BVTV) Theo lãnh đạo Cục Bảo vệ Thực vật, quyết định buộc tái xuất lô hàng ngũ cốc từ Ấn Độ là cực kỳ phức tạp bởi liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó có những khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam. Tái chế xỉ thép trở thành vật liệu xây dựng, trồng trọt Trên báo điện tử Vietnamplus (TTXVN) đưa tin, ngày 18/4, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có buổi làm việc với các cơ quan chức năng và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vật liệu xanh, để đánh giá dự án tái chế xỉ thép thành các vật liệu có ích trong xây dựng, trồng trọt, lọc nước... của công ty này. Đây là dự án tái chế xỉ thép thành các sản phẩm có ích đầu tiên tại Việt Nam. Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng từ xỉ thép tại khu công nghiệp Phú Mỹ 1, huyện Tân Thành (Bà Rịa-Vũng Tàu), do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vật liệu xanh làm chủ đầu tư đã được Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cấp phép từ tháng 7/2011, sau 10 tháng thi công hiện đang được chạy thử. Theo kế hoạch, năm 2012 sẽ có thêm hai nhà máy sản xuất thép gồm Pomina 3, Fuco đi vào hoạt động, số xỉ thép thải ra môi trường sẽ tăng gấp ba lần và tới năm 2014 có thêm hai nhà máy khác là Vinakyoe, Possco SS Vina thì số xỉ thép sẽ tăng lên gấp năm lần hiện tại, gây áp lực lớn cho tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Quần đảo Trường Sa giàu rong biển Báo Đất Việt cho biết thông tin như trên vào ngày 19/4. Quần đảo Trường Sa có 62 loài rong có thể khai thác để sản xuất dược liệu, thực phẩm, phân bón, rau xanh… Đây là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học ở Viện Tài nguyên và Môi trường Biển thuộc Viện KH&CN Việt Nam. Theo ông Đàm Đức Tiến, Trưởng phòng sinh thái và tài nguyên thực vật biển, quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa với khoảng 100 hòn đảo, đá ngầm và bãi san hô là nơi sinh sôi của nhiều loài rong biển giá trị. Tại 10 đảo thuộc quần đảo Trường Sa các nhà khoa học đã xác định được 255 loài rong biển thuộc 4 ngành là khuẩn Lam (Cyanophyta), rong Đỏ (Rhodophyta), rong Nâu (Phaeophyta) và rong Lục (Chlorophyta). Trong đó, rong Đỏ chiếm ưu thế hơn cả: 136 loài chiếm 53,3%, Đặc biệt, vùng biển này có loài Claudea batanensis Tanaka (chưa có tên tiếng Việt) đang được một số nước quan tâm. Cũng theo ông Tiến, việc chế biến các loài rong biển thành các sản phẩm như thuốc, thực phẩm, phân bón… không hề phức tạp, Việt Nam có thể làm được. Tàu con thoi Discovery bay chuyến cuối cùng là thông tin đáng chú ý được các báo Thanh Niên, Sài Gòn Giải phóng, VnExpress… dẫn theo nguồn tin AFP đưa tin trong hai ngày 18/4 và 19/4. Theo nguồn tin AFP, ngày 17/4, tàu con thoi Discovery của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ chính thức nghỉ hưu sau khi bay chuyến cuối cùng từ Trung tâm không gian Kennedy ở Florida đến Viện Bảo tàng Smithsonian tại thủ đô Washington. Người dân thủ đô Washington đã hứng thú trước cảnh tượng chiếc máy bay Boeing 747 “cõng” tàu vũ trụ Discovery (ảnh) bay quanh thành phố nhiều vòng ở độ cao chỉ vài trăm mét trước khi tàu vũ trụ huyền thoại này được trưng bày ở Bảo tàng không gian. Discovery là tàu vũ trụ lâu năm nhất của NASA, đã thực hiện 39 chuyến bay vào không gian. Trong suốt 27 năm hoạt động, con tàu này đã bay tổng cộng 238,5 triệu km, đưa 252 lượt nhà du hành lên vũ trụ, với thời gian hoạt động trong không gian là 366 ngày và bay tổng cộng hơn 5.800 vòng quanh Trái đất. Tàu đã đưa 31 vệ tinh, trong đó có cả kính thiên văn Hubble, vào quỹ đạo. Phương Nga (Tổng hợp) |