Bản in
Đẩy nhanh áp dụng công nghệ thân thiện để xử lý chất thải y tế
Chất thải y tế ở Việt Nam ngày càng nhiều và cần ngay những chính sách, phương pháp phù hợp để giải quyết

Đây là chủ đề chính được đưa ra bàn luận tại hội thảo “Hội thảo Bảo vệ môi trường và sức khỏe” do Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Cơ quan thương mại Pháp UBIFRANCE Việt Nam kết hợp với Bộ Y tế tổ chức sáng nay tại Hà Nội.

Tại hội thảo, GS. TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế - Bộ Y tế cho biết, hiện nay cả nước có 13.640 cơ sở y tế các loại. Các cơ sở y tế này mỗi ngày phát sinh ra khoảng 42 tấn chất thải rắn y tế nguy hại. Dự kiến đến năm 2015 sẽ có trên 70 tấn/ ngày và đến năm 2020 thì sẽ có 93 tấn/ ngày. Không những chất thải y tế nguy hại ở Việt Nam ngày càng có chiều hướng tăng mà nước thải y tế cũng vào khoảng 120.000m3/ngày đêm và dự kiến đến năm 2015 sẽ có khoảng 300.000 m3/ngày đêm.

Với lượng chất thải ô nhiễm khổng lồ như vậy nhưng không phải là ở Việt Nam đã có những biện pháp xử lý hợp lý.

Toàn cảnh hội thảo

Nhưng trên thực tế, theo thống kê của Bộ Y tế thì hiện nay mới chỉ có 53,4% bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải y tế, trong khí đó tình trạng xử lý chất thải rắn còn hạn chế hơn. Chỉ có khoảng 17% cơ sở Y tế dự phòng xử lý bằng lò đốt thủ công, số còn lại thuê xử lý hoặc chôn lấp. Những thông tin đó chứng tỏ rằng việc xử lý chất thải trong y tế ở Việt Nam còn rất hạn chế và việc giải quyết là vô cùng cấp bách.

Các đại biểu tham dự hội thảo nhận định, dẫn đến tình trạng này là do Việt Nam còn thiếu các văn bản quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo vệ môi trường y tế cũng như chưa có văn bản quy định cụ thể cho viện, trung tâm y tế tuyến tỉnh, huyện thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong cơ sở y tế. Thiếu nguồn nhân lực trình độ cao; trang thiết bị và kinh phí đầu tư cho việc này khá cao cũng là một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng đáng lo ngại trên.

GS. TS Nguyễn Huy Nga cho rằng, để công tác xử lý chất thải y tế của Việt Nam có hiệu quả hơn cần có những chính sách khuyến khích các bệnh viện, cơ sở y tế áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường, nâng cao đầu tư kinh phí. Bên cạnh đó cũng cần ưu tiên áp dụng mô hình xử lý tập trung hoặc theo cụm để tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả việc xử lý chất thải y tế ở Việt Nam.

Tin, ảnh: Hoàn Hiền