Bản in
Viết về KH&CN không thể là “chuồn chuồn đạp nước”
Khoa học và công nghệ (KH&CN) là đề tài khó của truyền thông bởi bản tính của nó là khoa học kỹ thuật nghiêm ngặt cộng với công nghệ hiện đại. Người làm truyền thông KH&CN ngoài việc đưa thông tin thời sự về KH&CN hàng ngày, hàng giờ còn phải biết kết hợp thông tin KH&CN với những chuyên đề sâu, thông tin đảm bảo 100% tính xác thực, thận trọng và không đưa tin giật gân.

Nhà báo Trần Đức Chính - nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Lao động đã chia sẻ như vậy tại khóa tập huấn “Tăng cường năng lực nghiệp vụ truyền thông KH&CN” do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông Khoa học và Công nghệ (Trung tâm Truyền thông) tổ chức cho cán bộ đầu mối truyền thông của các đơn vị thuộc Bộ KH&CN.

Khóa tập huấn được tổ chức nhằm giúp học viên hiểu rõ hơn những chủ trương, định hướng phát triển KH&CN và các nội dung cần tập trung đẩy mạnh truyền thông trong thời gian tới. Đồng thời, nâng cao kỹ năng làm báo và cách thức phối hợp hiệu quả giữa các đầu mối cung cấp thông tin trong Bộ KH&CN với phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí trong ngành KH&CN.

Chuyển biến lớn trong công tác truyền thông KH&CN

Tại khóa tập huấn, bà Trần Thị Xuân – Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông cho biết, thời gian qua các cơ quan báo chí, truyền thông của Bộ đã có những đóng góp đáng kể trong công tác chuyển tải thông tin về hoạt động KH&CNđến với công chúng. Thông tin KH&CN được đăng tải kịp thời, phong phú, dễ hiểu và đã có những phản hồi tích cực từ công chúng như các bài viết về chính sách KH&CN, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng, năng lượng nguyên tử, công nghệ cao, KH&CN địa phương,… Đặc biệt, đã có nhiều bài viết về các tổ chức, doanh nghiệp KH&CN hoạt động hiệu quả, mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN mang lại hiệu quả kinh tế lớn,… Cùng với đó, các đơn vị đã chú trọng phát triển tốt các kênh thông tin trên internet (hiện có 36 website của các đơn vị thuộc Bộ).

Với vai trò là cơ quan đầu mối trong công tác truyền thông của Bộ, Trung tâm Truyền thông đã nỗ lực hoàn thành tốt nghiệm vụ truyền thông KH&CN phục vụ chương trình tuyên truyền của Bộ. Trong năm 2011, Trung tâm đã có hơn 1.080 tin và 521 bài viết đăng tải trên chuyên trang hợp tác với các báo: Lao động cuối tuần, Tin tức (ấn phẩm của Thông tấn xã Việt Nam), Hà Nội mới, Đối ngoại Việt Nam, Đại biểu nhân dân, Nhân dân, VietNamNet, Đất Việt, cổng thông tin của Bộ, cổng thông tin của Trung tâm,… Đồng thời,  Trung tâm thường xuyên phối hợp với các Đài Truyền hình,  Đài Tiếng nói Việt Nam và báo đối tác thực hiện nhiều phóng sự, tọa đàm, chương trình truyền hình trực tiếp, giao lưu trực tuyến về các sự kiện, nội dung liên quan đến hoạt động KH&CN.

Theo bà Trần Thị Xuân, nhờ có sự phối hợp, cung cấp thông tin sớm, đầy đủ từ các đơn vị thuộc Bộ KH&CN, đơn vị phụ trách KH&CN của các Bộ, ngành, hoạt động truyền thông KH&CN đã không ngừng được đẩy mạnh. Thông tin KH&CN, đặc biệt là chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển KH&CN, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ KH&CN được chuyển tải kịp thời, sâu rộng. Nguyện vọng của các tổ chức KH&CN, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp,… hoạt động trong lĩnh vực KH&CN đều được tiếp nhận, xử lý và đăng tải để cung cấp cho các đơn vị quản lý KH&CN cũng như phục vụ việc xây dựng các chính sách về KH&CN.

Bà Lê Thị Khánh Vân cho rằng, đầu mối truyền thông nên chủ động cung cấp thông tin cho báo chí (Ảnh: Phương Hoàn)

Trung tâm cũng đã tổ chức thành công nhiều khóa tập huấn nghiệp vụ truyền thông ở trong và ngoài nước cho cán bộ của các đơn vị thuộc Bộ KH&CN, phóng viên trong ngành KH&CN; bước đầu triển khai Giải thưởng báo chí về KH&CN và nhiều nhiệm vụ truyền thông theo kế hoạch và đột xuất do lãnh đạo Bộ giao. Rất nhiều cán bộ đầu mối truyền thông của các đơn vị thuộc Bộ cùng cho rằng, hoạt động truyền thông KH&CN đã được đẩy mạnh từ khi Trung tâm Truyền thông ra đời và đi vào hoạt động.

Theo Phó Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử Phạm Quang Trung, Trung tâm Truyền thông có vai trò quan trọng trong việc đưa thông tin KH&CN kịp thời tới công chúng. Đặc biệt, trong 2 năm qua, Trung tâm đã đưa các thông tin tuyên truyền về năng lượng nguyên tử và phát triển điện hạt nhân rất tốt. Đây không chỉ là hoạt động của đơn vị mà còn gián tiếp thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của Việt Nam, Bộ KH&CN trong việc phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử, phát triển điện hạt nhân một cách an toàn, bền vững.

Truyền thông KH&CN cần phải có kỹ năng

Nhà báo Trần Đức Chính – nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Lao động cho rằng, “KH&CN là đề tài khó của truyền thông bởi bản tính của nó là khoa học kỹ thuật nghiêm ngặt cộng với công nghệ hiện đại. Người làm truyền thông phải hiểu được, thấy được vai trò quan trọng của KH&CN; lưu ý đến kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực này và có kế hoạch tự bồi dưỡng kiến thức. Nghề báo, muốn thành công, muốn làm tốt công việc của mình phải vừa làm vừa học, không có kiểu viết tin bài “chuồn chuồn đạp nước”, tuyên truyền KH&CN không chỉ có vỏ thông tin mà cần nội dung sâu tùy mức độ mới có hiệu quả cao”.

Nhà báo Trần Đức Chính cũng nhấn mạnh, người làm truyền thông KH&CN ngoài việc đưa thông tin thời sự về KH&CN hàng ngày, hàng giờ còn phải  biết kết hợp thông tin KH&CN với những chuyên đề sâu, thông tin đảm bảo 100% tính xác thực, thận trọng và không đưa tin giật gân.

Theo bà Lê Thị Khánh Vân – Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia, nhiều sự kiện do Cục tổ chức đã được thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Nếu không có truyền thông, nhiều sự kiện của Cục không thể thành công. Bà Khánh Vân chia sẻ, các đầu mối truyền thông cần chủ động viết hoặc cung cấp thông tin cho báo chí. Thông tin phải nhanh, chính xác, đầy đủ, đặc biệt là các số liệu. Bà Khánh Vân dẫn chứng, sau mỗi sự kiện, Cục đều có báo cáo tổng kết và gửi báo chí. Nhờ thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông các kết quả hoạt động, Cục đã có nhiều cơ hội hợp tác với các đơn vị trong và ngoài nước.

Bà Khánh Vân mong muốn, các đơn vị báo chí, truyền thông và 36 website của các đơn vị trong Bộ KH&CN nên tạo thành mạng lưới truyền thông. Trung tâm Truyền thông sẽ là đầu mối tiếp nhận, xử lý thông tin và gửi đến tất cả các đơn vị truyền thông, báo chí trong và ngoài Bộ để đăng tải, đặc biệt là các sự kiện lớn của Bộ.

Dưới góc nhìn của người làm công tác giảng dạy trong lĩnh vực báo chí, TS. Đặng Thu Hương, Trưởng khoa, Khoa Báo chí – Truyền thông, Đại học KHXH&NV cho rằng, người làm đầu mối thông tin KH&CN cần có kỹ năng nhận biết, tổ chức sự kiện về KH&CN; kỹ năng giao tiếp, quan hệ với giới truyền thông, biết cách phản ánh các hoạt động KH&CN; kỹ năng xây dựng, triển khai kế hoạch truyền thông ngắn hạn cũng như các chiến lược truyền thông dài hạn cho đơn vị mình,…

Chia sẻ về vấn đề truyền thông KH&CN, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến khẳng định, truyền thông KH&CN có vai trò rất quan trọng, là một trong 6 giải pháp chủ yếu để nâng cao, phát triển KH&CN. Thứ trưởng cũng đề nghị các đơn vị trong Bộ cần tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Truyền thông và các đơn vị báo chí để góp phần đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động truyền thông KH&CN.

Theo đó, trong thời gian tới kế hoạch truyền thông hoạt động KH&CN cần tập trung vào một số nội dung như: tuyên truyền về Đề án “Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ cơ chế quản lý, hoạt động và tổ chức KH&CN”; nguồn nhân lực KH&CN; hiệu quả kinh tế xã hội của các chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước; hoàn thiện cơ chế hoạt động và bộ máy quản lý nhà nước về KH&CN; điện hạt nhân – an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường; các chương trình quốc gia do Bộ chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện; phát triển thị trường công nghệ; Luật KH&CN (sửa đổi); công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ,…

Phương Nga – Nguyễn Hạnh