|
|||
Hệ thống thu gom, xử lý và tái sử dụng nước mưa Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường (Trường ĐH Xây dựng) vừa hoàn thành xây dựng hệ thống thu gom, xử lý và tái sử dụng nước mưa rất tiện lợi cho người dân. Hệ thống gồm các đường ống thu và dẫn nước mưa, thiết bị tách nước mưa đợt đầu, bể chứa nước mưa, hệ thống xử lý nước mưa bằng công nghệ màng vi lọc (MF), mạng lưới đường ống phân phối nước tới các vòi uống nước trực tiếp. Quá trình thử nghiệm trong vòng 4 tháng cho thấy các chỉ tiêu chất lượng nước như độ pH, độ đục, hàm lượng chất hữu cơ, kim loại nặng, vi sinh vật gây bệnh... đều đạt tiêu chuẩn nước cấp cho ăn uống do Bộ Y tế ban hành (QCVN 01:2009/BYT). (Theo Người lao động 29/2). Trồng rong nho ở Trường Sa Viện Hải dương học Nha Trang vừa được mời chuyển giao kỹ thuật trồng, bảo quản và chế biến rong nho biển cho quân dân huyện đảo Trường Sa làm rau ăn. Viện sẽ xây dựng hai mô hình trồng rong nho biển trong bể tại Vùng 4 Hải quân (TP Cam Ranh), đào tạo kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản và chế biến rong nho cho 40 người. Viện cũng hoàn thiện tài liệu hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản và chế biến loài rong này phù hợp với điều kiện sinh thái và kinh tế xã hội của huyện đảo Trường Sa để trồng phổ biến ở quần đảo. (Theo Đại biểu nhân dân 1/3) Việt Nam chế máy đo phóng xạ cho tàu chiến Viện Hóa học - Môi trường quân sự, thuộc Binh chủng Hóa học đã chế tạo thành công máy đo phóng xạ trang bị cho tàu hải quân phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Máy đo phóng xạ PX-6KT cho tàu chiến. Ảnh: Vnexpress Với 6 đầu đo làm từ thép không gỉ, máy có khả năng ghi nhận bức xạ gamma trên 6 kênh, chỉ thị kết quả bằng màn hình tinh thể lỏng. Cảnh báo phóng xạ theo ngưỡng được đặt theo yêu cầu, có khả năng tự động cảnh báo khi đi vào vùng nhiễm xạ. Máy đo phóng xạ PX-6KT sử dụng kỹ thuật vi điều khiển nên có hiệu suất làm việc cao, có thể làm việc ổn định trong điều kiện độ ẩm nhỏ hơn 98%. (Theo Vnexpress 1/3). Trao giải Kovalevskaia 2011 cho 2 nhà khoa học nữ Giải thưởng Kovalevskaia 2011 đã được trao cho 2 nhà khoa học nữ là PGS-TS Vũ Thị Thu Hà (Phó Viện Trưởng Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ lọc, hóa dầu) và PGS-TS Lê Thị Thanh Nhàn (Phó Hiệu trưởng Đại học Khoa học Tự nhiên-Đại học Thái Nguyên) có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu ứng dụng khoa học tự nhiên, đóng góp xứng đáng vào công cuộc phát triển đất nước. Phó giáo sư-tiến sỹ Vũ Thị Thu Hà tạo ra nhiều sản phẩm và quy trình công nghệ thân thiện môi trường, đóng góp tích cực trong phát triển ngành công nghệ hóa dầu. Phó giáo sư-tiến sỹ Lê Thị Thanh Nhàn có 16 công trình được công bố trên những tạp chí toán quốc tế uy tín, trong đó có những công trình được nhiều nhà toán học trên thế giới quan tâm trích dẫn. (Theo Vietnamplus 1/3). Hơn 220 doanh nghiệp thành lập bộ phận nghiên cứu Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) cho biết, đến hết năm 2011 đã có hơn 220 doanh nghiệp (DN), kể cả DN tư nhân, thành lập viện hoặc trung tâm nghiên cứu khoa học chuyên ngành. Sự ra đời của các cơ sở này giúp DN tự chủ nghiên cứu và đổi mới công nghệ. Tiêu biểu trong số này là Công ty cổ phần Giống cây trồng trung ương (Vinaseed) đã lập Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, với cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại phục vụ công tác nghiên cứu chọn tạo giống và thu thập, duy trì, bảo tồn nguồn gen. (Theo Hà nội mới 2/3). Phục dựng thành công bộ xương tê giác Ngày 1-3, ông Trần Văn Thành, giám đốc vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai), cho biết cán bộ của vườn cùng các nhà khoa học của Viện Sinh học Tây nguyên đã phục dựng thành công bộ xương tê giác Java một sừng. Đây là bộ xương được thu thập từ xác con tê giác Java một sừng cuối cùng ở VN đã bị bắn chết trước đó tại vườn quốc gia Cát Tiên. Tất cả xương còn thiếu của con tê giác như đốt sống cổ, đốt sống hông,…đã được các chuyên gia phục chế bằng chất liệu composite và thạch cao. Theo ông Thành, việc phục dựng bộ xương tê giác hoàn chỉnh và trưng bày tại vườn cho khách tham quan nhằm nhắc nhở mọi người nâng cao ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên động vật rừng ở Việt Nam. (Theo Tuổi Trẻ 2/3). Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân tiếp nhận tàu chiến hiện đại do Việt Nam sản xuất Sáng 1-3, Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân (đóng tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) đã tiếp nhận tàu pháo HQ272 để đưa vào sử dụng. Tàu pháo HQ272 được Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân tiếp nhận sáng 1-3. Ảnh: Như Phú Tàu pháo HQ272 là loại tàu chiến hiện đại do Việt Nam sản xuất theo phương pháp tiên tiến nhất trên thế giới. Tàu được trang bị vũ khí hiện đại, dùng để tuần tra kiểm soát lãnh hải, hợp tác quốc tế trên biển...(Theo Sài gòn giải phóng 2/3). Nghiên cứu thành công quy trình nhân giống dâu tây sạch bệnh PGS.TS. Dương Tấn Nhựt ở Viện sinh học Tây Nguyên vừa nghiên cứu hoàn thiện quy trình nhân giống dâu tây sạch bệnh, cung cấp cho các vùng trồng dâu ở tỉnh Lâm Đồng. So với giống dâu tây cũ, 3 giống cây dâu tây mới (có tên là Mỹ Đá, Mỹ Hương, Mỹ Đá Thơm) có khả năng kháng bệnh cao, cây giống chuyển ra trồng ngoài vườn có tỷ lệ sống trên 88%, năng suất tăng từ 48 - 57 tấn/ha/năm. Thành công của dự án nghiên cứu này giúp giải quyết được vấn đề nguồn giống dâu tây sạch bệnh, có chất lượng cao cho bà con nông dân tỉnh Lâm Đồng. (Theo Khoa học phổ thông 2/3).
Ngọc Anh (Tổng hợp)
|