|
|||
Mở ra hướng tìm kiếm, thăm dò dầu khí Thân dầu trong đá móng granitoit Trước Đệ Tam mỏ Bạch Hổ được đưa vào khai thác năm 1988, đến nay tổng sản tích dồn đã đạt 160 triệu tấn dầu và hàng chục tỷ mét khối khí đồng hành, đưa nước ta trở thành nước xuất khẩu dầu lớn thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Cho đến nay từ tầng chứa móng granitoit đã khai thác được gần 200 triệu tấn dầu thô, chiếm khoảng 80% tổng sản lượng dầu của Việt Nam, thu gom và vận chuyển vào bờ trên 20 tỷ mét khối khí đồng hành với gần 5 triệu tấn khí hóa lỏng (LPG) và condensat. Đó là yếu tố quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững của Ngành Dầu Khí nói riêng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, lương thực và sự phát triển ổn định chung của nền kinh tế Việt Nam. Việc phát hiện và khai thác một cách hiệu quả các thân dầu trong đá móng nứt nẻ trước Đệ Tam Thềm lục địa Việt Nam nhờ áp dụng những giải pháp khoa học – công nghệ do các tác giả đề xuất trong Cụm công trình “Tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong đá móng Trước Đệ Tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam” có hiệu quả kinh tế xã hội vô cùng to lớn. Sự kiện Vietsopetro đã phát hiện ra mỏ dầu đặc biệt, không tiền lệ trên thế giới – là thân dầu trong móng granitoit nứt nẻ mỏ Bạch Hổ không những đã mở ra một hướng tìm kiếm thăm dò dầu khí mới, làm thay đổi quan điểm truyền thống về tìm kiếm thăm dò dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam nói riêng và trong khu vực nói chung mà còn là động lực thúc đẩy các công ty dầu khí thế giời ồ ạt đầu tư trở lại và thúc đẩy công tác thăm dò, khai thác dầu khí ở Việt Nam. Tính đến nay, đã có 77 hợp đồng dầu khí đã được ký kết, trong đó 55 Hợp đồng đang còn hiệu lực. Tổng đầu tư cho các hoạt động tìm kiếm – thăm dò dầu khí đến nay đã lên tới trên 13 tỷ USD.
Đây cũng là lần đầu tiên các tác giả nước ngoài được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN (ảnh: HH) Đồng thời với việc liên tục phát hiện ra các thân dầu khí mới trong đá móng granitoit nứt nẻ, trữ lượng dầu khí tại chỗ của các thân dầu trong đá móng không ngừng gia tăng và chiếm một tỷ trọng đáng kể trong cân đối trữ lượng dầu khí của cả nước. Nếu như vào năm 1988 trữ lượng dầu tại chỗ, cấp 2P, chỉ đạt 1 tỷ thùng thì vào năm 2008 đã đạt tới 7,6 tỷ thùng. Một số mỏ có trữ lượng lớn như mỏ Bạch Hổ (trữ lượng 513 triệu tấn), cum các mỏ Sư Tử (250 triệu tấn dầu và 20 tỷ m3 khí), cum mỏ Rồng (130 triệu tấn dầu). Còn các mỏ còn lại có trữ lượng từ vài triệu tấn đến vài chục triệu tấn như mỏ Rạng Đông, mỏ Cá Ngừ Vàng, mỏ Phương Đông, mỏ Thăng Long, mỏ Hải Sư Đen. Với sản lượng khai thác dầu không ngừng được gia tăng đã đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu đứng thứ 3 Đông Nam Á, đóng góp một phần vô cùng quan trọng cho việc ổn định và phát triển nền kinh tế quốc dân của Việt Nam. Nhiều phát hiện dầu khí trong đá móng granitoit như Bạch Hổ, Rạng Đông, Hồng Ngọc, Phương Đông, Đông Nam Rồng, Sư Tử Đen, Cá Ngừ Vàng, Sư Tử Vàng, Nam Rồng – Đồi Mồi đã được đưa vào khai thác. Nhờ vậy mà sản lượng khai thác hàng năm của ngành dầu khí không ngừng gia tăng. Đến đầu năm 2010, tổng sản lượng dầu khai thác từ các thân dầu trong móng ở bể Cửu Long đã đạt được 195,5 triệu tấn, trong tổng số 253,3 triệu tấn, chiếm tới gần 80% tổng sản lượng dầu khai thác được của Việt Nam. Doanh thu từ kim ngạch xuất khẩu dầu thô cũng liên tục được gia tăng với tổng doanh thu kể từ 1987 đến hết năm 2008 đạt tới 64,782 tỷ USD, trung bình hàng năm chiếm khoảng 12,7% GDP của Việt Nam, chiếm từ 25 đến 30% tổng nộp ngân sách quốc gia và khoảng 15-20% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, góp phần đảm bảo ổn định, phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt là việc khai thác thân dầu trong móng mỏ Bạch Hổ mang lại hiệu quả to lớn. Cho đến thời điểm đầu năm 2010 chỉ từ thân dầu trong móng mỏ Bạch Hổ đã khai thác được 159,32 triệu tấn dầu thô; Tổng doanh thu từ xuất khẩu dầu thô đạt 40 tỷ USD với tổng chi phí 7 tỷ USD, tỷ lệ chi phí trên doanh thu là 17,5%; Lợi nhuận sau thuế là 15 tỷ USD với tỷ lệ lợi nhuận trên chi phí đạt 2,14 lần. Nộp ngân sách nhà nước Việt Nam hơn 25 tỷ USD, trong đó có 7,4 tỷ USD lợi nhuận. Các giải pháp kỹ thuật – công nghệ như xử lý vùng cận đáy giếng, khai thác cơ học, vỡ vỉa thủy lực… đã khai thác bổ sung được 1,835 triệu tấn dầu cũng mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể. Hiệu quả kinh tế mang lại nhờ áp dụng chương trình BASROC để xử lý tài liệu địa vật lý giếng khoan cho các công ty dầu khí hoạt động ở Việt Nam chỉ trong thời gian 2002-2004 là 4,680 triệu USD. Góp phần đáng kể trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp khác, ổn định xã hội của đất nước trong một thời gian dài, đặc biệt là trong thời gian đất nước bị cấm vận và bắt đầu chính sách đổi mới, mở cửa. Ngoài việc xuất khẩu dầu thô mang về nguồn ngoại tệ quý giá cho đất nước, thì thu gom và vận chuyển vào bờ hơn 20 tỷ m3 khí đồng hành từ việc khai thác các thân dầu trong móng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực cũng như phát triển các lĩnh vực công nghiệp khác. Trên quy mô công nghiệp, từ năm 1995, khi được vận chuyển vào bờ, khí đồng hành đã được sử dụng để sản xuất đạm Ure với công suất 750 ngàn tấn/năm phục vụ cho nông nghiệp, sản xuất khí hóa lòng LPG với công suất gần 100 ngàn tấn năm, condensat cũng như các nguyên, nhiên liệu để sản xuất các sản phẩm dân dụng khác… Trong lĩnh vực sản xuất điện, từ giữa năm 1995 khi các nhà máy điện chạy bằng khí đồng hành từ bể Cửu Long bắt đầu được hoạt động đã nâng sản lượng điện của PVN từ 15-17% vào các năm 1998-2001 lên khoảng 42-45% sản lượng điện toàn quốc vào các năm 2004-2009. Đặc biệt, từ năm 1991 với sản lượng xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn dầu thô mỗi năm, lần đầu tiên nước ta đã tự cân đối cung cầu xuất nhập khẩu xăng dầu. Trong thời gian tới sẽ còn phát hiện thêm nhiều mỏ mới trong móng và nhiều mỏ đã phát hiện khác đang được chuẩn bị để đưa vào khai thác như Sư Tử Đen Đông Bắc, Sư Tử Trắng, Hải Sư Đen, Đông Bắc Bạch Hổ… thì trữ lượng và sản lượng khai thác từ các thân dầu trong móng tiếp tục được gia tăng, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thành công sự nghiệp “Công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước Việt Nam”. Phương Nga – Hoàng Anh |