Bản in
"Địa lý tự nhiên Việt Nam”: Nâng cao vị thế ngành địa lý
Là người đặt nền móng cho việc triển khai nghiên cứu cảnh quan học và địa lý tự nhiên tổng hợp ở Việt Nam, cụm công trình “Địa lý tự nhiên Việt Nam” của GS.TS Vũ Tự Lập vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về KH&CN năm 2010.

Đây là lần đầu tiên các giải thưởng này được trao cho các công trình Địa lý. Đó không chỉ là vinh dự giành riêng cho cá nhân tác giả mà còn là niềm tự hào của ngành Địa lý nước nhà.

Nghiên cứu “hệ thống không gian địa lý hoàn chỉnh”

Cụm công trình của GS.TS Vũ Tự Lập được nhận giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2010, bao gồm các công trình: Cảnh quan địa lý miền Bắc Việt Nam, NXB KHKT, Năm 1976; Địa lý tự nhiên Việt Nam, NXB Giáo dục, Năm 1999; Sự phát triển của khoa học địa lý trong thế kỷ XX, NXB Giáo dục, Năm 2004.

Theo đánh giá của Hội đồng Giải thưởng Nhà nước, đây là cụm công trình tổng kết về các kết quả nghiên cứu địa lý tổng hợp, nghiên cứu toàn diện một không gian lãnh thổ (tự nhiên, kinh tế-xã hội, hành chính) trong mối quan hệ tương hỗ giữa các hợp phần và các không gian khác có liên quan và lãnh thổ vì mục tiêu phát triển bền vững.

Nếu như cuốn “Cảnh quan địa lý miền Bắc Việt Nam” mở đầu cho sự nghiên cứu các tổng hợp thể lãnh thổ Việt Nam từ lớn đến nhỏ theo một hệ thống phân vị do tác giả đưa ra từ năm 1974, lấy đơn vị cảnh quan làm đơn vị cơ sở, thì cuốn “Địa lý tự nhiên Việt Nam” là sự kết thúc cho việc nghiên cứu riêng rẽ giữa các “tổng hợp thể lãnh thổ địa lý tự nhiên” và các tổng hợp thể lãnh thổ địa lý kinh tế- xã hội.

Cuốn “Sự phát triển của khoa học Địa lý trong thế kỷ XX” là sự tham gia của tác giả vào việc đấu tranh cho sự thắng lợi của xu thế trên thế giới muốn thống nhất lại khoa học địa lý, muốn địa lý là một khoa học nghiên cứu thiên về phía khoa học xã hội, lấy đối tượng nghiên cứu và phục vụ của mình là hệ thống không gian địa lý hoàn chỉnh, có sự thống nhất giữa các hợp phần tự nhiên, kinh tế, xã hội và nhân văn.

GS. TS Vũ Tự Lập (bên phải) tại buổi lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN năm 2010 (Ảnh: st)

GS.TS Nguyễn Viết Thịnh, nguyên trưởng khoa Địa lý ĐHSP Hà Nội, hiện là Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội đánh giá: Lần đầu tiên có một công trình địa lý tự nhiên tổng hợp nghiên cứu các quy luật phân hóa lãnh thổ tự nhiên và các cảnh quan miền Bắc Việt Nam (công trình 1), làm cơ sở khoa học cho việc quy hoạch lãnh thổ phát triển bền vững và là kiến thức nền cho các nghiên cứu điều tra cơ bản. Các công trình có ý nghĩa quan trọng trong phát triển một hướng nghiên cứu khoa học trình độ cao ở Việt Nam, đó là cảnh quan học và phân vùng địa lý tự nhiên, trên cơ sở các công cụ nghiên cứu mạnh và quan điểm tổng hợp.

Cụm công trình đã đặt nền móng cho việc triển khai nghiên cứu cảnh quan học và địa lý tự nhiên tổng hợp ở Việt Nam với những nhận thức đúng đắn hơn về bản chất điều kiện tự nhiên, tài nguyên và môi trường; đã xác lập cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, phục vụ nghiên cứu chiến lược, tổ chức lãnh thổ, phát triển các ngành và các vùng kinh tế của đất nước. Cụm công trình có tác dụng và giá trị thực tiễn lớn, nhất là trong đào tạo ở bậc đại học, sau đại học.

Thúc đẩy sự phát triển của khoa học địa trong nước

Xuất phát từ quan điểm, ngành địa lý tổng hợp là một chuyên ngành địa lý đặc biệt, nếu không muốn nói là “ngành cốt lõi” của địa lý vì nó phải tổng kết các kết quả của tất cả các chuyên ngành khác của địa lý, cả địa lý tự nhiên lẫn địa lý kinh tế-xã hội, từ đó tìm ra tiếng nói chung về địa lý của một lãnh thổ, trong cuốn “Cảnh quan địa lý miền Bắc Việt Nam” tác giả tập trung phát triển phần lý luận cơ bản, về hệ thống không gian lớn nhỏ, về các chỉ tiêu cụ thể cho từng cấp vùng lãnh thổ, trong đó ngành địa lý thế giới đều coi cảnh quan là đơn vị chủ chốt, vì nó tương đối đồng nhất, đủ lớn để xây dựng một vùng kinh tế- xã hội, và vừa nhỏ để có thể nghiên cứu kỹ trực tiếp trên thực địa, từ cảnh quan có thể ghép thành các đơn vị lớn hơn (khu, miền) và chia nhỏ thành các đơn vị cấp thấp (dạng, diện địa lý).

Cụm công trình đã nhấn mạnh để mọi người nhận thức vai trò đặc biệt quan trọng của khoa học địa lý, nhất là địa lý tổng hợp trong việc khảo sát, quy hoạch sử dụng không gian (lãnh thổ, lãnh hải, các cấp miền vùng lớn nhỏ) và quản lý đất đai nhằm đạt mục đích phát triển bền vững, bảo vệ và cải tạo được tự nhiên, đồng thời phát triển hợp lý và nhanh chóng nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững.

TS. Đinh Thị Hoàng Uyên, thành viên Hội đồng cho rằng, cụm công trình có tác động rất đáng kể, góp phần vào sự phát triển của đất nước, tạo ra cơ sở khoa học về địa lý tổng hợp trong các nghiên cứu điều tra cơ bản, một hoạt động không thể thiếu trong quy hoạch tổng thể lãnh thổ, tạo ra một cách chỉ dẫn khoa học cho các nhà khoa học và hoạch định chính sách trong phát triển bền vững.

Công trình đã góp phần nâng cao vị thế của ngành địa lý, thúc đẩy sự phát triển của khoa học địa trong nước và góp phần vào sự thống nhất khoa học địa lý trên thế giới, nghiên cứu “hệ thống không gian địa lý hoàn chỉnh” có sự thống  nhất giữa các hợp phần tự nhiên, kinh tế xã hội và nhân văn, một “không gian của con người, do con người và vì con người”, ứng dụng tốt vào việc phát triển kinh tế bền vững, xã hội ổn định và không hủy hoại, làm ô nhiễm môi trường.

Diệu Huyền