Bản in
Điểm tin khoa học và công nghệ trong tuần từ 18-24/2
Lọc nước sông thành nước sạch; Chuyển hóa dầu ăn thải thành nhiên liệu sinh học; Phát hiện loài dơi mới ở Việt Nam; Robot giao tiếp máy tính dùng trong giảng dạy; Việt Nam nghiên cứu thành công vắcxin hai loại cúm A;… là một số thông tin khoa học và công nghệ đáng chú ý đăng trên các báo trong tuần từ 18-24/2.

Lọc nước sông thành nước sạch

Mùa lũ vừa qua, nước sạch đã không còn là nỗi lo của người dân tại ngã ba Lộ Tẻ (An Giang) nhờ một hệ thống lọc nước nhỏ gọn, do Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường phối hợp với Quân khu 4 thực hiện.

Anh Phạm Công Minh, thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết: Hệ thống có thể lọc nguồn nước sông, hồ, nước lũ, cả nước nhiễm phèn…, với quy mô 3m3/giờ (đối với nước sinh hoạt) và 300 lít/giờ đối với nước tinh khiết (dùng để uống). Ca nô chở hệ thống lọc đi lại được trên vùng sông nước, cả trong vùng kênh nội đồng, nơi mức nước tối thiểu 0,8m, dễ dàng tiếp cận được với những vùng xa xôi để cung cấp nước sạch cho bộ đội và người dân. (Theo Sài gòn giải phóng 20/2).

Chuyển hóa dầu ăn thải thành nhiên liệu sinh học

Các nhà khoa học thuộc Viện Hóa học- Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu thành công phương pháp chuyển hóa dầu ăn thải thành nhiên liệu sinh học bằng phản ứng cracking xúc tác.

Dầu ăn thải trước khi sử dụng làm nguyên liệu cho quá trình chuyển hóa thành nhiên liệu sinh học được xử lý loại bỏ các tạp chất, cặn bẩn và thu hồi khoảng 56% bằng phương pháp hấp thụ. Sau khi thực hiện phản ứng cracking xúc tác đối với lượng dầu ăn này sẽ cho ra một số sản phẩm bao gồm khí khô, xăng, diesel và một số sản phẩm năng lượng khác. (Theo Vietnamplus 21/2).

Robot giao tiếp máy tính dùng trong giảng dạy

Nhóm nghiên cứu do Thạc sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Trường Cao đẳng Công thương TP Hồ Chí Minh làm chủ nhiệm đề tài vừa thiết kế, chế tạo thành công hệ điều khiển cánh tay robot giao tiếp máy tính dùng trong giảng dạy. Loại robot này được dùng trong giảng dạy các môn học của ngành điện tử, tự động, cơ điện tử ở các trường đại học, cao đẳng, trường nghề.

Mô hình robot giao tiếp máy tính (Ảnh: Bích Nhàn)

Ngoài ra, chúng còn được thiết kế cho một số ứng dụng trong công nghiệp như: thay thế nhân công tại các vị trí bất lợi cho con người như môi trường có nhiệt độ cao, nhiễm bẩn, nhiễm xạ, hoặc thăm dò trong lòng ống nước... Hiện, hệ thống robot này đã thực nghiệm tại Trường CĐ Công thương TP Hồ Chí Minh trong việc giảng dạy về tự động hóa - robot, và đang được đưa đi giới thiệu với các trường, cơ sở đào tạo tự động. (Theo Đại biểu nhân dân 23/2).

Việt Nam giành 3 huy chương vàng sáng chế quốc tế

Tin từ Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, tại Triển lãm quốc tế sáng chế dành cho thanh - thiếu niên 2012 (IYIE 2012) vừa diễn ra tại Đài Loan, đoàn Việt Nam đã mang về thành tích xuất sắc với 3 huy chương vàng, 5 huy chương bạc, 3 huy chương đồng. Ngoài ra, 2 sáng chế của đoàn Việt Nam được nhận 2 giải đặc biệt do Hiệp hội Sáng chế Hàn Quốc trao tặng.

Đây là lần đầu tiên trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia HN phối hợp cùng với Quỹ Vifotec (Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự một triển lãm quốc tế về sáng chế dành cho lứa tuổi thanh - thiếu niên. (Theo Lao Động 21/2).

Phát hiện loài dơi mới ở Việt Nam

Các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế vừa phát hiện thêm một loài dơi mới tại Vườn quốc gia Cát Bà và vườn quốc gia Chư Mom Ray của Việt Nam - TS Vũ Đình Thống, chuyên gia nghiên cứu về loài dơi thuộc Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện KH-CN Việt Nam) cho biết ngày 22/2.

Loài dơi mới này có tên là dơi nếp mũi Grip-phin (tên khoa học là Hipposideros griffini) rất hiếm trên thế giới và mới chỉ ghi nhận được tại Việt Nam. Số lượng cá thể dơi nếp mũi Grip-phin không nhiều. (Theo Đất Việt 23/2).

Nhân nuôi thành công 3 loài bướm quý hiếm tại VQG Cát Bà

Nhóm nghiên cứu thuộc Vườn Quốc gia Cát Bà, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Trường Đại học Lâm nghiệp và Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật vừa phối hợp nghiên cứu, nhân nuôi thành công ba loài bướm quý hiếm thuộc Họ Bướm phượng (Papilionidae) tại Vườn Quốc gia Cát Bà.

Không chỉ miêu tả chi tiết đặc điểm sinh học, sinh thái học cơ bản của ba loài bướm Troides aeacus, Troides helena và Papilio noblei, nhóm nghiên cứu còn xác định được những yếu tố chính ảnh hưởng tới kết quả gây nuôi như thời tiết, thức ăn.

Kết quả nghiên cứu không chỉ góp phần bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn Quốc gia Cát Bà mà còn tạo điều kiện áp dụng nhân nuôi nhiều loài bướm khác tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn trên cả nước. (Theo khoahoc.com.vn 24/2).

Việt Nam nghiên cứu thành công vắcxin hai loại cúm A

Các nhà khoa học trong Công ty Vắcxin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) khẳng định 6 loạt vắcxin cúm A/H5N1 và 3 loại vắcxin cúm A/H1N1 đã được sản xuất thử nghiệm ở quy mô phòng thí nghiệm và kiểm tra chất lượng về các tiêu chuẩn yêu cầu cho phát triển một vắcxin cúm của Tổ chức Y tế Thế giới.

Kiểm nghiệm vắc-xin trong phòng thí nghiệm ở Trung tâm nghiên cứu, sản xuất vắc- xin và sinh phẩm y tế. Ảnh: TTXVN.

Theo đó, vắcxin cúm A/H5N1 đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I, II và đang được tiến hành giai đoạn III. Kết quả giai đoạn I và II cho thấy vắcxin cúm A/H5N1 do VABIOTECH sản xuất, an toàn trên người tình nguyện.

Vắcxin cúm A/H5N1 sản xuất theo công nghệ đã nghiên cứu cho kết quả đáp ứng miễn dịch tốt ở 100% các đối tượng được tiêm từ liều 7,5mcg trở lên, đáp ứng tiêu chuẩn của châu Âu. (Theo Vietnamplus 24/2).

Hội thảo khoa học “Thân thế và sự nghiệp cụ Huỳnh Thúc Kháng”

Hướng tới kỷ niệm 65 năm ngày mất cụ Huỳnh Thúc Kháng (21/4/1947 - 21/4/2012), UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Thân thế và sự nghiệp cụ Huỳnh Thúc Kháng” vào ngày 20.4.2012 tại hội trường UBND huyện Tiên Phước.

Hội thảo nhằm khẳng định và góp phần làm sáng tỏ công lao to lớn của cụ Huỳnh Thúc Kháng - một người con đất Quảng với khí phách cách mạng, truyền thống yêu nước, tinh thần hiếu học, là nhân vật lịch sử quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ đất nước. (Theo Công an nhân dân 24/2).

 

Ngọc Anh (Tổng hợp)