Hết lòng với nghiên cứu hóa học
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Kiến Xương – Thái Bình, ngay từ nhỏ cô bé Vũ Thị Thu Hà đã có ước mơ lớn lên sẽ trở thành nhà khoa học làm việc trong phòng thí nghiệm. Ước mơ đó đã trở thành động lực giúp cô quyết định thi đỗ và nhận tấm bằng tốt nghiệp trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm 1992 và công tác tại Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam. Và nơi đây trở thành cái nôi để cô thực hiện những ước mơ về nghiên cứu khoa học.
Năm 1999 cô Vũ Thị Thu Hà đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sỹ Hóa học tại Cộng Hòa Pháp và trở về đơn vị cũ là Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam tiếp tục cống hiến cho ngành hóa học công nghiệp nước nhà. Năm 2010 TS. Vũ Thị Thu Hà đã được phong hàm PGS cho những đóng góp của mình cho ngành hóa học.
Trong suốt 20 năm công tác tại Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam, vừa nghiên cứu khoa học vừa đào tạo sau đại học trong lĩnh vực Công nghệ xúc tác, lọc, hóa dầu, PGS. TS Hà đã chủ trì 19 và tham gia 12 đề tài Nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp Tập đoàn. PGS. TS Hà cũng đã nghiên cứu thành công nhiều qui trình công nghệ như qui trình sản xuất nhiên liệu sinh học, dung môi sinh học, sorbitol, vật liệu xúc tác dị thể cấu trúc nano, tạo ra các sản phẩm thân thiện môi trường, phục vụ phát triển bền vững.
Trong số những quy trình trên, 2 quy trình công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học và sản xuất sorbitol đã có những đóng góp nổi bật về kinh tế. cả hai quy trình đã được đăng ký bảo hộ độc quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.Quy trình công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học biodiesel còn được Bộ Khoa học Công nghệ chọn trưng bày và giới thiệu như thành tựu khoa học công nghệ Việt Nam tại Triển lãm thành tựu Kinh tế - Xã hội Việt Nam và Thăng Long – Hà Nội 2010, từ 1-6/10/2010, nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu đã đạt được, hiện tại, Dự án Nhà máy sản xuất biodiesel công suất 30.000 tấn/năm và Dự án Xây dựng nhà máy sản xuất sorbitol từ tinh bột sắn công suất 20 000 tấn/năm đang được triển khai ở giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi.
Bên cạnh đó, qui trình công nghệ sản xuất dung môi sinh học thay thế dần các dung môi dầu mỏ độc hại, ô nhiễm môi trường, mang tính mới, sáng tạo cao và rất độc đáo.
Các kết quả nghiên cứu thuộc đề tài này đã được đăng ký độc quyền sáng chế tại Pháp năm 2010 và sáng chế này cũng vừa được đăng ký độc quyền tại Tổ chức Sở hữu trí truệ thế giới với công bố WO 107712. Đây là một thành công đáng ghi nhận của nhóm nghiên cứu của PGS. TS Hà. Điều này không những cho thấy tính mới, sáng tạp mà còn cho thấy khả năng áp dụng thực tiễn của đề tài rất khả quan. Kết quả này cũng là minh chứng về khả năng hợp tác quốc tế hiệu quả trong nghiên cứu khoa học và triển khai mà trong đó nguồn nội lực của Việt Nam là chủ yếu.
Không chỉ có những nghiên cứu có kết quả ứng dụng trực tiếp vào thực tế cao mà PGS. TS. Hà còn có nhiều bài báo khoa học được đăng ở nhiều tạp chí chuyên ngành quốc tế có uy tín. Chị cũng đã công bố 72 bài báo khoa học trong đó có 12 bài được đăng ở tạp chí chuyên ngành quốc tế, 60 bài đăng trong các tạp chí chuyên ngành trong nước. Ngoài ra chị còn tham gia Xây dựng chương trình khung giáo dục đại học ngành Công nghệ Chế biến dầu mỏ tại ĐHBK Hà nội.
Đây là nguồn tài liệu tham khảo có giá trị cho các nghiên cứu sinh, học viên cao học cũng như cán bộ khoa học trong nước.
PGS. TS. Vũ Thị Thu Hà đang làm việc trong phòng nghiên cứu (ảnh: Nguyễn Á)
"May mắn có một hậu phương vững chắc"
PGS. TS. Hà tâm sự, một trong những đặc thù của công tác nghiên cứu khoa học là tính sáng tạo, độ rủi ro, thất bại của lao động nghiên cứu khoa học là không thể tránh khỏi. Với người phụ nữ, bên cạnh việc hoàn tất nhiệm vụ ở cơ quan, phụ nữ còn phải gánh vác công việc gia đình là một người vợ, người mẹ, người chị.., nên họ càng gặp nhiều khó khăn hơn khi làm công tác nghiên cứu khoa học. vì vậy, có thể nói nghiên cứu khoa học là một công việc đầy gian khó đối với cả nam lẫn nữ.
Đặc biệt với cán bộ nữ trẻ, khó khăn càng nhiều hơn khi có con nhỏ và công việc gia đình cũng nặng hơn so với nữ cán bộ cao tuổi. Áp lực công việc và những lo toan trong cuộc sống gia đình làm cho nhiều phụ nữ mất dần đi nhiệt huyết cho chông việc. Gia đình nếu không là hậu phương vững chắc thì nhiều nhà khoa học nói riêng và phụ nữ nói chung không thể có được thành công trong sự nghiệp của mình.
Chị chia sẻ, có lẽ chị may mắn hơn một số chị em khác là có được một hậu phương rất vững chắc. Ngay từ khi còn bé, cho đến tận bây giờ, chị luôn nhận được sự động viên, khuyến khích, sự chia sẻ của gia đình đó là bố mẹ đẻ, bố mẹ chồng, chồng và các con. Niềm đam mê nghiên cứu khoa học, sự khát khao sáng tạo của chị, nhờ thế mà luôn được vun đắp.
Khi được hỏi gia đình của chị có vai trò như thế nào trong thành công của chị hôm nay, chị cười rất tươi bảo, “xin được trả lời câu hỏi này bằng câu nói đùa của chồng tôi với các con: “ở nhà mình, mẹ luôn là số 1, bố chỉ là một dãy số 0, nhưng là những con số 0 đặt đằng sau số 1. Các con có biết nhờ thế mà số 1 đó được nhân lên gấp hàng trăm, nghìn lần không”.
Mặc dù không làm nghiên cứu khoa học nhưng anh luôn lắng nghe sự chia sẻ của chị, cảm thông với công việc của chị, động viên chị mọi lúc, mọi nơi, trong từng nhiệm vụ. Hơn nữa, anh còn dành thời gian để chia sẻ công việc gia đình với chị. Nhiều khi chị bận việc, về quá muộn, anh chẳng phàn nàn gì, lại còn chủ động nấu bữa tối và bấm giờ để sao cho khi mấy mẹ con về thì mâm cơm đã sẵn sàng và mọi món ăn đều nóng hổi. Có khi cả tháng trời, vì công việc, chị luôn luôn về muộn, anh chỉ dí dỏm đùa một câu: “Ngày xưa có hòn vọng phu, bây giờ ở nhà mình đang có một hòn vọng thê đấy”.
Hai con chị cũng rất biết chia sẻ công việc với mẹ bằng cách chấp nhận chờ mẹ ở trường đến rất muộn mà chưa bao giờ kêu ca, phàn nàn. Ngoài giờ học bài và làm bài hai con chị cũng chăm chỉ giúp mẹ những việc trong nhà để mẹ có nhiều thời gian hơn dành cho nghiên cứu.
Có được thành công như ngày hôm nay ngoài những đồng nghiệp, bạn bè tôi rất biết ơn những thành viên trong gia đình yêu quý của tôi. Chính cái hậu phương vững chắc đó đã là động lực lớn giúp tôi vượt qua mọi khó khăn thử thách để có được những thành công, chị chia sẻ.
PGS. TS. Vũ Thị Thu Hà, hiện nay đang là Phó Viện trưởng Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam, Giám đốc Phòng Thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc hóa dầu - Bộ Công Thương.
Chị đã từng vinh dự nhận 2 giải thưởng sáng tạo KH&CN VIFOTEC năm 2009 và 2010; 2 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2010 và năm 2011; 5 bằng khen của Bộ Công Nghiệp (nay là Bộ Công Thương); 1 cúp vàng Techmart Việt Nam ASEAN + 3; 1 bằng khen của Bộ KH&CN và nhiều bằng khen khác.
Năm 2011, PGS. TS Vũ Thị Thu Hà vinh dự nhận giải thưởng Kovalevskaia dành cho những nhà khoa học nữ có thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc.
|
Phương Hoàn
|