Bản in
Điểm tin khoa học và công nghệ trong tuần từ 7-13/1
Một số thông tin KH-CN đáng chú ý đăng trên các báo trong tuần từ 7-13/1.

Lễ ra mắt Viện Nghiên cứu Ấn Ðộ và Tây - Nam Á

Sáng 7-1, tại Hà Nội, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Lễ ra mắt Viện Nghiên cứu Ấn Ðộ và Tây - Nam Á.

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Ðại sứ R.Ra-ê hoan nghênh việc thành lập Viện Nghiên cứu Ấn Ðộ và Tây - Nam Á giúp tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa Ấn Ðộ và Việt Nam. Chính phủ Ấn Ðộ cam kết tài trợ 20 nghìn USD cho Viện Nghiên cứu Ấn Ðộ và Tây - Nam Á nhằm phục vụ công tác nghiên cứu.

Cùng ngày, Viện Nghiên cứu Ấn Ðộ và Tây - Nam Á đã tổ chức Hội thảo quốc tế. Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Ấn Ðộ trong bối cảnh mới, thu hút sự tham gia của các diễn giả hai nước với 25 bài tham luận chuyên sâu. (Theo Nhân dân 7/1)

Điều khiển xe bằng sóng wifi

Xe do sinh viên Nguyễn Thanh Tuyên và Lê Thiện Tịnh, khoa Cơ khí động lực, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM chế tạo.

Xe điều khiển từ xa do hai sinh viên Tuyên và Tịnh chế tạo. (Ảnh: Thái Ngọc)

Trên xe, ngoài bộ phận truyền động để xe chạy còn có bộ phận nhận, phát sóng wifi và máy quay phim quan sát đường. Vô lăng điều khiển xe được đặt cố định tại một nơi, nhưng người điều khiển xe vẫn cảm giác được độ ma sát, bám đường… hay rung lắc của xe khi di chuyển trên mặt đường. Nếu xe chạy trên một đường cố định thì chỉ cần lập trình mà không cần điều khiển. (Theo Đất việt 9/1)

Robot Việt Nam tham gia triển lãm tại Mỹ

Triển lãm điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới (CES 2012) sẽ diễn ra tại Trung tâm hội nghị Las Vegas, Nevada, Mỹ từ 10 đến 13-1-2012 (giờ Mỹ). Công ty Cổ phần Robot TOSY là đại diện duy nhất đến từ Việt Nam tham dự triển lãm được tổ chức lần thứ 40 này.

Theo kế hoạch, TOSY sẽ chính thức công bố mẫu robot giải trí mới nhất mang tên mROBO. mROBO có hình dáng ban đầu như một chiếc loa ngộ nghĩnh có khả năng biết đi lại. Khi tiếng nhạc cất lên, mROBO bắt đầu biến hình và “nhảy”.  Chỉ trong chốc lát, chiếc loa di động sẽ hóa thành một anh chàng trai sành điệu, trẻ trung, với đầy đủ chân, tay, đầu, biết nhảy điêu luyện. (Theo Tiền Phong 9/1)

Sáng chế dao chẻ, máy lột nan nứa đan phên

Nhờ sáng chế dao chẻ nan nứa và máy lột nan nứa đan phên phơi bánh đa, anh Bùi Văn Dự ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ phát triển nghề đan phên dàng và giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương.

Bộ dao được thiết kế gồm các cỡ dao để phù hợp chẻ các loại nứa to nhỏ khác nhau. Khi sử dụng, dao chẻ nan chẻ một lần được 10 cái nan từ một khúc nứa, nan nào cũng bằng nhau. Giá thành để làm một bộ dao chẻ nan chỉ khoảng 800.000 đồng.

Chiếc máy lột nan nứa do anh Dự sáng chế có khung máy làm bằng sắt V4; 2 khung sàn diện tích khoảng 40cm x 40cm. Khung sàn dưới cách mặt đất 10cm để gắn môtơ điện; khung sàn trên là mặt khung để gắn máy lột nan nứa. Điểm sáng tạo của anh Dự khi chế tạo chiếc máy này là đã thay 3 ốc giữ thân máy cố định bằng các ốc có lò xo, nhờ vậy máy đã tự động mở cho mấu nứa đi qua, khi mấu qua rồi thì tự động ép trở lại, tạo thành quy trình tự động mở, ép trong quá trình lột nan nứa. Chi phí để chế tạo chiếc máy lột nan nứa chỉ khoảng 2 triệu đồng. (Theo Vietnamplus 10/1)

Xe quét, hốt rác tự động

Chiếc xe quét và hốt rác tự động do hai sinh viên Nguyễn Bá Vinh và Nguyễn Văn Đàm, Trường ĐH Lạc Hồng Đồng Nai nghiên cứu và chế tạo. Xe hoạt động dựa vào lực đẩy của người sử dụng.

 

Đại diện lãnh đạo Viện Khoa học xã hội Việt Nam đọc quyết định thành lập Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á (Ảnh: Hải Lê)

Chiếc xe hoạt động theo nguyên lý: khi người sử dụng đẩy xe đi, bánh xe bên phải được nối với chổi quét thông qua hệ thống xích và hộp tăng tốc. Nhờ qua hộp tăng tốc nên tốc độ chổi quét tăng lên 10 lần so với tốc độ di chuyển của người sử dụng làm cho chổi quét quay nhanh, mạnh. Chổi quét quay ngoài việc làm sạch rác còn có tác dụng đưa rác vào gầu để chuyền lên băng tải. Cùng lúc đó, bánh xe bên trái ngoài sẽ làm chuyển động băng tải qua hệ thống xích để chuyển rác từ gàu vào thùng rác. (Theo Đất Việt 11/1)

Máy thu hoạch đậu phộng

Nhóm các nhà khoa học ở Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch tại TPHCM vừa chế tạo thành công máy thu hoạch đậu phộng năng suất 0,5 tấn/giờ.

Kỹ sư Trần Đức Công cho biết máy hoạt động theo nguyên lý đập tuốt, dọc trục. Các thông số kỹ thuật: máy sẽ liên kết với máy kéo 22-30 Hp, tỉ lệ hạt bị vỡ dưới 3,5%, tỉ lệ bứt sót trong khoảng 2,5%..., đã đưa máy vận hành thử nghiệm tại huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh; huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp... Kết quả ghi nhận từ thực tế cho thấy máy đã vận hành tốt, tỉ lệ tổn thất chung khoảng 2,03%, tỉ lệ tạp chất  9,83%. (Theo Người lao động 11/1)

Sáng chế máy sấy lúa lưu động

Ông Cao Xuân Quả (Năm Nhã), ở khóm Bình Đức 5, phường Bình Đức, TP. Long Xuyên (An Giang) vừa chế tạo thành công lò sấy lúa lưu động trên sông nước rất phù hợp địa hình canh tác lúa ĐBSCL.

Hiện lượng máy của ông sản xuất không đủ cung ứng cho nông dân. Lò sấy nổi bề ngang 4,5m x 15m, có thể sấy từ 10-15 tấn lúa/mẻ, lò sấy được thiết kế khung sườn bằng gỗ nằm trên chiếc chẹt, mặt sàn có hình nhô lên như nón lá được lót lưới cước trên mặt gỗ, giúp việc di chuyển rất thuận lợi đến từng hộ gia đình. Theo ông Quả, tới đây ông sẽ cho ra đời loại lò sấy nổi lưu động loại lớn từ 30-50 tấn/mẻ. (Theo Nông nghiệp 12/1)

Đốt trấu ra gas

Thạc sĩ Đỗ Hữu Hoàng, TS Bùi Trung Thành ở Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ - máy công nghiệp (Trường ĐH Công nghiệp TPHCM) vừa nghiên cứu thành công giải pháp công nghệ đốt hóa khí với nhiên liệu là vỏ trấu. Hướng ứng dụng này đã được áp dụng thử nghiệm tại một số hộ gia đình ở TP Cần Thơ.

Bếp đốt trấu hóa khí có kích thước 2.000 x 500 x 1.800 mm; vật liệu chế tạo bằng thép carbon CT3. Trấu nguyên liệu lấy từ nhà máy xay xát với độ ẩm < 15%. Bếp tạo gas liên tục và cháy ổn định. Khi bếp đã cháy ổn định thì hầu như không có khói. Ngọn lửa gas từ trấu có màu xanh tương tự như  bếp gas đốt bằng khí hóa lỏng. (Theo Người Lao Động 12/1)

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc: Đã có 18 dự án đi vào hoạt động

Theo Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc (HHTP), HHTP đã thu hút được 61 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư hơn 31.287 tỷ đồng. Trong đó, 18 dự án đã đi vào hoạt động, điển hình là nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH Điện tử Noble Việt Nam; Nhà máy sản xuất thiết bị y tế kỹ thuật số công nghệ cao của Công ty liên doanh Y học Việt - Hàn…

Các dự án khác cũng sắp hoàn thành gồm: Đại học FPT; Trung tâm Bưu chính - Viễn thông Hòa Lạc của Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam; nhà máy sản xuất dược phẩm của Công ty Medlac Pharmar;… Riêng năm 2011, HHTP đã thu hút 12 dự án mới. (Theo Hà nội mới 13/1)

 

Ngọc Anh (Tổng hợp)