Bản in
Khoa học và nông nghiệp: Gắn kết cùng phát triển
Sự đổi thay nhanh chóng của thế giới ngày nay phần lớn là nhờ sự đóng góp của khoa học và công nghệ (KH - CN). Những phát minh, sáng chế, những kết quả nghiên cứu khoa học từng ngày từng giờ làm thay đổi thế giới. Đối với ngành KH - CN của Việt Nam, những đóng góp trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn được đánh giá là thành công rõ nét nhất…

Cách đây hơn 25 năm, Việt Nam vẫn là một trong những nước thiếu lương thực trầm trọng. Nạn đói kinh niên của những năm đầu thập kỷ tám mươi của thế kỷ trước đến nay vẫn còn ám ảnh nhiều người. Vào thời điểm đó, không ai dám nghĩ một điều rằng, vài chục năm sau, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới; đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê, thứ 4 về xuất khẩu cao su, thứ nhất về xuất khẩu điều, hồ tiêu…

Năm 2011 này, ngành nông nghiệp tiếp tục gặt hái những thành công mới, góp phần quan trọng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Sản lượng lúa năm 2011 ước đạt 42,2 triệu tấn, tăng trên 2,2 triệu tấn so với năm 2010, xuất khẩu đạt 7,17 triệu tấn gạo; sản lượng các loại nông, lâm, thủy sản khác đều tăng so với năm 2010. Tính cả năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 25 tỷ USD, tăng 29% so với năm 2010.

Những thành tựu trong sản xuất nông nghiệp hôm nay, có phần đóng góp rất  lớn của KH - CN. Cho đến nay, chưa có công trình nghiên cứu nào đánh giá chính xác sự đóng góp của KH - CN đối với nông nghiệp, nhưng cũng đã có những tỷ lệ tương đối như: hàm lượng chất xám chiếm hơn 30% giá trị sản phẩm hàng hóa; biện pháp giống làm tăng năng suất từ 5 - 20%, biện pháp phân bón tăng 10 - 15%, tưới tiêu giúp tăng 20 - 40%... Những con số đó cho thấy, KH - CN đã và đang cùng song hành và tiếp sức cho nhà nông trên bước đường CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.

Theo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Chương trình “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao KH - CN phục vụ phát triển KT - XH nông thôn và miền núi giai đoạn 2004 - 2010” cho thấy: trong 6 năm thực hiện, Chương trình đã chuyển giao 856 công nghệ và tiến bộ kỹ thuật vào địa bàn nông thôn, miền núi, hải đảo... Điều đáng ghi nhận là nhiều dự án thuộc Chương trình đã làm thay đổi những tập quán sản xuất cũ, lạc hậu; giải quyết vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng giống cây trồng vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, tăng năng suất, tăng thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, để đẩy mạnh tiến trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn; xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa; xây dựng nông thôn mới... cần tiếp tục áp dụng và chuyển giao mạnh mẽ hơn nữa tiến bộ KH - CN vào sản xuất... Chính vì vậy, Chương trình Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH - CN phục vụ phát triển KT - XH nông thôn, miền núi đã được phê duyệt, hướng tới những mục tiêu mới cao hơn, cụ thể hơn. Theo đó, trong giai đoạn 2011 - 2015, sẽ chuyển giao, ứng dụng ít nhất 90 công nghệ tiên tiến và tiến bộ kỹ thuật mới vào các khâu: sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; nâng cao hiệu quả sản xuất các nông sản và các mặt hàng còn phải nhập khẩu; phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp; nuôi trồng thủy sản gắn với chế biến; ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ nông nghiệp, nông thôn, miền núi và hải đảo...

Cũng trong giai đoạn này, ngành nông nghiệp hướng tới mục tiêu phát triển theo chiều sâu, bền vững, với nhiều sản phẩm có giá trị tăng cao; phấn đấu giá trị tăng thêm do KH - CN mang lại đạt 40% vào năm 2015 và 50% đến 60% vào năm 2020. Để đạt mục tiêu đó, không thể không coi trọng vai trò của KH - CN. Vấn đề đặt ra là cần có nguồn lực đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; đồng thời, nâng cao nhận thức và trình độ tiếp thu, ứng dụng khoa học cho người nông dân... Có như vậy khoa học và nông nghiệp mới thực sự gắn kết và cùng phát triển.