Bản in
Đà Nẵng: Bốn trọng tâm phát triển khoa học và công nghệ
Đà Nẵng cần tập trung vào 4 trọng tâm phát triển KH-CN đó là phát triển Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung, công nghệ sinh học và chính sách đối với cán bộ.

Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân tại Hội nghị phối hợp hoạt động về KH&CN (giai đoạn 2011-2015) giữa TP. Đà Nẵng với Bộ KH&CN vào ngày 6/1. Tại Hội nghị, đã diễn ra Lễ ký kết chương trình phối hợp hoạt động về KH&CN giai đoạn 2011-2015 giữa Bộ KH&CN với UBND Tp. Đà Nẵng.

Chương trình hợp tác nói trên nhằm nhằm tiếp tục triển khai thực hiện chủ trương đầu tư, xây dựng Đà Nắng trở thành thành phố trọng điểm về hoạt động KH-CN khu vực miền.

Chủ tịch UBDN TP. Đà Nẵng cho biết, từ năm 2007, triển khai Chương trình phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, thành phố đã tập trung thực hiện 05 giải pháp phát triển sự nghiệp khoa học công nghệ.

 

Lễ ký kết chương trình phối hợp hoạt động về KH&CN giai đoạn 2011-2015 giữa Bộ KH&CN với UBND Tp. Đà Nẵng.

Kết quả, trong 5 năm 2007-2011 có 66 đề tài, dự án cấp thành phố được thực hiện chia theo lĩnh vực: lĩnh vực KHXH&NV: 20 đề tài (30,30%); lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản: 9 đề tài (13,64%); lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, giao thông, thủy lợi, CNTT: 16 đề tài (24,24%); lĩnh vực Y tế, GD-ĐT: 16 đề tài (24,24%); thuộc lĩnh vực điều tra cơ bản và bảo vệ môi trường: 5 đề tài (7,58%).

Qua khảo sát thực tế các đề tài đã nghiệm thu cho thấy, có gần 90% đề tài sau khi nghiệm thu đã được ứng dụng vào thực tế, trong đó các đề tài hỗ trợ doanh nghiệp thường được áp dụng 100% và mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc cải tiến qui trình công nghệ, thiết bị, tạo sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường; các đề tài thuộc lĩnh vực KHXH&NV; điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường tuy không nhìn thấy rõ hiệu quả trực tiếp nhưng là các thông tin tư liệu, dữ liệu cơ bản rất quan trọng, làm cơ sở hoạch định các dự án phát triển KT-XH.

Một số kết quả nổi bật của công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cụ thể như Dự án “Nghiên cứu thử nghiệm máy sấy thóc”, do Viện Công nghệ Hóa học chủ trì, phối hợp với UBND huyện Hòa Vang thực hiện. Đến nay, máy sấy thóc đã được lắp đặt và đang vận hành thử nghiệm tại Hợp tác xã Hòa Tiến II - huyện Hòa Vang, giúp nông dân chủ động hơn trong việc bảo quản thóc và các loại nông sản khác sau thu hoạch;
Đề tài “Hoàn thiện quy trình công nghệ nuôi cấy mô và trồng một số giống hoa tại Đà Nẵng”, thông qua thực hiện đề tài Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng đã làm chủ các quy trình công nghệ và sản xuất thành công các giống hoa Lan, hoa Lyly thương phẩm cung cấp ra thị trường. Sản phẩm của Đề tài là cơ sở khoa học để Đà Nẵng có thể cung cấp các giống cây đảm bảo có chất lượng, sạch bệnh cho nông dân, hợp tác xã, khu du lịch.

Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: M.Hà)

Hoạt động ứng dụng KH&CN của thành phố đạt được những kết quả khả quan, nhất là trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thông qua các mô hình chuyển giao ứng dụng tiến bộ KH&CN như nhân giống hoa phong lan, hoa cúc từ nuôi cấy mô, sản xuất nhân tạo các giống thủy đặc sản, bước đầu cung cấp cho nông dân các loại giống cây sạch bệnh, giống thủy sản đạt chất lượng cao. Thông qua các hoạt động này, nhận thức của nông dân về sản xuất sạch và bền vững được nâng cao. Bà con nông dân đã áp dụng rộng rãi các tiến bộ KH&CN trong thực tế sản xuất, góp phần nâng cao đời sống người dân và xây dựng một môi trường xanh sạch.

Bên cạnh đó thành phố cũng đã chủ động hợp tác với các Viện nghiên cứu, các trường Đại học có uy tín trong và ngoài nước trong lĩnh vực nghiên cứu triển khai. Nhờ vậy, kết quả nghiên cứu các đề tài, dự án đã tạo ra những sản phẩm có tính ứng dụng cao trong sản xuất và đời sống, nhất là lĩnh vực năng lượng.

Nhờ sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, thành phố đã xây dựng Trung tâm công nghệ phần mềm, tạo cú hích cho xuất khẩu phần mềm, tăng từ 500 triệu vào năm 2006 lên 1 tỷ 798 triệu đồng vào năm 2010. Từ kết quả phấn khởi này, thành phố mạnh dạn xúc tiến xây dựng Khu Công nghiệp công nghệ thông tin tập trung. Thành phố cũng đã đạt được một số thành tựu khả quan trong việc ứng dụng Công nghệ sinh học trong y dược, xử lý môi trường và sản xuất, chế biến nông lâm ngư nghiệp. Đó là những  tiền đề quan trọng để thành phố đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ xây dựng Khu Công nghệ cao.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2007-2011, Chương trình tiết kiệm năng lượng hỗ trợ cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt được kết quả khả quan, thực hiện có hiệu quả nội dung các chương trình Tiết kiệm năng lượng từ dự án PECSME (do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì), Chương trình mục tiêu quốc gia về Tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng (do Bộ Công Thương chủ trì); triển khai các hoạt động dịch vụ về tiết kiệm năng lượng cho gần 100 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và nhiều doanh nghiệp thuộc các tỉnh lân cận khu vực miền Trung. Hiện nay, thành phố đang xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng đã đề nghị các đơn vị của bộ KH&CN phối hợp với Đà Nẵng nghiên cứu kỹ những vấn đề của thành phố đặt ra để hỗ trợ có hiệu quả. Bộ KH&CN cũng đã giao cho Vụ Tổ chức cán bộ, Trường Quản lý KH&CN có chương trình bồi dưỡng về nghiệp vụ, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý của các địa phương, trong đó có Đà Nẵng.

M.Hà