Nâng cao vai trò doanh nghiệp
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thì các tiến bộ KH-CN trong nông nghiệp đã tạo ra giá trị gia tăng trong tăng trưởng nông nghiệp tới 30%. Những năm qua, các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu thành công nhiều quy trình công nghệ, chọn tạo ra nhiều giống cây trồng, gia súc mới, đã chuyển giao nhiều công nghệ và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất trên nhiều lĩnh vực.
Mặc dù vậy, nông nghiệp Việt Nam phần lớn vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, năng suất lao động thấp, tổn thất sau thu hoạch lớn, chưa có nhiều vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa… Thêm vào đó, ruộng đất manh mún, phân tán đã hạn chế rất lớn đến việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật thâm canh, nhất là cơ giới hóa việc làm đất, thu hoạch, vận chuyển vật tư và sản phẩm. Trong khi đối tượng tiếp nhận công nghệ trong sản xuất nông nghiệp chủ yếu là nông dân lại có trình độ dân trí chưa cao...
Trước những thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng chuyển giao tiến bộ KH-CN cho nông dân thông qua doanh nghiệp là con đường nhanh và hiệu quả nhất. Các chuyên gia lý giải doanh nghiệp là đối tượng có vốn, khả năng đầu tư ngay từ nguyên liệu đầu vào như cung cấp giống, thiết bị hỗ trợ chuyển giao cho người dân. Đặc biệt, doanh nghiệp có khả năng tiếp cận thị trường một cách nhạy bén nên doanh nghiệp cũng giúp nông dân bao tiêu sản phẩm đầu ra.
Theo PGs.Ts Lê Tất Khương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Vùng - Bộ KH-CN, sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp là yếu tố đảm bảo thành công, bởi các doanh nghiệp có ưu thế là có tiềm năng về tài chính để có thể đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng được yêu cầu của việc tiếp nhận những công nghệ mới tiên tiến đòi hỏi phải có cơ sở hạ tầng kỹ thuật tốt mới chuyển giao thành công được.
Ts Đặng Văn Đông - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa, cây cảnh thuộc Viện Nghiên cứu Rau quả cho rằng: sự đầu tư vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh hoa, cây cảnh của các doanh nghiệp đã giúp ngành này phát triển một cách mạnh mẽ trong những năm qua, đồng thời là cơ hội tốt cho các nhà khoa học có điều kiện triển khai và áp dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất. Ông Đông cũng cho biết, dấu hiệu đáng mừng đối với ngành hoa, cây cảnh hiện nay là có một số doanh nghiệp lớn đang có kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực này như Tổng công ty Bông - đầu tư sản xuất hoa lan tại Ninh Thuận; Công ty TNHH Anh Trí - đầu tư 20 triệu USD sản xuất giống hoa xuất khẩu…
Đưa doanh nghiệp về nông thôn
Thực tế cho thấy, hiện các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyển giao tiến bộ KH-CN.
Theo Ts Đặng Văn Đông, trồng trọt trong nông nghiệp nói chung là lĩnh vực đầu tư mang lại hiệu quả thấp mà rủi ro lại rất cao, vì thế rất ít các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Ông Đông cũng đưa ra kiến nghị cần phải hình thành cơ chế khoán 10 trong nghiên cứu khoa học, trước hết là đối với lĩnh vực nghiên cứu hoa, cây cảnh. Theo đó, Nhà nước sẽ đặt hàng và ứng tiền cho các cơ quan khoa học, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Người nhận đặt hàng được quyền tự chủ và chịu trách nhiệm về kết quả nghiên cứu của mình theo hợp đồng ràng buộc...
Bên cạnh việc đẩy mạnh mối liên kết bền chặt giữa doanh nghiệp với nông dân, theo đại diện Bộ KH-CN để đưa doanh nghiệp về nông thôn, trước hết phải đổi mới cơ chế hoạt động chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp theo hướng hình thành cơ chế phù hợp với thị trường; xây dựng các định hướng chuyển giao công nghệ trọng điểm; đồng thời xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào hoạt động chuyển giao công nghệ.
Mặt khác, hình thành các cơ sở sản xuất kinh doanh quy mô lớn, vùng trồng trọt và chăn nuôi tập trung như khu nông nghiệp công nghệ cao, các trang trại… để có đủ điều kiện về quy mô đất đai cũng như quản lý kinh doanh, bảo đảm đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần phải xây dựng chiến lược kinh doanh KH-CN khả thi và thích hợp làm cơ sở xác định phương thức hoạt động nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ trong sản xuất. Đồng thời các doanh nghiệp cần nâng cao tính tự lực trong phát triển tiềm lực KH-CN, luôn biết cách kết hợp nhiều phương pháp để nâng cao năng lực công nghệ… Có như vậy thì con đường đưa khoa học vào cuộc sống, đưa những tiến bộ kỹ thuật về với nông nghiệp, nông thôn mới được rút ngắn lại.
Trần Hồng
|