Bản in
Điểm tin khoa học và công nghệ trong tuần từ 17-23/12
Một nông dân chế tạo thành công máy cắt ghép cây con giống cà chua; Chế thuốc phù não từ nấm và rong biển; Nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam được vinh danh ở Đức; Chế tạo được tickit phát hiện nhanh chất độc quân sự;… là những nội dung chính trong điểm tin khoa học và công nghệ tuần qua.

Chế thuốc phù não từ nấm và rong biển

Các nhà khoa học thuộc Hội Hóa học Việt Nam đã thành công trong việc chiết tách và tinh sạch manitol từ nấm mối dùng để bào chế thuốc phù não, chấn thương não.

GS.TSKH Trần Đình Toại, Chủ nhiệm đề tài cho biết, cứ 100g nấm mối khô sẽ tách chiết và tinh sạch được được 6,2g manitol sạch. Cứ 100g rong biển khô chiết tách được 8,2g manitol sạch.

Hiện kết quả nghiên cứu đã cho thành công trong phòng thí nghiệm, nhưng để triển khai thành công nghệ để ứng dụng trong sản xuất cần đầu tư thêm kinh phí khoảng 300 triệu đồng trong thời gian 1 năm. (Theo Đất việt 21/12).

Nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam được vinh danh ở Đức

Ngày 20.12, Đại sứ quán Đức tại Hà Nội cho biết, nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam Phạm Văn Quân là 1 trong 20 nhà khoa học trẻ xuất sắc đến từ các nước trên thế giới được vinh danh với giải thưởng Green Talents diễn ra vào cuối tuần qua tại Đức.

Phạm Văn Quân đang là nghiên cứu sinh của Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội. Đề tài nghiên cứu của anh là “Các giải pháp tiết kiệm năng lượng giúp giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu”.

Đây là năm thứ ba Bộ Nghiên cứu và Giáo dục Đức tổ chức cuộc thi Green Talents và đã nhận được hồ sơ tham dự của 331 người đến từ 58 quốc gia. (Theo Thanh niên 21/12).

Một nông dân chế tạo thành công máy cắt ghép cây con giống cà chua

Anh Nguyễn Thái Linh, một nông dân ở xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng đã chế tạo thành công và đưa ra thị trường máy cắt ghép cây con giống cà chua.

Chiếc máy sáng chế cắt ghép cây trồng của nhà nông Nguyễn Thái Linh ở Đơn Dương (Ảnh: baolamdong.vn)

Bình quân mỗi ngày máy ghép được từ 5.000 đến 6.000 cây cà chua giống, tăng gấp 2, 5 lần so với phương pháp cắt ghép bằng thủ công. Hiện nay trên địa bàn huyện Đơn Dương có 70 vườn cây ươm con giống, do đó việc chế tạo máy cắt ghép cây giống cà chua sẽ đáp ứng nhu cầu của nhiều chủ vườn ươm cây con giống. (Theo Nông nghiệp 21/12).

Hơn 120 nhà khoa học dự Hội nghị quốc tế Toán học và Ứng dụng

Hơn 120 nhà khoa học, trong đó có trên 80 đại biểu quốc tế từ khắp nơi trên thế giới đã tham dự Hội nghị quốc tế Toán học và Ứng dụng do Đại học Kinh tế - Luật TP Hồ Chí Minh đăng cai tổ chức trong 3 ngày, từ 20 – 22/12.

Các đại biểu trình bày gần 70 báo cáo khoa học về toán học và các vấn đề ứng dụng. Bên cạnh trình bày các báo cáo, các đại biểu cũng trao đổi ý kiến, thảo luận về các phương huớng và dự án nghiên cứu trong tương lai.

Hội nghị cũng là dịp để các nhà toán học Việt Nam tiếp xúc và đặt quan hệ với các nhà khoa học toán hàng đầu thế giới đến làm việc và đến các trường Việt Nam để giảng dạy, nghiên cứu nhằm thúc đẩy nền toán học của Việt Nam. (Theo Đại biểu nhân dân 21/12).

Chế tạo được tickit phát hiện nhanh chất độc quân sự

Đại tá, tiến sĩ Nguyễn Hùng Phong của Viện Khoa học và Công nghệ quân sự và các cộng sự thuộc Viện Hóa học-Môi trường quân sự (Binh chủng Hóa học), Viện Pháp y quân đội đã hoàn thành đề tài khoa học "Nghiên cứu thiết kế và hoàn thiện công nghệ chế tạo tickit - phương tiện mới dùng phát hiện nhanh chất độc quân sự tại hiện trường" với chất lượng tốt.

Sản phẩm của đề tài gồm 4 loại tickit và phụ kiện đồng bộ dùng để phát hiện nhanh, chính xác các chất độc quân sự: Sarin; Yperit; HCN và Asen hydrua trong điều kiện dã ngoại. Cùng với tickit, các tác giả cũng đã xây dựng thành công quy trình phân tích phát hiện các chất độc nói trên. (Theo Dân việt 21/12).

Máy tuốt lúa cải tiến di chuyển trên mọi địa hình; Máy tuốt lúa đa năng của "Hai lúa"

Chiếc máy tuốt lúa cải tiến do anh Nguyễn Quốc Bảo ở xã Trung Lương (Thái Nguyên) sáng chế được nhiều người dân địa phương ưa chuộng bởi những tính năng ưu việt, hơn hẳn các loại máy tuốt khác, rất phù hợp với điều kiện địa hình ruộng bậc thang ở khu vực miền núi, vùng cao.

Sau vài tháng gia công chiếc máy tuốt lúa cải tiết đã ra đời và chạy thử. Chỉ trong một buổi sáng với 2 người vận hành, máy đã tuốt xong số lúa ở 4 sào, gấp 1,5 lần so với sử dụng máy cũ, lượng xăng tiêu thụ chưa đầy 2 lít. Thóc tuốt ra được làm sạch rơm rác, tỷ lệ thất thoát trong quá trình tuốt lúa không đáng kể. (Theo vietnamplus 21/12).

Cùng thời điểm này, Anh Võ Công Khánh ở xã Bình Trung (Quảng Ngãi), cải tiến thành công chiếc máy tuốt lúa đa năng. Sản phẩm này đã được giới thiệu tại Hội thi nhà nông đua tài do Hội Nông dân tỉnh tổ chức.

“Tôi đã cải tiến máy gọn nhẹ, nhưng lại chắc chắn, di chuyển nhanh, nhẹ nhàng trên nhiều chân ruộng, trung bình mỗi ngày tuốt được 5 sào Trung Bộ, trong khi máy tuốt lúa thông thường chỉ tuốt được 3 sào. Để vận hành máy đa năng chỉ cần 2-3 người", anh Khánh nói. (Theo Kinh tế nông thôn 22/12).

Chó robot thông minh của sinh viên Việt Nam

Các thành viên nhóm nghiên cứu bên chó robot Rudo. (Ảnh: nhân vật cung cấp)

Được sự hướng dẫn của tiến sĩ Nguyễn Bá Hải, nhóm sinh viên nghiên cứu gồm: Phạm Thanh Tới, Hồ Huy Huân, Lê Như Thịnh, Võ Xuân Cảnh, Huỳnh Ngọc Tiến Đạt Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM vừa chế tạo thành công chú chó robot được đặt tên là Rudo. Rudo có thể sủa, hát, đọc truyện, nói tiếng Anh, cử động chân, đầu, đuôi...

Các sinh viên sử dụng ngôn ngữ lập trình LabVIEW để điều khiển những cơ cấu vận động cho Rudo. Chó Rudo có hình dáng chó đốm, có thể sủa đồng thời với cử động đuôi, đầu, chân. Đặc biệt, ngoài tính năng giữ nhà, chó Rudo có thể làm bạn với chủ, nhất là với trẻ em, vì có thể hát, làm nũng, nói tiếng Anh, đọc truyện...(Theo Tuổi trẻ 22/12).

Dùng bùn đỏ xử lý ô nhiễm kim loại trong nước thải

Tiến sỹ Nguyễn Trung Minh và đồng nghiệp thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu thành công việc tận dụng thành phần có ích của bùn đỏ, để tạo ra một loại vật liệu mới có khả năng xử lý ô nhiễm kim loại nặng trong nước thải, thân thiện với môi trường, có khả năng hấp thụ cao, giá thành rẻ, phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy sự hấp phụ của vật liệu chế tạo từ bùn đỏ Bảo Lộc-Lâm Đồng với ion kim loại nặng Pb2+ và các thông số hóa lý, hấp phụ đẳng nhiệt khác, đã chỉ ra khả năng sử dụng bùn đỏ để xử lý ô nhiễm chất thải. Đó là trộn bùn đỏ với các loại phụ gia như dầu cốc, cao lanh, thủy tinh lỏng (Na2SiO3) theo tỷ lệ nhất định, thêm lượng nước phù hợp và trộn nhuyễn. (Theo vietnamplus 22/12).

Ngọc Anh (Tổng hợp)