Sức bật cho sản xuất nông nghiệp
Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, giai đoạn 2006-2010, hoạt động KH&CN đã gắn với thực tế sản xuất của nông dân, và kinh doanh của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu sản xuất trong cơ chế thị trường. Giá trị kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2000-2010 đạt 96 tỷ USD, riêng năm 2010 đạt 16,8 tỷ USD.
Với tổng vốn đầu tư cho KH&CN nông nghiệp hơn 2.600 tỷ đồng, tăng bình quân 15%/năm (năm 2006 là 380 tỷ đồng, đến năm 2010 lên 667,7 tỷ đồng), các đơn vị KH&CN nông nghiệp của Bộ NN&PTNT đã triển khai 7.000 đề tài khoa học và dự án sản xuất thử nghiệm, tạo ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới. Đã có nhiều quy trình công nghệ tiên tiến được ứng dụng vào sản xuất... Trong đó đã lựa chọn và đưa vào sản xuất, thay thế dần các giống lúa thuần Khang Dân, Q5, như: BM 9820, BM 9855, AC5, PC6...
Về chăn nuôi, thú y và thủy sản, trong 5 năm qua, KH&CN nông nghiệp đã lai tạo và chọn lọc thành công giống lợn lai, với khối lượng xuất chuồng từ 45-50kg lên 70-80kg, tỷ lệ nạc tăng từ 32% lên 52-57%. Việt Nam đang từng bước hoàn thiện công nghệ sản xuất giống một số giống nuôi chủ lực như: tôm sú, tôm chân trắng, cua biển, ca tra, cá rô phi, ốc hương...
Thực hiện Nghị định 115/2005/NĐ-CP, 5 năm qua, Bộ NN&PTNT đã tổ chức xây dựng, phê duyệt đề án và quyết định chuyển đổi các tổ chức KH&CN công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT còn xây dựng, ban hành nhiều văn bản mới, tạo điều kiện và góp phần nâng cao tính chủ động, tự chủ và ý thức trách nhiệm của cá nhân, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện và nâng cao chất lượng hoạt động KH&CN. Đây là động lực quan trọng để các đơn vị đổi mới hoạt động nghiên cứu KH&CN, xây dựng lực lượng nghiên cứu, thu hút nhân tài, gắn quyền lợi và trách nhiệm với sản phẩm cuối cùng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của thị trường.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn. Cơ chế quản lý tài chính chưa thực sự được tháo gỡ để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học. Những kết quả nghiên cứu thành công ở quy mô phòng thí nghiệm phát triển thành dự án sản xuất thử nghiệm còn thấp, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ. Nhiều sản phẩm KH&CN chưa áp dụng được quyền sở hữu trí tuệ. Các thủ tục tài chính đối với đề tài dự án KH&CN theo các quy định hiện hành vẫn còn rườm rà, khiến cán bộ làm công tác khoa học mất đi tính chủ động, tích cực trong hoạt động nghiên cứu.
Thêm những “cú hích”
Giai đoạn 2011-2016, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ hướng tới mục tiêu phát triển KH&CN theo chiều sâu, bền vững, với nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Đặc biệt Bộ NN&PTNT sẽ thí điểm đặt hàng một số sản phẩm KH&CN, thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các tổ chức KH&CN công lập, đổi mới cơ chế quản lý, chế độ tài chính theo hướng quản lý sản phẩm, đầu ra của nhiệm vụ KH&CN.
Mới đây, tại hội nghị tổng kết công tác KH&CN do Bộ NN&PTNT tổ chức, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: nhà nước sẽ cho cơ chế đặt hàng sản phẩm KH&CN. Ngành nông nghiệp cần có cơ chế rõ ràng trong giao chọn đề tài và cố gắng giao nhiệm vụ thực hiện đề tài trong thời gian trung hạn từ 3–5 năm. Đồng thời, ngành cần tổ chức giao khoán và đặt hàng mua sản phẩm nghiên cứu ứng dụng trên cơ sở hiệu quả thực tế.
Trong thời gian tới, cần ứng dụng KH&CN mới, phù hợp. Song hành là việc đẩy mạnh phát triển các mô hình phát triển sản xuất tiên tiến, có độ tin cậy cao để nông dân làm theo. Một yếu tố không thể thiếu được là khuyến khích hình thành các doanh nghiệp làm nhiệm vụ chuyển giao công nghệ ở các Viện nghiên cứu để các nhà khoa học, chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu cũng có thể tham gia.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Xuân Thu cho rằng, để tiến tới thực hiện cơ chế đặt hàng một số sản phẩm KH&CN cần phải có tiêu chí xác định nhiệm vụ KH&CN. Trong đó, sản phẩm tạo ra từ nhiệm vụ KH&CN là sản phẩm thuộc nhóm các sản phẩm quốc gia trong lĩnh vực NN&PTNT, do các tổ chức KH&CN công lập thuộc Bộ NN&PTNT thực hiện.
Đồng thời, xác định rõ được thời gian và tổng kinh phí, kinh phí hàng năm thực hiện nhiệm vụ KH&CN để tạo ra sản phẩm. Việc xác định thời gian và tổng kinh phí, kinh phí hàng năm thực hiện trên cơ sở các định mức kinh tế - kỹ thuật do Bộ NN&PTNT ban hành và các chế độ, chính sách hiện hành của nhà nước. Xác định được giá trị thị trường hoặc hiệu quả kinh tế - xã hội của sản phẩm: Sản phẩm KH&CN đưa vào sản xuất quy mô lớn, sản xuất công nghiệp có doanh thu ít nhất lớn gấp 3 lần tổng kinh phí thực hiện đề tài hoặc đầu tư 1 đồng vốn cho Đề tài tạo ra ít nhất 3 đồng lợi nhuận. Có địa chỉ áp dụng cụ thể, được Bộ NN&PTNT thẩm định, phê duyệt nội dung nghiên cứu khoa học, các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật của sản phẩm cuối cùng, tổng mức kinh phí và kinh phí tạm ứng mỗi năm.
Rõ ràng đã đến lúc chúng ta phải chuyển từ một nền nông nghiệp tăng trưởng theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu (hiệu quả, năng suất, giá trị gia tăng phải thay thế cho quy mô sản lượng). Trong đó, động lực của chính sách, hiệu quả của KH&CN và các biện pháp quản lý phải trở thành nguồn lực chính tạo nên tăng trưởng.
Đổi mới quản lý KH&CN là cuộc cải cách toàn diện. Nếu hoạt động KH&CN được “chủ nhân hóa, thị trường hóa, tư nhân hóa, quốc tế hóa” thì sẽ huy động được nguồn lực to lớn của xã hội và quốc tế, đưa sản xuất nông nghiệp lên một tầm cao mới.
Tuyết Chi |