|
|||
Hệ thống lọc nước cơ động cứu hộ lũ Thiếu nước sạch là khó khăn trực diện đối với người dân vùng lũ. TS Trần Minh Chí, Viện Kỹ thuật Nhiệt đới và Bảo vệ Môi trường cùng các đồng nghiệp đã sáng chế hệ thống lọc nước cơ động. Tổng trọng lượng của hệ thống là 620kg, tiêu thụ 2,8 lít xăng/giờ, công suất lọc ra nước sinh hoạt là 3m3/giờ, còn nước uống là 250 – 300 lít/giờ. Hệ thống này có thể di chuyển vào các kênh rạch hẹp, vùng nước nông, đặc biệt có thể tháo khỏi canô nhanh để vận chuyển và hoạt động trên cạn. Hệ thống đã được dùng thử nghiệm và mang lại hiệu quả cao tại hệ thống Tứ giác Long Xuyên, ngã ba Lộ Tẻ (An Giang) trong đợt lũ vừa qua. (Theo Sài gòn tiếp thị 5/12). Kỹ sư nông dân Ông Trương Quang Phụ làng An Xuân, xã Quảng An (Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) sáng chế thành công chiếc máy bơm nước và các thiết bị dùng trong sản xuất nông nghiệp. Chiếc máy bơm nước do ông Phụ sáng chế có giá thành thấp."Ưu điểm lớn nhất của chiếc máy nằm ở lá quạt, có công suất đẩy mạnh, đường bơm tăng gấp 2 lần, thuận tiện trong việc hút và đẩy bùn ở tầm cao, giúp nông dân giải phóng sức lao động", ông Phụ nói. Không dừng lại ở đó, ông còn sáng chế và cải tiến thành công các loại máy xay lúa, máy hút bùn, máy múc đất…(Theo Kinh tế nông thôn 5/12). Máy biết lắng nghe tiếng Việt và phục vụ Phòng thí nghiệm Trí tuệ nhân tạo (AILab) thuộc ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM đã công bố kết quả các đề tài nghiên cứu về nghiên cứu xử lí tiếng Việt trong ngày 6/12/2011. Dựa trên công nghệ xử lí tiếng nói tiếng Việt, AILab đã xây dựng phần mềm iSago chuyên hỗ trợ tìm kiếm thông tin qua tiếng nói. Trình diễn tìm kiếm thông tin bằng giọng nói trên iPhone. (Ảnh: báo Lao Động) Phiên bản 1.0 công bố cùng ngày cho thấy, người sử dụng iPhone chỉ cần ra lệnh bằng giọng nói về tìm kiếm thông tin nhà hàng, quán bar, quán càphê trên địa bàn TPHCM thì trong tích tắc, máy sẽ xử lí và kết nối với Google Map để cho ra kết quả nơi cần tìm (bản đồ, địa chỉ). Theo AILab, hiện nay phần mềm này đang dừng ở mức 100 từ khóa. (Theo Lao động 6/12). NASA khảo sát việc đặt trung tâm vệ tinh vũ trụ tại TP.HCM NASA đang khảo sát khu vực Đông Nam Á để chọn địa điểm đặt trung tâm vệ tinh vũ trụ theo chương trình SERVIR của NASA và Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID). Khu công nghệ cao TP.HCM, Việt Nam là một trong các lựa chọn của NASA. Đó là thông tin đã được ông Michael F.O’Brien của Cơ quan Hàng không và vũ trụ quốc gia Hoa Kỳ (NASA), cho biết tại buổi làm việc với ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) chiều 6-12. TS Phạm Anh Tuấn, giám đốc Trung tâm Vệ tinh công nghệ quốc gia cho biết Việt Nam, sẽ thành lập hai trung tâm vệ tinh vũ trụ. Trung tâm ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội sẽ hợp tác với Nhật Bản để lắp ráp chế tạo vệ tinh nhỏ. Khu công nghệ cao TP.HCM sẽ là trung tâm dữ liệu hình ảnh vệ tinh. (Theo Tuổi trẻ 6/12). Băng cháy thay thế than, dầu khí Trong khi than, dầu khí ngày càng cạn kiệt, người ta bắt đầu hướng sự chú ý đến băng cháy, một nguồn năng lượng khổng lồ còn đang nằm sâu dưới đáy biển. Các nghiên cứu bước đầu cho thấy, nước ta cũng có triển vọng về băng cháy. Băng cháy có tên khoa học là natural hydrat hoặc gas hydrat. Về bản chất đó chủ yếu là khí mê tan CH4. Dạng tồn tại của chúng cũng giống như khí gas. Khí này hoàn toàn không độc nhưng lại nguy hiểm vì nó là chất dễ cháy và dễ gây nổ. Nghiên cứu đánh giá trữ lượng, lấy được băng cháy từ dưới lòng đại dương lên mặt đất đòi hỏi mất nhiều thời gian, phải có công nghệ cao, đắt tiền. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, thì chắc chắn trong thời gian ngắn tới, người ta sẽ thực hiện được việc này. (Theo Bee 7/12). Máy thu hoạch đậu phộng Nhóm các nhà khoa học ở Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch tại TP.HCM vừa nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công máy thu hoạch đậu phộng năng suất 0,5 tấn/giờ (bứt hạt đậu phộng ra khỏi cây). KS Trần Đức Công cho biết máy hoạt động theo nguyên lý đập tuốt, dọc trục. Máy sẽ liên kết với máy kéo 22-30 Hp, năng suất 0,5 tấn/giờ, tỉ lệ hạt bị vỡ dưới 3,5%, tỉ lệ bứt sót trong khoảng 2,5%... Máy đã được vận hành thử nghiệm tại huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh; huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp và huyện Củ Chi-TP.HCM. Kết quả ghi nhận từ thực tế cho thấy máy đã vận hành tốt, năng suất đạt 0,088 ha/giờ, tỉ lệ tổn thất chung khoảng 2,03%, tỉ lệ tạp chất 9,83%... (Theo Người lao động 7/12). Nghiên cứu thành công quy trình chiết tách aloin từ lô hội PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hạnh và ThS. Phan Nhật Minh, Viện Công nghệ Hóa học tại TP.HCM vừa thực hiện thành công hướng nghiên cứu trên. Đề tài giúp tạo ra sản phẩm mới là bột aloe, aloin, aloe gel từ cây lô hội làm nguyên liệu cung cấp cho các công ty dược, mỹ phẩm. Nhóm nghiên cứu đã hoàn tất được một số nội dung trong quy mô phòng thí nghiệm và pilot như xây dựng quy trình chiết xuất aloin từ nhựa lá cây lô hội (quy mô pilot 5 kg nhựa/ mẻ); quy trình ổn định gel (pilot từ 10 - 20 kg/mẻ); xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho gel lô hội. Bước đầu công ty TNHH công nghệ sinh học Việt - Mỹ - Úc đã ứng dụng được quy trình ổn định gel của đề tài nghiên cứu. (Theo Khoa học phổ thông 7/12) Khai mạc hội thảo Toán quốc tế Lý thuyết tối ưu-Ứng dụng Từ ngày 8 đến 10/12, Trường Đại học Đà Lat phối hợp với Viện Toán học Hà Nội và Đại học Quốc gia Pukyong (Hàn Quốc) tổ chức Hội thảo Toán học Quốc tế Việt Nam – Hàn Quốc lần thứ 8 có chủ đề “Lý thuyết Tối ưu và Ứng dụng”. Các đại biểu tại Hội thảo Lý thuyết tối ưu và Ứng dụng (Ảnh: Internet) Trên 100 nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vục toán của hai nước tham dự hội thảo. 45 báo cáo khoa học sẽ được trình bày tại đây, là những công trình nghiên cứu xuất sắc của các nhà toán học Việt - Hàn. Đáng chú ý là công trình nghiên cứu: Các điều kiện cần và đủ của tối ưu; Tối ưu vector; Lý thuyết đối ngẫu; Tối ưu tham số; Bất đẳng thức biến phân;…(Theo Bee 8/12). Buồng chuối trổ hơn 170 nải Buồng chuối cau trổ dài gần 2 mét và có 170 nải tại vườn của ông Nguyễn Văn Minh, (ở xã Châu Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) đã làm nhiều người đổ xô về đây xem buồng chuối. Cây chuối được ông Nguyễn Văn Minh trồng đầu năm 2010, chuối thuộc loại chuối cau (hay còn gọi là chuối tiến). Ông Minh cho biết, trong quá trình chăm sóc cây ông cũng không bỏ gì khác so với các cây chuối trồng cùng thời điểm. Theo quan sát, các nải chuối ra chi chít, quả không đều nhau, quả to quả nhỏ nhưng nhiều nải khác nhau kéo dài. (Theo Công an nhân dân 8/12). Bộ điều khiển điện IPNET Anh Nguyễn Đình Nam (Hà Nội) và các cộng sự vừa phát triển thành công thiết bị bật, tắt theo giờ mặt trời và mạng di động, còn gọi là bộ điều khiển IPNET áp dụng cho hệ thống đèn chiếu sáng công cộng. Ưu điểm của bộ điều khiển IPNET so với các sản phẩm cùng loại là có độ chính xác hơn hẳn (với sai số dưới 1 phút). Sản phẩm bảo đảm đèn bật đúng lúc cần, giúp tiết kiệm khoảng 10% tiền điện. Ngoài tính năng điều khiển theo giờ mặt trời, thiết bị còn có module giúp bật - tắt thông minh để phù hợp với điều kiện thời tiết bên ngoài. Theo nhóm nghiên cứu, nếu áp dụng trên toàn quốc, hệ thống này sẽ giúp tiết kiệm được khoảng 11 triệu USD tiền điện mỗi năm cho hệ thống chiếu sáng công cộng và một khoản lớn hơn thế cho các hệ thống chiếu sáng tư nhân. (Theo Hà nội mới 9/12). Ngọc Anh (Tổng hợp)
|