|
|||
Thiết bị phát khói bảo vệ các công trình quan trọng Nhóm các nhà khoa học gồm Phạm Ngọc Cảnh, Đỗ Đăng Hải, Nguyễn Trọng Dân thuộc Viện hóa học & môi trường quân sự - Bộ tư lệnh hóa học, đã nghiên cứu chế tạo thành công thiết bị phát khói nhiên liệu lỏng KH-1 KH-1 được trang bị trên nhu cầu thực tế của các đơn vị hóa học toàn quân dùng để ngụy trang trong chiến tranh có sử dụng vũ khí và phương tiện công nghệ cao, bảo vệ các mục tiêu quân sự, dân sự, sân bay; giữ gìn an toàn được các công trình trọng điểm của nhà nước khi có chiến tranh xảy ra... Sản phẩm đã được lắp thử trên xe UAZ - 452, kết quả thử nghiệm mang tính khả quan, bước đầu đáp ứng yêu cầu của binh chủng về tính năng kỹ thuật và tính cơ động. (Theo Khoa học phổ thông 28/11). Phát hiện hai loài ếch mới ở Việt Nam Các nhà khoa học Việt Nam và Australia vừa tìm thấy hai loài ếch cây sần thuộc giống Theloderma ở vùng cao nguyên Kontum và Langbiang ở Việt Nam. Dựa trên những phân tích về hình thái và di truyền học phân tử, các nhà khoa học cho biết, hai loài ếch trên là ếch sần trá hình và ếch sần sương mù. Theo bà Lê Thị Thùy Dương, thành viên nhóm nghiên cứu, sự khác biệt của hai loài này là kích thước cơ thể của chúng nhỏ hơn 3cm, không có răng lá mía, da có nếp nhăn, các vết sần trên sống lưng vôi hóa, chi trước không có màng bơi, lưng màu nâu, mắt hai màu. (Theo Vnexpress 1/12). Sản xuất Silica gel khí từ vỏ trấu Sản xuất silica gel khí từ vỏ trấu góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí.(Ảnh: Internet) Đây là nghiên cứu mới của ông Đinh Tấn Thành, Công ty TNHH Cao su Kỹ thuật Tiến Bộ, cùng nhóm cộng sự sản xuất silica gel khí từ vỏ trấu, góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí. Quy trình chế tạo silica aerogel được thực hiện theo các bước: Vỏ trấu sau khi được rửa sạch, sấy khô, tiến hành xử lý làm giảm thành phần kim loại sau đó nung hai cấp ở 500oC và 700oC. Quy trình xử lý tạo ra silica vô định hình, đạt mức độ tinh khiết cao, thành phần silica trong tro trấu trên 90%. Sau đó điều chế dung dịch silicat natri và axit citric từ đó tạo ra silica aerogel khí. (Theo Bee 2/12). 250 tỷ đồng chuyển giao công nghệ Đó là tổng giá trị các hợp đồng này được ký kết tại buổi khai mạc Hội thảo toàn quốc “Giám đốc các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN địa phương lần thứ IV”, diễn ra tại TP.HCM sáng ngày 1/12. Hội thảo do Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH-CN) phối hợp với Sở KH-CN TP.HCM tổ chức. Đây là dịp để các địa phương giới thiệu những thành quả, thuận lợi và khó khăn của mình để tìm hướng giải quyết, cũng như thúc đẩy ứng dụng chuyển giao KH-CN tại các địa phương. (Theo Đất Việt, 1/12). Kết luận về tiếng nổ lớn trong lòng đất ở Quảng Nam Ngay sau khi kết thúc đợt khảo sát thực địa tại huyên Bắc Trà My, đoàn khảo sát Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã có kết luận sơ bộ ban đầu. Theo đó, nguyên nhân gây nên hiện tượng rung chấn kèm theo tiếng nổ tại huyện Bắc Trà My, trong thời gian qua là động đất kích thích với cường độ từ 3,5 đến 4 độ richter. Đoàn khảo sát cũng cho rằng, mức động đất này tuy không ảnh hưởng đến công trình thủy điện nhưng có thể sẽ gây nguy hiểm cho người dân. Vì vậy phải xác định vùng có hoạt động động đất mạnh để xây dựng phương án di dời dân cho hợp lý. (Theo Bee 2/12). Trao Giải thưởng Honda Yes 2011 Ngày 30.11.2011, tại Hà Nội, Công ty Honda Việt Nam, Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN đã phối hợp tổ chức Lễ trao Giải thưởng Honda dành cho kỹ sư và nhà khoa học trẻ Việt Nam (Honda Yes Award) năm 2011. Dưới sự bảo trợ của Quỹ Honda Foundation, đây là năm thứ 6 Giải thưởng được thực hiện ở Việt Nam với 10 gương mặt được trao Giải thưởng năm nay đến từ 6 trường liên kết của Chương trình Ngoài giải thưởng gồm 3.000 USD và một xe máy Wave S, các kỹ sư và nhà khoa học trẻ này còn có cơ hội giành Phần thưởng Honda Yes Plus trị giá 10.000 USD nếu du học sau đại học tại Nhật Bản trong vòng 5 năm hoặc 7.000 USD trong trường hợp tham gia nghiên cứu tại các viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm của Nhật Bản. (Theo Tạp chí Hoạt động khoa học 2/12). Nano.1 đoạt chức vô địch cuộc thi xe chạy bằng năng lượng mặt trời Ngày 1-12, tại Sân vận động Quân khu 7, Sở KHCN, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng, Đài Truyền hình TP và Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh đã tổ chức vòng chung kết cuộc thi "Xe chạy bằng năng lượng mặt trời", với sự tham gia của 8 đội xuất sắc nhất trong số 42 đội dự vòng loại. Thái tử Đan Mạch Frederik André Henrik Christian (hàng đầu, bìa trái) trao giải nhất cho đội Nano.1 của ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - Ảnh: Đỗ Thu Thảo Sau 10 vòng đua có tổng chiều dài 4km, đội Nano.1 của nhóm sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã đoạt chức vô địch. Lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, cuộc thi nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng về năng lượng mặt trời trong các trường ĐH, CĐ, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và cộng đồng. (Hà nội mới 2/12). Việt Nam sắp được ngắm nguyệt thực toàn phần Người dân các quốc gia Đông Á, trong đó có Việt Nam, sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng nguyệt thực toàn phần vào ngày 10.12 tới. Theo tính toán, nguyệt thực sẽ kéo dài trong khoảng thời gian 51 phút, bắt đầu từ lúc 18h33 giờ. Đây sẽ lần thứ hai nguyệt thực toàn phần xuất hiện trong năm, đồng thời là hiện tượng thiên thực cuối cùng trong năm 2011. (Dân việt 2/12). 500 đề tài dự thi giải thưởng Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng Ngày 1-12, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã tổ chức trao giải thưởng Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng thành phố Hà Nội năm 2011. Cuộc thi do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Bộ KH-CN phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính, Đài Truyền hình Việt Nam, Quỹ VIFOTEC phát động trên toàn quốc. Sau 3 tháng phát động, Ban tổ chức cuộc thi của thành phố đã nhận được 500 đề tài dự thi trong đó 36 đề tài đã được tham gia xét giải cấp thành phố, 28 đề tài được gửi tham dự cuộc thi toàn quốc. Giải nhất cấp thành phố thuộc về đề tài Hành tinh xanh của Đoàn Sỹ Nam và Ngô Phương Linh, học sinh lớp 5B Trường Tiểu học Trung Hòa (Cầu Giấy). (Theo Hà nội mới 2/12). Ngọc Anh (Tổng hợp)
|