Bản in
Điểm tin khoa học và công nghệ trong tuần từ 12-18/11
Một số thông tin KH-CN đáng chú ý đăng trên các báo trong tuần từ 12-18/11

Hội nghị khoa học quốc tế về phát triển năng lượng bền vững

Ngày 14.11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị khoa học quốc tế về phát triển năng lượng bền vững lần thứ 2 do Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức.

Hội nghị lần này nhằm thúc đẩy sự trao đổi thông tin, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm trong nghiên cứu phát triển năng lượng bền vững giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, các quốc gia châu Âu và giới thiệu các công nghệ tiên tiến trong khai thác, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, đưa ra những khuyến nghị trong chiến lược phát triển năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, năng lượng xanh tại Việt Nam...(Theo Đại biểu nhân dân 14/11)

Sẽ có trung tâm nghiên cứu về các hợp chất thiên nhiên

Dự án hợp tác của Hội đồng Anh với Viện Hóa học vừa được ký kết nhằm giúp Việt Nam tiếp cận các kỹ thuật và công nghệ mới nhất xoay quanh lĩnh vực nghiên cứu các hợp chất thiên nhiên có nguồn gốc từ đa dạng sinh học Việt Nam để ứng dụng trong nông nghiệp và bào chế dược phẩm mới.

Theo đó, hai cơ quan này sẽ triển khai thành lập Trung tâm nghiên cứu cao cấp về các hợp chất thiên nhiên. Trung tâm cũng sẽ là cầu nối giúp liên kết với các trường đại học của Anh và các trường đại học Việt Nam trong các vấn đề đào tạo và nghiên cứu, không chỉ xoay quanh lĩnh vực các hợp chất thiên nhiên mà còn có các lĩnh vực khác như sinh hoá, hoá học, sinh học, sinh học phân tử,… (Theo Bee 15/11)

Dầu thực vật thay thế dầu diesel

Tổ máy phát điện công suất 5,5 KWh có gắn bộ chuyển đổi sử dụng trực tiếp dầu thực vật tại Nhà máy Thành Vinh (Bến Tre)

PGS-TS Nguyễn Thạch, TS Bùi Trung Thành và nhóm cộng sự ở Trường ĐH Công nghiệp TPHCM vừa thực hiện thành công một hướng nghiên cứu mới: Sử dụng trực tiếp dầu thực vật chỉ cần thông qua một bộ chuyển đổi cho động cơ diesel.

TS Bùi Trung Thành cho biết đề tài nghiên cứu này đã được đưa vào sử dụng thử nghiệm cho kết quả rất tốt tại Nhà máy Chế biến dừa Thành Vinh (Bến Tre). Nguồn nhiên liệu dầu dừa cung cấp cho tổ phát điện được lấy từ nguồn dầu dừa có sẵn của doanh nghiệp (được ép từ da của cùi dừa). Tổ phát điện có gắn bộ chuyển đổi sử dụng trực tiếp từ dầu dừa được lắp đặt đưa vào sử dụng phát điện cho phân xưởng cơ khí, đến nay đã vận hành đạt trên 400 giờ. Hiện thiết bị chuyển đổi hoạt động ổn định. (Theo Người lao động 16/11)

Sáng sớm 18.11 có mưa sao băng đẹp

Ông Nguyễn Đức Phường, Phó tổng thư ký Hội Thiên văn - Vũ trụ VN, cho biết bắt đầu từ đêm 17, kéo dài đến sáng 18.11, tại VN có thể quan sát mưa sao băng Sư Tử, một trong những trận mưa sao băng đẹp nhất trong năm.

Theo ông Phường, mưa sao băng Sư Tử sẽ đạt cực đại từ 2 giờ sáng và kéo dài đến trước khi mặt trời mọc, với số sao băng khoảng 40 vệt/giờ. “Nguồn gốc của mưa sao băng Sư Tử là hằng năm trái đất đi vào đám bụi vốn là tàn dư của sao chổi 55P/Tempel-Tuttle. (Theo Thanh niên 16/11)

Mô hình sản xuất nấm bào ngư từ phế liệu phi nấm

Tỉnh An Giang vừa triển khai đề tài “Xây dựng mô hình sản xuất nấm bào ngư và trồng rau mầm từ phế liệu phi nấm” tại 10 hộ thử nghiệm ở huyện Phú Tân và thành phố Long Xuyên. Mô hình nhằm tạo ra phong phú sản phẩm rau sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ người tiêu dùng và nâng cao thu nhập cho người dân tham gia trồng.

Đề tài nghiên cứu do kỹ sư Nguyễn Thanh Tùng - Hội Nông dân tỉnh An Giang thực hiện trong 7 tháng, từ tháng 11/2011 đến tháng 5/2012. Qua đó tập huấn trong cho 60 nông dân nắm vững về quy trình kỹ thuật trồng nấm bào ngư và trồng thử nghiệm rau mầm theo quy trình mới bằng phương pháp sử dụng mạt cưa để trồng nấm bào ngư, sau đó tận dụng phế liệu từ mạt cưa thải ra sau khi thu hoạch nấm để trồng rau mầm. (Theo vietnamplus 16/11)

Quy trình tách chiết hoạt chất sinh học từ sao biển

Hướng nghiên cứu này vừa được KS. Cù Nguyên Định và nhóm cộng sự tại Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga (chi nhánh phía nam) và Viện công nghệ sinh học (Viện KHCN Việt Nam) thực hiện thành công.

Nhóm nghiên cứu của KS. Cù Nguyên Định đã tìm ra được quy trình xử lý, chiết xuất, thu nhận bột nhiên liệu chứa các hoạt chất sinh học từ sao biển để chế tạo thực phẩm chức năng (sử dụng enzym papain, thực phẩm chức năng có dạng viên mang tên là Sanamine). (Theo Khoa học phô tthông 17/11)

Máy báo chấn động từ xa

Huỳnh Khải Dũng (sinh viên Trường đại học sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh) vừa chế tạo thành công máy này. Máy có chức năng báo động tại chỗ hoặc mở rộng cự ly báo động bằng việc điều khiển một chiếc điện thoại, gọi đến các số điện thoại cần trợ giúp. 

Huỳnh Khải Dũng và chiếc máy báo chấn động

Đáng chú ý của sáng chế này là tác giả đã tận dụng lại những chiếc điện thoại di động cũ, nguồn sim cũng được tận dụng từ những sim cũ, còn hạn sử dụng. Thông tin được truyền tải thông qua sóng vô tuyến ở cự ly gần 100 mét hoặc mở rộng ở cự ly lớn. bằng sóng. GMS của điện thoại di động Dũng cho biết, sắp tới đây sẽ sản xuất đại trà sản phẩm này để phục vụ cho cộng đồng. (Theo Khoa học phổ thông 17/11)

Việt Nam có lượng khí hydrat đứng thứ 5 châu Á

“Biển Việt Nam nằm trong khu vực biển Đông, được Sở Địa chất Hoa Kỳ (USGS) đánh giá đứng hàng thứ 5 ở châu Á về tiềm năng khí hydrat”. PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam cho biết tại Hội nghị về phát triển năng lượng bền vững do Viện Khoa học năng lượng (Viện KH-CN Việt Nam) tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Mặc dù Việt Nam chưa được trang bị đầy đủ thiết bị, công nghệ và còn thiếu nguồn nhân lực phục vụ nghiên cứu, điều tra cơ bản và thăm dò khí hydrat, nhưng cũng theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, dựa vào các kết quả điều tra, khảo sát những năm qua về địa chất, cấu trúc- kiến tạo, địa mạo, độ sâu đáy biển cũng như kết quả của công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí cho thấy, trên các vùng biển Việt Nam, hội tụ nhiều yếu tố khẳng định triển vọng về khí hydrat tại biển và thềm lục địa Việt Nam là rất lớn. (Theo Đất việt 18/11)


Ngọc Anh (Tổng hợp)