|
|||
Mít giống Ba Lập được cấp chứng nhận Thương hiệu Việt Ngày 22.10, Trung tâm Phát triển Thương hiệu Việt, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã cấp chứng nhận Thương hiệu Việt cho mít giống Ba Lập do ông Hồ Văn Lập địa chỉ tại ấp 4, xã Cẩm Sơn, Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang sản xuất. Đây là một giống mít mới cho năng suất cao, chất lượng ngon và đang được thị trường ưa chuộng. Giống mít Ba Lập trồng sau 18 tháng đã cho trái, cho năng suất bình quân 40 - 50 tấn/ha và cho trái quanh năm. Cùng với chứng nhận Thương hiệu Việt, ông Hồ Văn Lập còn nhận được chứng nhận sản phẩm hàng hóa độc quyền do Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp cho giống mít Ba Lập. (Theo Đại biểu nhân dân 23/10) Đua xe chạy bằng năng lượng mặt trời Ngày 24-10, trận khai mạc cuộc thi “Xe chạy bằng năng lượng mặt trời” năm 2011 đã diễn ra tại Khu công nghệ cao (Q.Thủ Đức, TP.HCM). Cuộc thi do Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM - Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM (ECC-HCMC) và Đài truyền hình TP.HCM tổ chức. Cuộc thi đã thu hút 42 đội tham gia và được chia làm 9 bảng thi đấu vòng loại theo hình thức vòng tròn bấm giờ tính điểm từ ngày 24-10 đến 1-11. Ban tổ chức sẽ chọn ra 2 đội cao điểm nhất vào vòng đấu bảng. (Theo Tuổi trẻ 24/10) Máy phun thuốc đeo vai cải tiến: Giúp nông dân tăng năng suất lao động Anh Đặng Thành Tình, cán bộ Trung tâm Phòng chống sốt rét tỉnh Gia Lai đã cải tiến máy phun thuốc đeo vai loại Power spray 978B hiệu YMAMOTO của Nhật Bản thành chiếc máy có tay kéo, dễ dàng, thuận tiện cho người sử dụng. Với những vật liệu đơn giản, Chi phí hết khoảng 235.000 đồng, anh Tình đã tạo ra chiếc máy phun có công năng sử dụng thuận tiện. Ưu điểm của chiếc máy này là có thể kéo dễ dàng trên mặt đất nên rất cơ động, dễ vận hành, giảm công sức cho người phun, tiết kiệm nhân công, áp suất luôn ổn định nên phun được lên cao, lượng nước phun ra đều, vừa tiết kiệm lượng thuốc, vừa giảm tiếng ồn và bảo vệ sức khỏe cho người sử dụng. (Theo Kinh tế nông thôn 24/10) Lấy nước ngọt giữa biển TS Nguyễn Hồng Bàng thuộc Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước miền Nam vừa thực hiện thành công việc dò tìm nước ngọt tại ven biển thị xã Bạc Liêu bằng phương pháp ảnh điện 2D.
Thăm dò nước ngọt từ biển (ảnh bee.net.vn) Các nhà khoa học gắn một điện cực thả ngập dưới đáy biển. Các điện cực này sẽ truyền tín hiệu vào bộ thu vào máy tính, cuối cùng được các phần mềm chuyên dùng phân tích. Dựa vào các thông số thu được sẽ biết được cấu tạo từng lớp địa chất dưới đáy biển. Nếu là khu vực có nước ngọt, điện trở sẽ lớn. Thông thường ở điện trở khoảng 15 ôm là có nước ngọt. (Theo Bee 24/10) Tìm cách sử dụng năng lượng tái tạo ở Việt Nam Các chuyên gia cùng nhiều người trẻ tụ họp để bàn về sử dụng năng lượng tái tạo nhằm đối phó nguy cơ cạn kiệt nhiên liệu hóa thạch. Ông Hoàng Đức Minh, giám đốc Chương trình nâng cao nhận thức về môi trường và biến đổi khí hậu (RAECP) cho biết, đây là cơ hội để các bạn trẻ nâng cao hiểu biết về các vấn đề năng lượng con người đang phải đối mặt, từ đó thúc đẩy hành động và đưa ra giải pháp để tiết kiệm năng lượng. (Theo vnexpress 25/10) Ra mắt thiết bị bật tắt đèn thông minh "made in Việt Nam"
Bộ 4 thiết bị đèn thông minh tiết kiệm điện của SmartHome (ảnh từ BKAV) Thiết bị bật tắt đèn thông minh đầu tiên “made in Việt Nam” với khả năng tiết kiệm được tối đa 80% điện năng vừa được Công ty Nhà thông minh (SmartHome) chế tạo thành công và ra mắt hôm qua (25/10). Sử dụng thiết bị, đèn sẽ tự động bật khi phát hiện người đi vào vùng cảm ứng và tự động tắt khi không có người, khắc phục tình trạng lãng phí điện năng do quên không tắt các thiết bị điện. (Theo Dân trí 26/10) Lần đầu tiên Việt Nam ghép tế bào gốc chữa bệnh nan y cho trẻ Sáng 26/10, Bệnh viện Nhi trung ương đã công bố thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc từ tủy xương chữa bệnh ly thượng bì bọng nước cho em bé Nguyễn Việt Anh, 4 tuổi, ở thôn Vân Giang, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Người cho tủy bé là chị gái 10 tuổi của em. Theo đánh giá của các chuyên gia da liễu, Bệnh viện Nhi, nếu như, trước khi ghép tế bào gốc diện tích thương tổn da của bé Việt Anh là 22% cơ thể thì đến nay chỉ còn khoảng 7,5% và đó đều là các thương tổn nhỏ, có thể tự liền. (Theo CAND 27/10) Dinh dưỡng cho cây trồng thủy canh PGS.TS Trịnh Lê Hùng, khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội vừa chế tạo thành công phân bón phức hợp cho những vườn cây cảnh hay vườn rau thủy canh. Sản phẩm này khác phân bón là ở chỗ không chỉ cung cấp các thành phần dinh dưỡng không có trong đất cho cây như đạm, phốt pho, lân, kali... mà còn có vai trò trung gian giúp cây trồng hấp thụ các nguyên tố vi lượng có trong đất mà cây không tự hấp thu được. Đây là loại phân bón đã được chuyển sang dạng phức hợp. (Theo Bee 27/10) Sao Mộc sẽ đạt độ sáng nhất vào ngày mai Tối mai, sao Mộc sẽ đạt độ sáng cực đại trong năm nay. Đây là dịp để người yêu thiên văn nhìn rõ hành tinh lớn nhất của hệ mặt trời. Vào thời điểm đó, sao Mộc ở vị trí đối diện với mặt trời qua trái đất nên ánh sáng quan sát được là tốt nhất. Đặng Vũ Tuấn Sơn, chủ nhiệm câu lạc bộ thiên văn học trẻ Việt Nam cho biết, người yêu thích thiên văn có thể quan sát hành tinh từ lúc mặt trời lặn vào chiều mai (khoảng 6h) cho tới lúc mặt trời lặn, vì sao Mộc sẽ mọc lên vào lúc hoàng hôn và có mặt liên tục cho tới hết đêm. (Theo vnexpress 27/10) Triển lãm sản phẩm thành tựu công nghệ Sáng 26-10, Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) phối hợp với Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM tổ chức hội chợ triển lãm sản phẩm - máy móc thiết bị và công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống (diễn ra đến ngày 28-10) tại TP.HCM. Tham gia triển lãm có gần 20 khoa, trung tâm và phòng thí nghiệm trọng điểm của trường và 40 đơn vị nghiên cứu bên ngoài với trên 100 gian hàng. Song song với hoạt động này là Hội nghị khoa học công nghệ lần 12 với 870 bài báo cáo của các nhà khoa học trong nước và các nước Đông Nam Á, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... (Theo Tuổi trẻ 27/10) Ngọc Anh (Tổng hơp)
|