Bản in
Nghiên cứu cơ khí: Khẳng định sức mạnh tiềm năng
Sau 26 tháng thi công và lắp đặt, giàn khoan tự nâng 90m nước đầu tiên tại Việt Nam đã được hạ thủy thành công.

Đây là kết quả của dự án “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và công nghệ chế tạo, lắp ráp, hạ thủy Giàn khoan tự nâng 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam” do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) xét duyệt,  được xem là công trình KH&CN có vốn đầu tư lớn nhất trong lịch sử KH&CN Việt Nam.

Ông Đào Đỗ Khiêm PGĐ Dự án đã chia sẻ những vấn đề xung quanh việc chế tạo, lắp đặt cũng như hạ thủy công trình này.
 
- Vừa qua giàn khoan tự nâng 90m nước lần đầu tiên của Việt Nam đã được hạ thủy, đó là thành công lớn của cả Tập Đoàn Dầu khí QG Việt Nam nói riêng và Ngành Dầu khí Việt Nam nói chung.  Là người giữ vai trò PGĐ Dự án, trực tiếp chỉ huy quá trình hạ thủy, ông có thể kể đôi nét về công trình đồ sộ này, đặc biệt là khâu hạ thủy thưa ông? 
 
Ông Đào Đỗ Khiêm: Giàn khoan tự nâng 90m nước là kết quả của Dự án Khoa học Công nghệ “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và công nghệ chế tạo, lắp ráp, hạ thủy Giàn khoan tự nâng 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam” do Bộ KH&CN xét duyệt, Tập Đoàn Dầu khí QG Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư, Công ty Cổ phần Chế tạo Giàn khoan Dầu khí và Viện nghiên cứu cơ khí chủ trì thực hiện, bao gồm 11 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước nghiên cứu và thực hiện.
 
Với tổng kinh phí hơn 112 tỷ đồng hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, đây là dự án khoa học công nghệ lớn nhất từ trước tới nay mà Bộ KH&CN đã từng hỗ trợ cho các đơn vị trong nước. Dự án KH&CN này có ý nghĩa rất quan trọng nhằm mục tiêu phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ Dầu khí của Việt Nam, góp phần từng bước làm chủ thiết kế, công nghệ chế tạo, lắp ráp, hạ thuỷ giàn khoan dầu khí.
 
Hạ thuỷ giàn khoan tự nâng có thể nói là điểm mốc hội tụ tất cả những nỗ lực, cố gắng để hoàn thiện các công việc bắt buộc trước đó như chạy thử máy phát, chạy thử hệ thống điện, hòa điện đồng bộ giàn khoan, chạy thử hệ thống nâng hạ, chạy thử hệ thống nước giằn giàn khoan vv..., và sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa các bộ phận kĩ thuật của
Trong suốt quá trình hạ thủy, chúng tôi đã phải áp dụng rất nhiều biện pháp công nghệ tiên tiến trong nước cũng như trên thế giới. Từ công đoạn hạ giàn khoan xuống đường trượt rồi kéo giàn khoan xuống xà lan cũng như đánh chìm xà lan.
 
Ngoài việc phải có hệ thống kích kéo chuyên dùng thì trong quá trình kéo giàn lên xà lan, việc kéo và việc bơm dằn tải phải luôn được thực hiện đồng bộ và kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo đường trượt trên bãi chế tạo và đường trượt trên xà lan luôn nằm trên một mặt phẳng trước sự thay đổi của thuỷ triều và khối lượng của xà lan luôn luôn biến động (gồm khối lượng của bản thân xà lan, khối lượng nước bơm dằn và một phần khối lượng của giàn) trong quá trình giàn di chuyển từ cầu cảng lên xà lan. Mặt khác thông thường việc đánh chìm các dự án tương tự sẽ phải dùng loại Xà lan bán chìm chuyên dụng, tuy nhiên để giảm chi phí chúng tôi đã lựa chọn loại Xà lan thông dụng và việc sử dụng Xà lan này yêu cầu chúng tôi phải kiểm soát thời gian và vị trí đánh chìm theo con nước thủy triều. Cuối cùng giàn khoan tự nâng 90m nước đã được hạ thủy an toàn.
 
- Trong quá trình hạ thủy giàn khoan với trọng lượng lớn như vậy ông có gặp những khó khăn gì không thưa ông? Ông đã giải quyết những khó khăn đó như thế nào?
 
Ông Đào Đỗ Khiêm: Do khối lượng giàn khoan tự nâng rất lớn (khoảng 9020 tấn lúc hạ thuỷ) đã có sự lún nhất định gây gia tăng lực ma sát nghỉ giữa 2 mặt của đường trượt nên thực tế lực kéo ban đầu để di chuyển giàn đã vượt xa khỏi những tính toán và dự kiến. Chúng tôi đã chủ động sử dụng thêm rất nhiều những biện pháp khoa học tiên tiến như kích đẩy phụ lắp đặt dọc theo 2 đường trượt, sau rất nhiều nỗ lực tổng cộng lực kéo đã tăng lên gần gấp 2 lần so với dự kiến ban đầu để tạo cú hích di chuyển giàn – Sau cú hích đầu tiên vô cùng quan trọng đó, giàn đã tiếp tục được kéo di chuyển bình thường như tính toán ban đầu.
 
 Giàn khoan tự nâng 90m nước, một "biểu tượng" của cơ khí Việt Nam (ảnh: P.H)
 
Trong quá trình đánh chìm hướng, tốc độ dòng chảy lớn biến thiên liên tục nên việc giữ xà lan tại đúng vị trí đã khảo sát là việc làm vô cùng khó khăn, ngoài ra để đảm bảo đúng yêu cầu mực nước tại thời điểm đánh chìm phải đạt 15-17m để xà lan có thể chạm đáy biển theo tính toán thì việc căn ke, kiểm soát mực nước thủy triều lên phải được cập nhật liên tục, việc chậm trễ hay phối hợp không đồng bộ giữa các bộ phận sẽ dẫn đến giàn bị trôi khỏi vị trí đã định, qua thời gian thuỷ triều (không đảm bảo độ sâu đánh chìm an toàn – xà lan phải chạm đáy biển) sẽ phải làm lại toàn bộ vào ngày hôm sau.
 
Công tác quản lý dự án, nhất là một dự án hoàn toàn mới và có khối lượng công việc khổng lồ như thế này là vô cùng quan trọng, chúng tôi đã sử dụng phương pháp quản lý khoa học theo mô hình ma trận có như vậy mới tập hợp được toàn  bộ sức mạnh của ở mọi bộ phận một cách triệt để, đây cũng là phương pháp quản lý mà nhiều nước trên thế giới  đã sử dụng.
 
- Công trình giàn khoan tự nâng 90m nước có ý nghĩa thế nào đối với PVN nói chung và  riêng ông, thưa ông?
 
Ông Đào Đỗ Khiêm: Chúng tôi rất tự hào vì được lãnh đạo công ty tin tưởng giao phụ trách dự án này vì đây là dự án có giá trị đầu tư lớn, có rất nhiều các hệ thống hiện đại và phức tạp, lần đầu tiên được chế tạo tại Việt Nam và cũng là dự án đầu tiên của công ty; Việc thành công hay thất bại của dự án sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nghành công nghiệp chế tạo các loại giàn khoan di động của Việt nam cũng gây áp lực rất lớn trong suốt quá trình thực hiện dự án. Đến giờ phút này có thể nói việc hạ thủy giàn khoan đã thành công tốt đẹp.
 
Dự kiến đến tháng 5/2012 giàn khoan sẽ được bàn giao và đưa vào sử dụng. Đây có thể coi là dấu mốc quan trọng khẳng định năng lực thi công cơ khí chính xác của những người thợ Việt Nam và đặc biệt, chứng minh được khả năng tiềm tàng của đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và công nhân lành nghề trong nước đã từng bước tiếp cận và làm chủ những công nghệ hiện đại, phức tạp nhất trên thế giới. Với việc thành công của dự án này giúp chúng tôi tự tin hơn trong việc nghiên cứu, triển khai đóng mới loại giàn khoan di dộng nửa nổi nửa chìm phức tạp và hiện đại nhất hiện nay (trong tất cả các loại giàn khoan di động) và đây cũng  là tiền đề để tiến hành chế tạo, lắp ráp giàn khoan thứ 2 trong thời gian tới.
 
Hoàng Anh (Thực hiện)