|
|||
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh, bên cạnh những thành tích, lợi thế có được, ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; kinh tế phát triển chưa bền vững, nhiều vấn đề như sâu, bệnh đối với cây trồng, vật nuôi; cạn kiệt nguồn nước; ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng; biến đổi khí hậu; xâm nhập mặn; khai thác thủy điện sông Mê kông;… Hoạt động KH&CN của vùng ĐBSCL đã được Đảng, Chính phủ, các Bộ ngành và địa phương quan tâm, tuy nhiên, sự liên kết hoạt động KH&CN trong vùng chưa thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển KTXH của vùng.
Thứ trưởng nhấn mạnh, vấn đề cần đặt ra với ĐBSCL là làm thế nào để đưa được các kết quả nghiên cứu KH&CN vào ứng dụng sản xuất và đời sống để tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước phục vụ cho phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của từng địa phương nói riêng và cả vùng nói chung.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thành Tươi cho rằng ĐBSCL là vùng đất giàu tài nguyên, những sản phẩm chủ lực từ nông nghiệp đã tạo nên những thương hiệu của Việt Nam trên thương trường. Tuy nhiên, việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất vẫn còn hạn chế, từ đó năng suất chưa cao, chất lượng chưa đáp ứng các chuẩn mực thế giới, tổn thất trong thu hoạch, bảo quản, chế biến sản phẩm còn lớn, sự liên kết vùng chưa mang lại hiệu quả cao,.. Chính vì thế, hội thảo này là dịp để các nhà nghiên cứu, nhà quản lý xác định được mấu chốt của vấn đề nhằm tạo thế và lực để ĐBSCL cất cánh. Hội thảo cũng là một trong những hoạt động của diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL – Cà Mau 2011 với chủ đề ĐBSCL - liên kết phát triển bền vững (MDEC 2011).
Toàn cảnh Hội thảo KH&CN với sự phát triển bền vững vùng ĐBSCL
Cũng trong khuôn khổ buổi hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận và phát biểu ý kiến tham luận xoay quanh việc nhằm đánh giá thực trạng về kết quả nghiên cứu KH&CN trong thời gian qua cũng như bàn về cơ chế chính sách liên kết nghiên cứu phát triển và ứng dụng KH&CN vùng để xây dựng các chương trình, nhiệm vụ KH&CN trọng điểm trong thời gian tới. Qua đó, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của vùng theo hướng bảo vệ môi trường sinh thái phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trên cơ sở đó, hội thảo đã được nghe 11 tham luận của các nhà khoa học với những chủ đề như: Liên kết vùng và tham gia “4 nhà” trong hoạt động KH&CN để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL”; Liên kết hoạt động KH&CN đối với yêu cầu phát triển cây lúa ĐBSCL; Bàn về giải pháp khoa học để đảm bảo phát triển bền vững trong sống chung với lũ ở vùng ĐBSCL; Một số đánh giá và đề xuất nhiệm vụ trọng tâm phát triển ngành cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch đến năm 2020 cho vùng ĐBSCL...
Diệu Huyền
|