Bản in
Thiếu trang thiết bị phân tích chất lượng nông sản
Sở hữu nhiều sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh nhưng chất lượng hàng hóa nông nghiệp Việt Nam còn chưa cao, chưa nhiều sản phẩm đủ sức cạnh tranh với mặt hàng nông sản trong khu vực và trên thế giới do chưa áp dụng tốt khoa học kỹ thuật.

Đây chính là một trong những nhận định của các đại biểu tham dự hội thảo “Thực trạng, thách thức và giải pháp trong đào tạo nghề cho nông dân ở Việt Nam” diễn ra chiều ngày 25/9 tại Hà Nội.

Sở dĩ có tình trạng này là do hệ thống văn bản pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ công tác quản lý chất lượng trong nông, lâm, thủy sản ở Việt Nam chưa đồng bộ, ông Phạm Hùng, đại diện Bộ NN&PTNTcho biết.

Đặc biệt việc đầu tư trang thiết bị khoa học kỹ thuật phục vụ công tác phân tích, thử nghiệm, đánh giá chất tồn dư độc hại trong sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi còn thiếu và yếu. Hệ thống thu, xử lý thông tin về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông sản chưa được xây dựng và đầu tư công nghệ đầy đủ, chủ yếu chỉ dựa vào chế độ báo cáo hàng tháng. Sự lạc hâu này dẫn đến những sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam bị hạn chế rất nhiều khi muốn vươn ra thị trường thế giới, các đại biểu tham dự hội thảo nhấn mạnh.

Để cải thiện thực trạng này  TS Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục dạy nghề cho rằng, cần tăng cường công tác đào tạo nghề cho nông dân, dạy nghề phát triển theo hướng chuyển từ đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sỏ dạy nghề sang dạy nghề theo nhu cầu của thị trường lao động. Bên cạnh đó, chú ý đặc biệt đến việc áp dụng những tiêu chuẩn kỹ thuật cao, những ngành nghề cao nghệ, kỹ thuật cao đạt trình độ tiên tiến trong khu vực tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm nông  nghiệp của Việt Nam.

Đại diện các Vụ, Viện của Bộ NN&PTNT và nhiều đại biểu cũng cho rằng, muốn nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân cũng như hàng nông nghiệp ở Việt Nam thì cần đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới vào lĩnh vực quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản; tập trung đầu tư nghiên cứu trong nông nghiệp; xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề tài, dự án với các nước có nền nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Tin, ảnh: Hoàng Anh