Bản in
Điểm tin khoa học và công nghệ trong tuần từ 3-9/9.
Một số thông tin KH-CN đáng chú ý đăng trên các báo trong tuần từ 3-9/9.

Trồng 750 gốc rau chỉ mất 5m2

Sản xuất bộ dụng cụ để trồng rau sạch và cây cảnh tại nhà là dự án mới nhất của TS Nguyễn Văn Quy, giảng viên khoa Nông học, Đại học Nông lâm Huế.

Với bộ dụng cụ này, người dân có thể trồng tới 750 gốc rau chỉ trên một diện tích cực nhỏ là 5m2. Bộ dụng cụ được làm bằng chất liệu vải bạt có chiều cao 1m, chiều ngang 1,5m, 2 mặt bên có những túi nhỏ. Điều đặc biệt, mọi quy trình chăm bón sẽ được làm một cách tự động nhờ một máy bơm nhỏ và một đồng hồ thiết lập thời. (Theo Bee 3/9).

Dùng năng lượng tập thể dục lọc nước hồ

Chuyển hoá nguồn năng lượng khi người dân tập thể dục quanh hồ để vận hành hệ thống lọc nước hồ – đó là ý tưởng của Nguyễn Thị Ngọc Anh (viện Nước, tưới tiêu môi trường thuộc viện Khoa học thuỷ lợi Việt Nam).

Với tên gọi Green Health – Sức khoẻ xanh, dự án vừa lọt vào vòng chung kết gồm sáu ý tưởng xuất sắc nhất cuộc thi sáng tạo ý tưởng cho môi trường do hội đồng Anh tổ chức. Tác giả dự án cho biết, bãi lọc dòng chảy đứng, lọc cát kết hợp sử dụng chuối hoa – loại thực vật có khả năng hấp thu mạnh các chất ô nhiễm trong nước hồ. (Theo SGTT 5/9).

Động đất cách Hạ Long 90 km

Lúc 15 giờ 18 phút ngày 5.9, một trận động đất có cường độ 3,3 độ Richter xảy ra tại vị trí có tọa độ 20,67 độ vĩ bắc; 107,87 độ kinh đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 12 km.

Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cho biết, động đất xảy ra trên biển Đông cách TP Hạ Long (Quảng Ninh) khoảng 90 km.

Theo đánh giá, đây là trận động yếu nên không có khả năng gây ra thiệt hại cho con người cũng như các công trình xây dựng. (Theo Thanh niên 5/9).

Ý tưởng đến từ vụ va quệt

Từ một vụ va quệt của người bạn trong lớp khi đi xe đạp qua đường đã khiến bốn bạn trẻ học sinh lớp 9 trường THCS Đặng Trần Côn, Q.Tân Phú, TP.HCM nảy ra sáng kiến chế tạo bộ đèn báo hiệu trên xe đạp giúp người đi xe được an toàn hơn.

Ý tưởng  này đã đem lại cho nhóm bạn trẻ giải khuyến khích trong cuộc thi sáng tạo tiết kiệm năng lượng do Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ Thành Đoàn TP.HCM tổ chức.

Mô hình này sử dụng pin năng lượng mặt trời để hấp thu ánh sáng, cung cấp điện năng cho bộ đèn báo hiệu lắp trên xe đạp. (Theo Thanh niên 6/9).

Quảng Bình: Phát hiện loài thú tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm

Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) và một nhóm các nhà khoa học Việt Nam vừa phát hiện tại tỉnh Quảng Bình một loài thú rừng từng bị cho là tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm . Đó là loài chuột đá, có tên khoa học là Laonastes aenigmamus, được phát hiện ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa. Người dân địa phương bẫy loại thú này để ăn thịt.

Như vậy loài chuột đá này đã góp phần khẳng định tính đa dạng sinh học cao của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) và tái khẳng định sự độc đáo về hệ sinh thái của dãy Trường Sơn. (Theo Dân trí 7/9).

Tận dụng của trời cho

Kỹ sư Trịnh Quang Dũng (Viện Vật lý TPHCM thuộc Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam) và nhóm nghiên cứu vừa hoàn tất mô hình hệ thống điện mặt trời, kết nối với điện lưới, sử dụng cho hộ gia đình

Hệ thống này có dàn pin mặt trời đạt công suất 8.400 Wp, cung cấp khoảng hơn 15.000 KWh/năm. Bảo đảm  cấp điện 24/24 giờ; cung cấp đủ 100% nhu cầu điện khi bị cúp điện. (Theo Người lao động 7/9).

Máy đào củ lạc

PGS.TS Phan Hòa và nhóm cộng sự ở trường Đại học Nông Lâm Huế đã nghiên cứu thiết kế, chế tạo thành công máy đào đậu phộng (lạc) MĐL-1,2 có năng suất đạt khoảng 0,32ha/giờ, cao hơn 10 lần so với nhổ bằng tay.

Cây đậu phộng sau khi đào lên, cơ bản giũ sạch đất và rải đều trên đồng, độ sạch sản phẩm đạt từ 91 - 98%, tỷ lệ đào sót chỉ từ 2,7 - 3,1%. Hiện máy đào đậu phộng MĐL-1,2 đã ứng dụng ở xã Hương Văn, huyện Hương Trà (Thừa Thiên - Huế) cho thấy, máy làm việc tốt.  (Theo Bee 7/9).

Phát hiện loài dơi mũi ống mới tại Việt Nam

Dựa trên một loạt mẫu vật thu được tại Campuchia và Việt Nam, nhóm các nhà nghiên cứu Việt Nam, Campuchia và Anh đã phát hiện 3 loài dơi mũi ống mới thuộc giống Murina, trong đó có một loài ở Việt Nam.

Loài dơi mũi ống tìm thấy ở Việt Nam được cho là “nhỏ bé nhưng rất tinh quái và có màu sắc sậm trên cơ thể”, được đặt tên khoa học là Murina beelzebub. (Theo Người lao động 7/9).

Điện gió: Có gây nhiễu sóng?

Điện gió được đánh giá là nguồn năng lượng xanh. Tuy nhiên, theo một số cảnh báo, các loại động cơ biến gió thành điện có thể gây nhiễu đến sóng phát thanh, truyền hình, viễn thông và cả sóng radar.

Ông Nguyễn Sỹ Thuyết, Phó giám đốc trung tâm kỹ thuật, Cục tần số vô tuyến điện giải thích thêm: về lý thuyết, khi các tuốc bin này hoạt động sẽ phát ra điện trường, từ trường… và tạo ra các phát xạ gây nhiễu.

Nếu thiết bị được lắp đặt tuân thủ đúng tiêu chuẩn EMC (tương thích điện từ) thì nhiễu này sẽ nằm trong tiêu chuẩn an toàn. (Theo Đất việt 8/9).

 

Ngọc Anh (Tổng hợp)