Bản in
Đổi mới, sáng tạo là chìa khóa thành công
Nhằm giúp những ý tưởng đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam trở thành hiện thực và tăng cường Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam, Chính phủ hai nước Việt Nam và Phần Lan cùng tài trợ thành lập dự án mang tên Chương trình đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP) từ đầu năm 2010. GIÁM ĐỐC (GĐ) CHƯƠNG TRÌNH IPP TRẦN QUỐC THẮNG đã trao đổi về những kết quả đã đạt được cũng như những hạn chế cần khắc phục sau 1 năm rưỡi thực hiện chương trình này.

- Trong quá trình tiếp xúc với các doanh nghiệp Việt Nam, ông có thể cho biết một vài nhận xét về thực trạng đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp?

GĐ Trần QuốcThắng: Nhìn chung doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam ngại đổi mới sáng tạo trong các ý tưởng và kế hoạch sản xuất kinh doanh. Đa phần các doanh nghiệp sao chép các mô hình sản xuất kinh doanh, cách thức quản lý của các doanh nghiệp đi trước, với trình độ công nghệ chưa cao. Minh chứng cho điều này là trong hơn 100 doanh nghiệp tiếp cận dự án IPP, chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp có dự án thực sự đổi mới sáng tạo đáp ứng tiêu chí của IPP. Đây là con số khiêm tốn. Đa phần các doanh nghiệp mà chúng tôi tiếp xúc đều có ý chí và quyết tâm rất cao. Tuy nhiên, nguồn lực cũng như kế hoạch thực hiện đổi mới sáng tạo lại chưa thật sự chuyên nghiệp.

- Vậy ông có gợi ý nào để các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận với sự hỗ trợ từ IPP?

GĐ Trần QuốcThắng: Trước hết, doanh nghiệp cần có ý tưởng sản xuất kinh doanh đổi mới sáng tạo thực sự, trong bất kể lĩnh vực nào của đời sống xã hội. Trong đó, chúng tôi ưu tiên các dự án về CNTT, công nghệ sạch, công nghệ sinh học... Các doanh nghiệp có thể liên hệ với văn phòng của Chương trình đổi mới sáng tạo (27 Hàng Bài, Hà Nội), vào trang website của IPP tại địa chỉ ipp.gov.vn và diễn đàn mở giữa IPP và các doanh nghiệp tại địa chỉ oif.gov.vn. Các chuyên gia của IPP sẽ cùng hoạch định dự án, xin tài trợ, xây dựng chiến lược biến ý tưởng đổi mới sáng tạo thành hiện thực. Thứ nữa, là cần nâng cao năng lực quản lý, tiếp cận các mô hình quản lý kinh doanh hiện đại phù hợp, tạo mối liên kết đối thoại hợp tác với các viện chuyên môn, các trung tâm nghiên cứu khoa học tại các trường đại học… Đổi mới và sáng tạo chính là chìa khóa thành công của các doanh nghiệp trong thời đại ngày nay.

- Thưa ông, vậy khi hợp tác với IPP, các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi như thế nào?

GĐ Trần QuốcThắng: Trước hết, các doanh nghiệp có ý tưởng đổi mới sáng tạo về sản phẩm, dịch vụ khi hợp tác với IPP sẽ được hỗ trợ tài chính. IPP sẽ xem xét mức hỗ trợ không hoàn lại cho các doanh nghiệp cao nhất là 75% chi phí cho quá trình đổi mới sáng tạo. Thứ hai là tư vấn chuyên môn. Các chuyên gia của IPP sẽ hỗ trợ tư vấn chuyên môn để giải quyết các vấn đề đổi mới sáng tạo, tư vấn về kế hoạch, mô hình kinh doanh, giới thiệu các chuyên gia có hiểu biết cho doanh nghiệp. Ngoài ra, IPP cũng sẽ tổ chức các khóa đào tạo về đổi mới sáng tạo cho thành viên doanh nghiệp. Thứ ba là xúc tiến các mối quan hệ đối tác kinh doanh. IPP sẽ xác định và tìm kiếm các đối tác thích hợp cho dự án. Đặc biệt là chúng tôi sẽ hỗ trợ doanh nghiệp liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp Phần Lan trên cơ sở phù hợp.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng lưu ý rằng, IPP không phải là ngân hàng cấp vốn. Tài chính của chúng tôi có hạn và chỉ đầu tư cho chương trình đổi mới sáng tạo. Rất nhiều các doanh nghiệp khi liên hệ với IPP chỉ yêu cầu được cấp vốn, trong khi bỏ qua các sự hỗ trợ khác; thêm vào đó, không có một đề án rõ ràng, khả thi.

- Liệu các doanh nghiệp khi phải cung cấp cho IPP đề án kinh doanh chi tiết có làm lộ các chiến lược kinh doanh của họ không thưa ông?

GĐ Trần QuốcThắng: Mọi thông tin về doanh nghiệp đều được chúng tôi giữ bí mật.

- Ông  có thể cho biết làm thế nào để các doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn hỗ trợ cho mục đích đổi mới sáng tạo đúng cách?

GĐ Trần QuốcThắng: Chúng tôi đã bỏ ra 1 năm để xây dựng các quy định và tiêu chí để các doanh nghiệp có thể tiếp cận sự hỗ trợ của IPP, trong đó có sự hỗ trợ về tài chính. Sau khi dự án đã được các chuyên gia của IPP thẩm định đánh giá mức độ khả thi và ký kết hợp đồng, chúng tôi sẽ xuất vốn từng phần như trong bản dự án chi tiết. Trong quá trình triển khai sự án, các chuyên gia của IPP sẽ theo dõi và làm việc với doanh nghiệp, trao đổi thông tin để bảo đảm nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, đúng cách và hiệu quả. Các quy định, cam kết cũng như tiêu chí mà IPP đã xây dựng cho phép chúng tôi có thể quản lý được nguồn vốn của chương trình.

- Vậy khi doanh nghiệp kinh doanh thất bại, IPP có thu hồi  được vốn?

GĐ Trần QuốcThắng: Vốn cấp cho doanh nghiệp là vốn không hoàn lại. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp dùng vốn sai mục đích, hoặc có biểu hiện lợi dụng vốn của IPP để kinh doanh mục đích khác không liên quan đến chương trình đổi mới sáng tạo, chúng tôi sẽ chấm dứt hợp đồng hợp tác.
Nếu doanh nghiệp kinh doanh gặp rủi ro. Sau đó tiếp tục có đề án khác mà thỏa mãn các tiêu chí của chương trình đổi mới sáng tạo của IPP, chúng tôi vẫn sẽ xem xét hỗ trợ bình thường.

- Trong 1 năm rưỡi triển khai dự án, IPP đã đạt được những kết quả gì và giai đoạn 2 của dự án có gì đổi mới không, thưa ông?

GĐ Trần QuốcThắng: Dự án IPP chính thức được triển khai từ đầu năm 2010, cho đến nay, chúng tôi đã thực hiện được cả 4 cấu phấn đã đề ra trong giai đoạn 1 của dự án. IPP đã tập trung đổi mới cơ chế quản lý, hạ tầng pháp lý đổi mới sáng tạo khoa học kỹ thuật, nâng cao năng lực, khả năng quản lý khoa học công nghệ và nghiên cứu phát triển cho những cá nhân hoạt động trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo từ trung ương đến địa phương. Tăng cường kết nối các doanh nghiệp Việt Nam và Phần Lan.

Từ đầu năm 2011, IPP đã đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó, cũng đã có nhiều đề án mang tính đổi mới sáng tạo cao và có giá trị với cộng đồng xã hội như Dự án sản xuất đèn led chuyên dụng có thời gian chiếu sáng dài cho ngư dân đánh bắt trên biển của 1 doanh nghiệp ở Đà Nẵng, dự án sử dụng các phế phẩm còn lại của cá tra và cá basa của một doanh nghiệp phía Nam hay một doanh nghiệp đưa ra dự án xây dựng các tour du lịch trọn gói dành cho người khuyết tật… Trong hơn 100 dự án gửi đến, chúng tôi đã sàng lọc và tiếp xúc trao đổi, ký kết hợp đồng với khoảng 10 doanh nghiệp.

Giai đoạn 1 của dự án IPP kéo dài đến tháng 8.2012, với ngân sách dự án là 5,6 triệu euro, dự kiến hỗ trợ khoảng 150 doanh nghiệp. Đây chỉ là giai đoạn chuẩn bị và thử nghiệm cho giai đoạn 2 sẽ tăng tốc và hỗ trợ mạnh mẽ các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình đổi mới và sáng tạo.

- Xin cám ơn ông!