Bản in
Điểm tin khoa học và công nghệ trong tuần từ 23-29/7
Dưới đây là một số thông tin khoa học và công nghệ đáng chú ý đăng trên các báo trong tuần từ 23-29/7.

Trao giải cuộc thi Thiết kế vi mạch 2011

Vòng chung kết cuộc thi Thiết kế vi mạch analog toàn quốc (AICD) 2011 do ĐHQG TPHCM tổ chức vừa diễn ra tại Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và thiết kế vi mạch thuộc ĐHQG TP.HCM.

Các đội dự thi phải trình bày bản thiết kế vi mạch, kết quả thiết kế cũng như ý tưởng mới trước ban giám khảo. Kết quả đội VLST đoạt giải nhất, hai vị trí tiếp theo thuộc về đội NAVIS và đội VαT. AICD là cuộc thi thường niên nhằm tìm kiếm các tài năng trẻ phục vụ ngành thiết kế vi mạch Việt Nam. (Theo Tuổi trẻ 23/7)

Một nông dân chế tạo thành công máy thái hành tỏi ớt

Sau hơn 3 năm mày mò nghiên cứu anh nông dân Nguyễn Viết Hải, 34 tuổi, ngụ ở thôn Phú Thành, xã Phú Riềng, huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) đã chế tạo thành công chiếc máy thái hành tỏi ớt.

Chiếc máy được thiết kế có chiều cao 24cm, chiều ngang 19cm, chiều dài 26cm và trọng lượng gần 5kg. Máy giúp cho con người tiết kiệm được thời gian (5 phút thái được 1kg hành tỏi ớt), đảm bảo vệ sinh, không bị đứt tay, cay mắt...(Theo CAND 25/7)

Khởi động Chương trình đào tạo nhân lực về điện hạt nhân tại VN 

Ngày 25/7, Công ty TNHH Năng lượng Hạt nhân Hitachi-GE khởi động chương trình đào tạo nhân lực quốc tế liên kết với Học viện Công nghệ Tokyo (TITECH) trong lĩnh vực điện hạt nhân, năng lượng và môi trường, tập trung cho các nước Đông Nam Á.

Trong khuôn khổ của chương trình, Hitachi-GE và TITECH đã thiết kế một khóa học với các giảng viên Nhật Bản được cử sang giảng dạy trực tiếp tại Đại học Điện lực Việt Nam. (Theo Hà nội mới 25/7)

Nhiều loài chim trong Sách Đỏ tụ về Bạc Liêu

Ông Nguyễn Trung Chánh, giám đốc Ban quản lý vườn chim Bạc Liêu cho biết, những loài tìm đến đây phần lớn là chim điên điển, chim giang sen, cò lạo Ấn Độ, cò đuôi cụt, bụng đỏ, cò sả hung, đặc biệt là loài chim bồ nông chân xám và diệc Xumatra.

Theo các chuyên gia cho biết, gần đây số lượng, chủng loại chim, cò quý hiếm về trú ngụ, sinh sản ngày một nhiều là ngoài nhờ hệ sinh thái, môi trường ở đây được cải thiện còn có vai trò hệ thực vật đặc trưng. (Theo TTXVN 26/7)

Xử lý 3 tạ rác, chỉ cần... 1 lạng giun

Ảnh minh họa

Các nhà khoa học thuộc Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật dùng giun đất để giúp xử lý rác thải hữu cơ. “Ý tưởng xuất phát từ việc nhận thấy trong rác thải gia đình, rác thải chợ chiếm 70% là rác hữu cơ có thể tái sử dụng. Chỉ cần từ 1 đến 2 lạng giun là có thể xử lý được không dưới 300 kilogam rác thải hữu cơ, với hiệu suất xử lý đạt 100%” TS Huỳnh Thị Kim Hối (Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật – Viện Khoa học-Công nghệ Việt Nam), chủ nhiệm đề tài cho biết.

Các loại rác hữu cơ như lá cây, rơm rạ, cọng rau, vỏ chuối, vỏ dứa.. được lựa chọn và phân loại riêng, rồi đem ủ. Khi rác thải có dấu hiệu hoại mục thì thả giun vào. Rác thải hữu cơ đã nhanh chóng trở thành thức ăn nuôi giun. (Theo Đất việt 27/7)

Ninh Thuận: Thả rùa xanh trên 80kg về biển

Ban Quản lý vườn quốc gia Núi Chúa phối hợp với Đồn biên phòng 404 thả con rùa xanh mai dài 0,83m, rộng 0,78m, nặng trên 80kg, thuộc loài “rùa xanh” về lại biển. Nơi thả “rùa xanh” thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của vườn có môi trường biển tự nhiên tốt để bảo tồn loài động vật quý.

Rùa Xanh (Chelonia Mydas) là loài rùa quý, có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Con rùa này đã bị mắc lưới ngư dân tại Ninh Thuận, trên mai bên phải của rùa mất một mảnh do bị chấn thương. (Theo vietnamnet 27/7)

Việt Nam tạo được giống hàu quý

Bằng nỗ lực nghiên cứu, thạc sĩ Cao Trường Giang và các cộng sự ở Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I đã sản xuất và nuôi thương phẩm thành công giống hàu Thái Bình Dương - có giá trị xuất khẩu cao

Công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cũng được hoàn thiện với  khả năng có thể cung cấp 100-120 triệu con giống/năm. (Theo Người lao động 27/7)

TP. Hồ Chí Minh: Đưa vào hoạt động 21 xe buýt chạy bằng khí thiên nhiên

Ngày 27-7, công ty TNHH Một thành viên xe khách Sài Gòn cho biết, dự kiến 21 xe buýt chạy bằng khí nén thiên nhiên CNG chạy thí điểm tuyến Sài Gòn – Bình Tây sẽ được đưa vào hoạt động vào ngày 15-8 tới.

Giữa năm 2010, công ty này đã đưa vào hoạt động thí điểm 2 xe buýt chạy bằng khí CNG. Qua một năm thí điểm, xe buýt chạy bằng khí CNG là giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiết kiệm được nhiên liệu khoảng 30% so với chạy dầu diesel. (Theo đại đoàn kết 28/7)

Máy tính "tất cả trong một" đầu tiên của Việt Nam

Công ty Viết Sơn tại Bình Dương vừa chính thức cho ra mắt sản phẩm máy tính "tất cả trong một" đầu tiên được thiết kế và sản xuất tại Việt Nam với tên gọi All in One (AiO).

AiO là máy tính để bàn nhưng được thiết kế gọn nhẹ, tất cả CPU, Mainboard, các thiết bị phần cứng đều nằm trên một màn hình LCD.

Trải nghiệm máy tính tại nhà máy của Công ty Viết Sơn. Ảnh internet

Với thiết kế “tất cả trong một” chiếc máy trở nên gọn gàng và có thể tiết kiệm điện năng tiêu thụ 70-90% so với máy tính thông thường. (Theo Tạp chí Tia sáng 28/7)

Tuyển chọn thành công giống đậu tương mới 

Ông Bùi Văn Duy và cộng sự thuộc Viện Nghiên cứu ngô vừa tuyển chọn thành công giống đậu tương ĐVN-11 trên cơ sở lai giữa hai dòng AK-05 và Cúc tuyển. Đây là giống thuộc nhóm chín trung bình sớm.

Giống này cho hạt to đẹp, màu vàng sáng, khả năng chống đổ và chống chịu tương đối tốt với các loại sâu bệnh. Năng suất trung bình của ĐVN-11 khoảng 20-24 tạ/ha và có thể trồng ba vụ trong năm. Giống có thể trồng trên đất màu cao, đất sau hai vụ lúa ở đồng bằng Bắc bộ hoặc đất đồi gò ở các tỉnh miền núi phía Bắc. (TheoHNM 29/7)

Thiết bị lọc asen cho nước không tốn điện

Để loại bỏ asen cùng các kim loại nặng độc hại, KS Phạm Văn Lâm (Viện Hóa học, Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam) đã sản xuất thành công máy có thể khử triệt độc tố theo công nghệ NanoVast với giá thành rẻ, tiện lợi cho người sử dụng.

Công nghệ NanoVast là công nghệ dựa trên hai vật liệu chính là vật liệu hấp thụ asen hiệu năng cao NC-F20 và vật liệu xúc tác oxy hóa NC-MF trên cơ sở oxit phức hợp mangan - sắt. Các vật liệu này đều có khả năng hấp phụ cả hai dạng As(III) và As(V) ngoài ra chúng còn có khả năng hấp phụ các ion khác như đồng, mangan, crôm, sắt...  (Theo Bee 29/7)

Ngọc Anh (Tổng hợp)