Bản in
KH&CN làm "điểm tựa" phát triển Nam Trung Bộ và Tây Nguyên
Nằm trong khuôn khổ những hoạt động của Chợ Công nghệ Techmart Quang Nam 2011, chiều ngày 20/7 tại thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) đã diễn ra hội thảo Khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ phát triển kinh tế xã hội khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học và công nghệ; Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia phối hợp tổ chức. Tham dự hội thảo có các nhà khoa học, nhà nghiên cứu; đại diện các sở KH&CN...

Với mục đích thông tin, phổ biến những thành tựu về khoa học - công nghệ trong các lĩnh vực y tế, công nghệ sinh học phục vụ chăm sóc sức khỏe, đời sống và phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Trung – Tây Nguyên, hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học, các cơ quan quản lý KH&CN khu vực miền Trung - Tây Nguyên được tìm hiểu, nắm rõ hơn những bước tiến của KH&CN nước nhà. Qua đó, các thành tựu KH&CN được phổ biến, đẩy mạnh ứng dụng hơn nữa những công nghệ này tại các tỉnh, thành khu vực.

Với các diễn giả là các chủ nhiệm các chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước, các tham luận phần nào cho thấy bức tranh KH&CN của Việt Nam đã có nhiều khởi sắc trong những năm qua, nhất là làm thay đổi bộ mặt kinh tế và xã hội của miền Trung – Tây Nguyên. Có thể kể một số thành tựu KH&CN như: công nghệ khí canh là một trong những công nghệ sinh học thành công nhất và mang lại hiệu quả, lợi ích về kinh tế, môi trường: giảm chi phí về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước trên 95% và làm tăng năng suất từ 45-75%...

KH&CN cũng đã giúp nhiều nông dân phát triển đời sống kinh tế như: mô hình sản xuất lan hồ điệp quy mô công nghiệp, trồng khoai tây trên hệ thống khí canh…

Kiến nghị tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, những thông tin KH&CN là rất thiết thực và cần được phổ biến rộng hơn nữa nhằm xóa dần khoảng cách giữa nghiên cứu và đời sống. Bên cạnh đó, cũng cần có những giải pháp như nâng cao chất lượng các công trình nghiên cứu, tăng tính thiết thực, đặc biệt là đưa KH&CN vào giải những toán kinh tế xã hội rất cụ thể của từng địa phương.

Hạnh Hiền