Bản in
Công bố sách trắng Công nghệ thông tin – truyền thông Việt Nam 2011
Ngày 12/7, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Quốc gia về công nghệ thông tin và Bộ Thông tin và Truyền thông đã cho phát hành Sách trắng Công nghệ Thông tin và Truyền thông (CNTT-TT) Việt Nam 2011.

Cuốn sách sẽ cung cấp cho độc giả bức tranh toàn cảnh về hiện trạng phát triển ngành công nghệ thông tin – truyền thông Việt Nam. Cuốn sách gồm 135 trang, 11 phần, là bức tranh tổng thể về hiện trạng phát triển của ngành CNTT-TT Việt Nam trên các lĩnh vực: cơ sở hạ tầng, công nghiệp CNTT; bưu chính; viễn thông; ứng dụng CNTT; nguồn nhân lực, an toàn thông tin. Bên cạnh đó, cuốn sách còn cung cấp thông tin về các văn bản pháp luật, hoạt động hợp tác quốc tế của Việt Nam về CNTT-TT, các sự kiện CNTT-TT nổi bật…

Ấn phẩm được phát hành lần đầu tiên vào năm 2009. Khác với những năm trước thường “nặng” về số liệu, sách trắng năm 2011 bổ sung hai nội dung mới là đánh giá tổng kết sự phát triển công nghệ thông tin – truyền thông trong mười năm và giới thiệu về đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin – truyền thông.

Sách trắng Công nghệ thông tin – truyền thông năm nay còn có các báo cáo phân tích, đánh giá tình hình phát triển của từng lĩnh vực cụ thể như: cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin – truyền thông, công nghiệp công nghệ thông tin, bưu chính, viễn thông, ứng dụng công nghệ thông tin, nguồn nhân lực công nghệ thông tin, an toàn thông tin...

Những thông tin nổi bật được Sách trắng CNTT-TT Việt Nam năm 2011 công bố là tổng số thuê bao điện thoại cả nước tính đến cuối tháng 12-2010 ước đạt 126 triệu thuê bao. Tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực Công nghiệp CNTT, công nghiệp phần mềm và dịch vụ đạt trên 1 tỷ USD năm 2010, gấp 4 lần so với năm 2005. Năm 2010, Việt Nam đã được xếp hạng thứ 8 trong số các nước hấp dẫn nhất về gia công phần mềm.

Hiện tại trên cả nước, 100% các trường từ tiểu học đến đại học đã có kết nối Internet; 99,7% số xã đã có máy điện thoại cố định. Số nguồn nhân lực làm việc trong các ngành CNTT trong 5 năm 2006-2010 đã tăng gần gấp đôi, từ 150.000 lên 260.000, với tốc đột tăng trưởng từ 13-18%/năm.

M.C