Bản in
Điểm tin khoa học và công nghệ trong tuần từ 2-8/7.
Dưới đây là một số thông tin khoa học và công nghệ đáng chú ý đăng trên các báo trong tuần từ 2-8/7.

Phát hiện cổ vật 2.500 tuổi. Ngày 30-6, Bảo tàng Bình Thuận đã tìm thấy chiếc khuyên tai, hai đầu thú có niên đại khoảng 2.500 năm thuộc dòng văn hóa Sa Huỳnh tại huyện Hàm Thuận Bắc. Khuyên tai được làm bằng chất liệu thủy tinh, màu xanh nhạt.

Theo thạc sỹ Nguyễn Xuân Lý – Giám Đốc Bảo tàng tỉnh Bình Thuận, từ trước đến nay dòng cổ vật Sa Huỳnh chỉ được tìm thấy ở miền Trung như Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, đây là lần đầu tiên tìm thấy ở Bình Thuận. (Theo đại đoàn kết 2/7)

Nhân giống thành công loại nấm khổng lồ. Tiến sĩ Lê Xuân Thám - phó giám đốc Sở Khoa học và công nghệ Lâm Đồng - cho biết ông cùng nhóm cộng sự đã nghiên cứu thử nghiệm và nhân giống thành công loài nấm Macrocybe gigantea từ cây nấm khổng lồ (nặng 3,5kg, cao 50cm, đường kính chỗ lớn nhất hơn 40cm) do chị Trương Anh Đào (P.Lái Thiêu, thị xã Thuận An, Bình Dương) phát hiện trong lùm cây gần nhà ngày 6-6 và hiến tặng cho đơn vị.

Trong khi đó, nấm Macrocybe gigantea được các nhà khoa học Nhật xác định là loài nấm quý, có giá trị dinh dưỡng rất cao nhưng chưa được nhân giống.

Hiện nhóm nghiên cứu đang trồng thử nghiệm để phân tích thành phần dinh dưỡng, phân tích dược tính và tìm hiểu kỹ độc tính ở loài nấm này trước khi đưa ra thị trường. (Theo Tuổi trẻ 3/7)

Thử nghiệm trồng nửa tháng đã có sâm quý Ngọc Linh. Viện Sinh học Tây Nguyên tại Đà Lạt vừa cho ra đời rễ cây sâm Ngọc Linh có thể thu hoạch sau khi trồng bằng công nghệ sinh học chỉ nửa tháng. Bình thường phải mất 6 năm chăm sóc mới lấy được loại sâm quý hiếm này.

Đây là kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia Viện sinh học Tây Nguyên gồm tiến sĩ Dương Tấn Nhật, Phó viện trưởng và cộng sự; đã thử nghiệm thành công.

Tiến sĩ Nhật cho biết thêm, về chất lượng thì sâm trồng theo công nghệ mới không thể bằng sản phẩm nuôi trồng tự nhiên. Song với quy trình nhân sinh khối rễ sâm Ngọc Linh trong hệ thống bioreactor mà nhóm nghiên cứu đã tiến hành, thì hoàn toàn có khả năng tạo được nguồn nguyên liệu rễ với khối lượng lớn. (Theo vnexpress 3/7)

Phát hiện thêm loài chuồn chuồn cánh màu mới ở Việt Nam. Nhà nghiên cứu động vật Phan Quốc Toản, bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và tiến sĩ Matti Hämäläinen, bảo tàng Lịch sử tự nhiên Leiden (Hà Lan) vừa công bố thêm một loài chuồn chuồn cánh màu mới, thu được từ vườn quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ). Công trình công bố trên tạp chí Phân loại động vật quốc tế Zootaxa 2972, số ra cuối tháng 6.2011.

Tên của loài này được đặt theo tên của nhà nghiên cứu bò sát ếch nhái Nguyễn Thiên Tạo, Matrona taoi Phan & Hämäläinen, 2011 vì những giúp đỡ của ông đối với các tác giả. Loài chuồn chuồn cánh màu Matrona taoi sở hữu đôi cánh lớn màu đỏ sẫm, ngực và bụng con đực có màu xanh ánh kim và ở con cái có màu nâu đỏ.

Phát hiện này đã nâng tổng số các loài chuồn chuồn cánh màu ở Việt Nam được ghi nhận lên đến 18 loài.(Theo Khoa học phổ thông 4/7, SGTT 6/7)

Việt Nam tăng 20 bậc chỉ số đổi mới công nghệ toàn cầu. Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) vừa công bố bảng xếp hạng về Chỉ số đổi mới công nghệ toàn cầu, theo đó Việt Nam tăng 20 bậc so với năm ngoái, xếp ở vị trí 51.

Xếp hạng về chỉ số sáng tạo công nghệ toàn cầu là để nhấn mạnh vai trò của hoạt động sáng tạo công nghệ, coi đây là trung tâm của sự tăng trưởng kinh tế và tạo ra việc làm mới tốt hơn, là chìa khóa để cải thiện năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế, các ngành công nghiệp và các doanh nghiệp. (Theo vnexpress 5/7, Hà nội mới 5/7)

Một học sinh chế tạo máy phun thuốc trừ sâu tự động. Em Phạm Minh Quý, học sinh lớp 11A3, trường THPT Trần Phú (Đà Lạt) vừa chế tạo thành công hệ thống phun thuốc bảo vệ thực vật tự động.

Phạm Minh Quý và chiếc máy phun thuốc trừ sâu tự chế

Hệ thống này có cấu tạo khá đơn giản và hoạt động theo nguyên lý ròng rọc chuyển động. Với một chiếc mô tơ cũ, Minh Quý đã “độ” lại để có thể chạy hai chiều, một đoạn dây cô-roa nối với chiếc trục sau của xe đạp gắn với cần phun; chiếc cần phun gắn với ống dẫn đến bình thuốc bảo vệ thực vật pha sẵn.

Quý cho biết, hệ thống phun thuốc bảo vệ thực vật tự động này sử dụng được trên nhiều địa hình khác nhau, phù hợp để phun cho các loại cây có thân thấp như: rau, hoa, trà… (Theo SGGP 5/7)

Nuôi thành công tôm hùm bông trên biển. Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III cho biết, trong khuôn khổ đề tài "Nghiên cứu đặc điểm sinh học ấu trùng tôm hùm bông làm cơ sở cho việc tạo công nghệ sản xuất giống", các nhà khoa học của đơn vị này đã nuôi thành thục giống tôm hùm bông ở vùng vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa).

Với hơn 230 con tôm hùm bông có kích cỡ 600-700g/con được nuôi trong 27 lồng với các thí nghiệm khác nhau về thức ăn, độ sâu, tỷ lệ giới tính và mật độ để đánh giá sự ảnh hưởng của các yếu tố này đến khả năng thành thục của tôm. Sau hơn 6 tháng, trên 50% tôm nuôi đã thành thục về sinh dục, 100% số tôm nuôi đạt khối lượng 0,9-1,2 kg/con. Tỷ lệ thụ tinh đạt 100%. Số lượng trứng (phôi) đạt trung bình 0,89- 0,95 triệu trứng/cá thể cái. (Theo HNM 8/7)

Trao chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho hồ tiêu Phú Quốc. Ngày 7-7, tại huyện đảo Phú Quốc, Sở Khoa học và Công nghệ (KH và CN) tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ trao Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể hồ tiêu Phú Quốc cho Hội Hồ tiêu Phú Quốc.

Sở KH và CN Kiên Giang cho biết: Ðối với cây tiêu Phú Quốc, Sở đã và đang thực hiện hai đề tài khoa học là nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất tiêu đạt chứng nhận GlobalGAP và ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình tưới nhỏ giọt cho cây tiêu tại xã Cửa Dương. Ðến nay, huyện Phú Quốc có tổng số 717 hộ trồng tiêu với diện tích 300 ha. Hằng năm, mỗi ha tiêu cho năng suất từ 3 đến 3,5 tấn, với giá bán trung bình hơn 120 nghìn đồng/kg, người trồng thu lãi từ 36 đến 48 triệu đồng. (Theo Nhân Dân 8/7)

Robot biết phát âm và nhận dạng chữ viết. Đây là sản phẩm sáng tạo mới của nhóm sinh viên khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính (ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh) góp phần rút ngắn khoảng cách giữa con người và robot.

Thay vì phải nhấn các nút điều khiển để kích hoạt robot làm các nhiệm vụ được giao, robot này sẽ tự nhận diện chữ viết, qua hệ thống xử lý để trở thành các câu lệnh và yêu cầu robot thực hiện. Kết quả thử nghiệm trên sa bàn với các ngã ba, ngã tư... robot có thể đọc được chữ viết ghi trên biển chỉ dẫn, phát ra tiếng nói và hoạt động theo đúng những yêu cầu nó nhận dạng được. Trong tương lai, nhóm tác giả đang tiếp tục nghiên cứu để robot này có thể nhận diện và phát âm tiếng Việt. (Theo HNM 8/7)

Ứng dụng polyurethan làm hầm bảo quản hải sản. Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Trị triển khai thực hiện mô hình cải hoán hầm tàu cá bằng vật liệu polyurethan (PU) cho ngư dân.

Ảnh minh họa

Bước đầu, mô hình được thực hiện trên 3 tàu cá có công suất từ 90CV trở lên của 3 hộ ngư dân ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh. Theo đó, từ những tàu cá sử dụng hầm bảo quản thông thường được hỗ trợ hoán cải vách ngăn của hầm bằng vật liệu PU.

PU là loại nhựa tổng hợp, có ưu điểm là nhẹ, bền, cách nhiệt tốt hơn các vật liệu khác, rất thuận tiện cho việc khai thác xa bờ, bảo quản hải sản được tươi hơn, sạch hơn, từ đó giá bán sản phẩm tăng lên. (Theo Tin tức 7/7)

Ngọc Anh (Tổng hợp)