|
|||
Đây là một trong chuỗi đề tài của Đề án khoa học xã hội cấp nhà nước “Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ”. Các sản phẩm của Đề tài đều vượt trội so với yêu cầu của Bộ KH&CN. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao và nghiệm thu xuất sắc. Bằng việc sử dụng đa dạng các phương pháp nghiên cứu, đặc biệt là áp dụng phương pháp khu vực học, Đề tài đã hệ thống hóa các tư liệu và kết quả nghiên cứu về vùng đất Nam Bộ từ cội nguồn đến thế kỷ VII; tái hiện và chỉ ra đặc trưng của vùng đất Nam Bộ thời Tiền sử; phục dựng lại diện mạo vùng đất Nam Bộ dưới thời vương quốc Phù Nam, chỉ ra đặc điểm chính trị - kinh tế - văn hóa, vai trò của các nhóm cư dân trong quá trình xây dựng và phát triển vương quốc Phù Nam; chỉ ra những nguyên nhân dẫn tới sự suy tàn của vương quốc này. Có thể nói, Đề tài có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao, trong đó chỉ ra Nam Bộ là vùng đất có lịch sử khai phá và phát triển đa tuyến với nhiều biến động và xáo trộn. Xét về phương diện văn hóa, theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, đây là một vùng trọng yếu đồng thời là vùng đất có vị trí giao thoa với quá trình tộc người hết sức đa dạng, phong phú và vô cùng phức tạp. “Những nghiên cứu sâu sắc về vùng đất này sẽ giúp nâng cao nhận thức khoa học, góp phần hiểu sâu sắc về một không gian văn hóa đặc sắc của Đông Nam Á và góp phần giữ vững chủ quyền đất nước”, GS.TSKH Vũ Minh Giang nhấn mạnh. Theo PGS.TS Tống Trung Tín - Ủy viên phản biện, đây là đề tài khó nhất trong chuỗi đề tài của Đề án, bởi phải huy động tối đa các phương pháp nghiên cứu, Đề tài đã làm sáng tỏ được nhiều vấn đề lịch sử mới. Chính vì vậy nó mang tính cấp thiết lớn về mặt khoa học và nhận thức. Còn theo đánh giá của Chủ tịch Hội đồng – GS.Phan Huy Lê, Đề tài đã giải quyết những nhiệm vụ cực kỳ khó, trọng yếu về nhận thức; đưa ra bức tranh mới, phản ánh một nhận thức mới về vùng đất có ý nghĩa trọng yếu này. GS.Phan Huy Lê đánh giá cao các kiến nghị của Đề tài, đặc biệt là tăng cường giáo dục toàn dân để có được những kiến thức phổ cập đúng đắn về vùng đất Nam Bộ theo những nhận thức khoa học mới; sớm chính thức đưa văn hóa Oc Eo, vương quốc Phù Nam vào sách giáo khoa lịch sử phổ thông, đồng thời quốc tế hóa vấn đề văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam. Kết luận của Hội đồng nghiệm thu cũng khẳng định, Đề tài có vị trí quan trọng bậc nhất trong Đề án, tạo nền tảng cho các hướng nghiên cứu lịch sử Nam Bộ trong các giai đoạn tiếp theo. Đề tài có đóng góp quan trọng cả về mặt khoa học và thực tiễn, đặc biệt đã làm sáng rõ thêm nhiều vấn đề quan trọng để phát huy những tính chất về mặt kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội gắn với các điều kiện địa lý, môi trường liên quan đến những biến đổi ở Nam Bộ. |