Nhiều công trình ghi dấu ấn thế kỷ
Thứ trưởng Thường trực Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức cho biết, trong giai đoạn 2005 -2010 hoạt động KH&CN của ngành đã có những thành tựu vượt bậc, nhiều công trình ghi dấu ấn cho sự phát triển mạnh mẽ về trình độ khoa học công nghệ nước nhà. Ngành GTVT đã nghiên cứu làm chủ và ứng dụng thành công nhiều kết quả nghiên cứu vào thực tế mang lại lợi ích hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Triển khai ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại phục vụ công tác điều tra, khảo sát như dùng phần mềm TOPO trong công tác đo đạc số hóa bình đồ, định vị bằng hệ tọa độ GPS, GIS; phần mềm TSW-3 xác định các thông số cơ bản của đất nền dùng để phân tích nền móng công trình giao thông. Nhiều công nghệ được đánh giá đạt trình độ ngang tầm trong khu vực và thế giới.
Một số công trình của ngành giao thông đã mang lại dấu ấn như hầm Đèo ngang, hầm A- Roàng 1 , cầu A- Roàng 2, đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh- Trung Lương, hầm đường bộ Hải Vân. Đặc biệt, ngành GTVT đã áp dụng thành công công nghệ xây dựng cầu dây văng nhịp lớn do các đơn vị trong nước tự thiết kế thi công ở cầu Rạch Miễu, cầu Pá Uôn.
Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, ngành GTVT đã và đang đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong đóng mới và sửa chữa tàu biển đặc chủng, cỡ lớn. Đã đóng thành công tàu 53.000 tấn, nghiên cứu thiết kế và đóng tàu chở dầu 100.000 tấn, kho chưa dầu nổi FSO-5 sức chứa 150.000 tấn, tàu chở nhựa đường cỡ trọng tải 3000 – 5000 tấn. Đóng một số tàu theo hợp đồng xuất khẩu tàu biển sang các nước Anh, Hà Lan, Na Uy, Nhật Bản,…
Đặc biệt, trong 5 năm qua ngành GTVT đã nâng vị trí ngành hàng không Việt Nam lên tầm cao mới nhờ áp dụng KH&CN. Áp dụng nhiều công nghệ mới trong xây dựng, nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không quốc tế và nội địa như công nghệ cọc đất gia cố xi măng, gia cố nền móng và lớp phủ bề mặt bằng bê tông polyme cho sân bay Trà Nóc- Cần Thơ và nhà Ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất. Hàng không Việt Nam đang khai thác 22 cảng hàng không, trong đó đã có 6 cảng quốc tế và 16 cảng nội địa cùng 40 đường bay quốc tế và 30 đường bay nội địa. Những tiến bộ của KH&CN đã giúp hàng không Việt Nam gia nhập Sky Team, đứng thứ 6 trong ASEAN và thứ 42 – 43 trên thế giới về vận tải hàng không.
Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng khẳng định, hoạt động KH&CN đã tập trung bám sát nhu cầu thực tế phục vụ phát triển của ngành, nghiên cứu đã có trọng tâm, trọng điểm nên thu hút được lực lượng khoa học chủ chốt trong ngành cùng phối hợp trong những đề về khoa học công nghệ trong ngành GTVT.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đặc thù của ngành GTVT khác với những ngành khác nên việc áp dụng khoa học cũng có nhiều khó khăn, mặ dù vậy ngành GTVT đã có nhiều thành tựu mang dấu ấn rõ nét, nhiều công nghệ ngang tầm khu vực và thế giới.
Cần tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn
Bên cạnh những thành tựu mà ngành GTVT đã đạt được thì cũng còn không ít tồn tại, khó khăn mà Bộ đang tìm cách tháo gỡ. Tỷ trọng đóng góp của các hoạt động khoa học và công nghệ trong việc nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm của ngành GTVT chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành và chưa tương xứng với tiềm năm của KH&CN. Tỷ lệ các kết quả nghiên cứu đưa vào áp dụng thực tế chưa cao, việc truyên truyền phố biến, nhân rộng các ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN có hiệu quả kinh tế - kỹ thuật tốt chưa phổ biến
Thứ trưởng Ngô Đức Thịnh chia sẻ, một trong những khó khăn của nghiên cứu khoa học trong ngành GTVT là phát triển chưa đồng đều và còn thiếu tính đồng bộ. Các công trình nghiên cứu còn tập trung vào các giải pháp kỹ thuật, công nghệ trong lĩnh vực xây dựng giao thông và quy hoạch, vận tải cũng đã được quan tâm nhưng chưa nhiều, đặc biệt các nghiên cứu về bảo trì, bảo dưỡng các công trình gaio thông còn hạn chế chưa đáp ứng được đòi hỏi của sản xuất.
Bên cạnh những khó khăn trên thì việc nghiên cứu đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất thực tế vẫn còn gặp nhiều bất cập. Sản xuất kết cấu hạ tầng giao thông có giá trị rất lớn, sản phẩm được bán trước khi sản xuất vì vậy các sản phẩm nghiên cứu về rất ít các nhà thầu cho phép áp dụng thử trong quá trình xây dựng vì rủi ro cao. Một số sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, đòi hỏi phải có chứng chỉ quốc tế, sau khi đã chế thử sản phẩm thì không có điều kiện để thử nghiệm do không có cơ quan nào cho phép.
Đây là những khó khăn không nhỏ, là rào cản cho sự phát triển nghiên cứu khoa học trong ngành GTVT. Do đó, Bộ GTVT có đề xuất như triển khai ứng dụng hệ thống giao thông thông minh trong điều hành quản lý khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; tiếp nhận chuyển giao công nghệ. Bộ cũng mong muốn xây dựng được ít nhất một trung tâm điều hành quản lý giao thông, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, triển khai thu phí điện tử;.. Bên cạnh đó, cũng cần điều chỉnh cơ chế tài chính, có chính sách hỗ trợ tài chính như có cơ chế khấu hao đặt biệt cho các máy móc, thiết bị, phương tiện thi công đặc chủng phục vụ triển khai ứng dụng công nghệ mới; có chính sách hỗ trợ lãi suất vay cho doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ; cải tiến chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ phù hợp để thu hút đội ngũ cán bộ có trình độ cao về KH&CN làm việc trong ngành GTVT.
Thứ trưởng thường trực Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho rằng, để nghiên cứu khoa học trong ngành GTVT có nhiều kết quả hơn nữa Bộ nên quan tâm đầu tư cho các tổ chức KH&CN, các Viện để các tổ chức, Viện này sớm có điều kiện chuyển đổi hoạt động theo mô hình NĐ 115 và sớm thành lập được những doanh nghiệp KH&CN hoạt động có hiệu quả; sớm có kế hoạch hình thành tập thể KH&CN mạnh, tập hợp các chuyên gia giỏi, chủ động được các khâu từ thiết kế, thi công…; đẩy mạnh ứng dụng, sáng tạo công nghệ; tích cực tham gia một số chương trình quốc gia mà Bộ KH&CN chủ trì như Chương trình Sản phẩm Quốc gia và tăng cường đầu tư hơn nữa cho khoa học công nghệ trong ngành GTVT.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, sự phát triển mạnh mẽ của ngành GTVT đã góp phần tạo nên diện mạo mới của đất nước. Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan chuyên trách của Bộ GTVT kết hợp với các Bộ, Ngành thảo luận tìm ra cơ chế tài chính phù hợp để khuyến khích các nhà khoa học phát huy khả năng nghiên cứu và cơ chế tài chính hỗ trợ, thúc đẩy các nghiên cứu khoa học sớm được ứng dụng vào thực tế mang lại lợi ích, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Phương Hoàn |