Bản in
Điểm tin khoa học và công nghệ trong tuần từ 18-24/6.
Dưới đây là một số thông tin khoa học và công nghệ đáng chú ý đăng trên các báo trong tuần từ 18-24/6.

Biến nước mặn thành nước ngọt. Với đề tài “Bước đầu xử lý nước mặn thành nước ngọt” bằng những vật liệu phế thải như cát, gáo dừa, tre..., 3 học sinh của trường THPT Nguyễn Huệ gồm Trần Thị Phước Huyền (lớp 11A4), Võ Thị Ngọc Tiên và Phạm Bảo Ngọc (lớp 11A5) đã đoạt được giải Nhì tại Hội thi Intel ISEF toàn quốc năm 2011.

Thử nghiệm mô hình lọc nước mặn thành nước ngọt

Phương pháp lọc nước này được thực hiện khá đơn giản, dễ thực hiện. Các vật dụng cần thiết bao gồm cát, gáo dừa hoặc tre, ống nhựa, vòi phun mưa, thùng được làm sạch. Tre, gáo dừa được carbon hóa bằng cách đốt đỏ rồi ủ trong cát. Cát và than được xếp thành 5 lớp xen kẽ nhau, mỗi lớp dày 5 cm. Ở đáy thùng có đặt ống nhựa, trên đó có khoan các lỗ nhỏ, xung quang ống nhựa này được bọc lớp bông gòn với mục đích ngăn không cho cát, than theo ống ra ngoài. (Theo Thanh niên 19/6).

Chống hàng giả, hàng nhái bằng tem chống giả công nghệ cao. Vina CHG vừa nghiên cứu thành công tem chống giả đề can vỡ nhiệt và phát quang 2 trong 1, ứng dụng công nghệ và độ bảo mật cao, kết hợp 2 đặc tính chống giả gồm công nghệ nhiệt (khi tiếp xúc với nhiệt lên bề mặt tem thì logo hiện lên) và công nghệ phát quang (khi dùng đèn chuyên dụng soi vào bề mặt tem thì logo sẽ phát sáng). Đây là công nghệ rất khó làm giả, nên người tiêu dùng sẽ dễ dàng nhận diện được giữa hàng thật và hàng giả. (Theo cand 20/6).

Liên kết đào tạo nhân lực cho khoa học dịch vụ. Tiếp bước những chuẩn bị cho sự ra đời ngành khoa học dịch vụ tại TPHCM, Sở KH-CN TPHCM cùng Đại học Khoa học tự nhiên  TPHCM đã tổ chức hội thảo “Khoa học dịch vụ - Lối vào nền kinh tế tri thức” vào cuối tuần qua. 

Đề án phát triển khoa học dịch vụ TPHCM giai đoạn 2010-2013 tập trung đào tạo nguồn nhân lực nên qua hội thảo lần này, thấy rõ sự liên kết trong đào tạo nhân lực ngành khoa học dịch vụ đang hình thành. Đây là bước đi quan trọng trong quá trình xây dựng ngành KHDV tại TPHCM. (Theo SGGP 20/6).

Chống nóng nhà cao tầng bằng dung dịch "xanh". PGS.TS Phạm Văn Nho, Khoa Vật lý, Đại học khoa học tự nhiên Hà Nội vừa nghiên cứu thành công loại dung dịch “xanh” mà khi xịt lên kính tại các nhà cao tầng sẽ làm giảm nhiệt độ nhà kính tiết kiệm điện.

Việc nghiên cứu và tạo ra dung dịch “xanh” giúp các nhà cao tầng giảm được nền nhiệt độ tối đa. Hơn nữa, dung dịch “xanh” dựa trên nguyên lý nước dàn thành màng mỏng kết hợp cùng chất Nano tự tẩy rửa nên bụi bẩn được làm sạch mà không cần người lau kính thường xuyên hay sử dụng các hóa chất để lau kính gây ô nhiễm môi trường. (Theo Bee 22/6).

Tiết kiệm điện chiếu sáng công cộng. Các kỹ sư của Trung tâm Công nghệ năng lượng và Vật liệu mới thuộc Viện Khoa học Năng lượng (Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam) cùng các nhà khoa học của Viện Khoa học Năng lượng nghiên cứu mô hình thiết bị nguồn điều chỉnh quang thông tự động.

Lắp đặt thiết bị điều khiển quang thông 60 KVA tại KCN  Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Với thiết bị nguồn điều chỉnh quang thông tự động, hệ thống chiếu sáng công cộng của Việt Nam có thể tiết kiệm được 30% - 40% điện năng mỗi đêm. Hiện tại thiết bị đã được lắp đặt rộng rãi tại các tỉnh: Phú Thọ, Thừa Thiên - Huế, Long An, Hòa Bình và đều phát huy hiệu quả. (Theo Người lao động 22/6).

Sinh sản nhân tạo cá heo nước ngọt. Ngày 21-6, Thạc sĩ Nguyễn Văn Triều, cán bộ khoa Thủy sản của trường Đại học Cần Thơ cho biết, trường đã phối hợp với Trung tâm Giống thủy sản tỉnh An Giang thực hiện thành công sinh sản nhân tạo cá heo nước ngọt (Botia modesta Bleeker).

Đây là 1 trong 8 loài cá nước ngọt thuộc giống Botia phân bố khá phổ biến ở lưu vực hạ nguồn sông Mê Công và có nhiều ở vùng ĐBSCL.

Cá heo nước ngọt thân màu xanh nhạt, đuôi và vây màu đỏ, trọng lượng tối đa 100 g/con, vừa là thực phẩm giá trị dinh dưỡng cao vừa có thể nuôi làm cảnh. (Theo Tiền phong 22/6, Nông nghiệp 23/6).

Lắp thiết bị kết nối vệ tinh cho tàu đánh bắt xa bờ. Cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản cho biết, đang triển khai lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh cho 950 tàu đánh bắt xa bờ ở 7 tỉnh ĐBSCL (Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh).

Hoạt động này nằm trong Dự án quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh MOVIMAR từ nguồn vốn vay ODA của Pháp, do Bộ NN-PTNT thực hiện trong 3 năm (2011 - 2013) với 8.052 tàu đánh bắt xa bờ ở ĐBSCL. (Theo Tiền phong 23/6).

"Cụ" Rùa đã bình phục hoàn toàn. Chiều 22/6, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ rùa Hồ Gươm, tiến sỹ Bùi Quang Tề, Trưởng nhóm chữa trị rùa hồ Gươm cho biết sau 4 lần phân tích mẫu bệnh phẩm của rùa hồ Gươm, kết quả cho thấy rùa hồ Gươm đã hoàn toàn bình phục.

Đến nay, rùa hồ Gươm đã chịu đựng được nước hồ, không còn có tác nhân gây bệnh, vết thương không xuất hiện - ông Tề cho biết thêm. (Theo TTXVN 23/6).

“Thu dầu loang bằng vỏ tràm” được chọn đi tranh tài tại Thụy Điển. Công trình nghiên cứu “thu – giữ dầu loang bằng thảm vỏ tràm” của nhóm học sinh Lý Công Hiển, Nguyễn Trí Hay, Nguyễn Thanh Liêm, trường THPT An Lạc Thôn, Kế Sách, (tỉnh Sóc Trăng) vừa giành giải nhất cuộc thi Bảo vệ nguồn nước, công bố tại Hà Nội ngày 22/6. Công trình này sẽ được BTC gửi đi Thụy Điển tranh giải Stockholm (SJWP).

BTC đánh giá cao về các công trình nghiên cứu của học sinh trường THPT An Lạc Thôn trong những năm qua, đây là trường duy nhất của tỉnh liên tục có đề tài gửi dự thi và đạt nhiều giải thưởng cao. (Theo gdtđ 23/6, Tiền Phong 23/6).

Thu Thủy