|
|||
Ngày 17/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã khảo sát các cơ sở nghiên cứu của ngành nông nghiệp và làm việc với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tại buổi làm việc, chiều 17/6, các ý kiến của lãnh đạo Viện Khoa học Lâm nghiệp, Viện Chăn nuôi, Đại học Nông nghiệp Hà Nội... tập trung vào các vấn đề về chiến lược nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mỗi đơn vị... để nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng trong nông nghiệp. Lãnh đạo Đại học Nông nghiệp Hà Nội cho rằng, cần xây dựng thành lộ trình phát triển nông nghiệp Việt Nam trong 10 – 20 năm, đồng thời cần một hành lang pháp lý và cơ chế cụ thể để vừa tạo động lực, vừa là áp lực nhất định để các nhà khoa học thực hiện nhiệm vụ theo lộ trình đã đề ra. Đại diện lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính chia sẻ với các ý kiến, các đề xuất của các lãnh đạo các đơn vị nghiên cứu, khoa học trong ngành nông nghiệp, cho rằng cần tạo các nguồn huy động vốn mở rộng hơn để tạo điều kiện phát triển khoa học, công nghệ cho nông nghiệp. Khẳng định những thành tựu khoa học đạt được trong ngành nông nghiệp là hết sức to lớn và đáng tự hào, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận các ý kiến từ phía lãnh đạo các Bộ ngành. Để phát huy những thành quả nói trên, ngành nông nghiệp cần rà soát và thống kê lại những tồn tại yếu kém từ cơ chế quản lý, các bất cập trong công tác nghiên cứu khoa học. Trên cơ sở rà soát thống kê đó, các bộ ngành sẽ thảo luận và kiến nghị các cơ quan chức năng ban hành các cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực thực thi cao tạo thêm cú hích cho khoa học và công nghệ nông nghiệp phát triển.
Trước đó, thăm trại khảo nghiệm giống ngô biến đổi gen của Viện Di truyền nông nghiệp tại Văn Giang, Hưng Yên, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, việc nghiên cứu tìm ra giống ngô năng suất cao sẽ góp phần giải quyết dứt điểm bài toán thiếu ngô ở một nước nông nghiệp như Việt Nam. Theo kết quả khảo nghiệm bước đầu của Viện Di truyền nông nghiệp, ngô chuyển gen kháng sâu có khả năng kháng sâu cao hơn hẳn so với giống đối chứng, không hề bị gãy cờ do sâu đục thân, trong khi tỷ lệ gãy cờ ở giống đối chứng chiếm 2-8%. Ngô kháng thuốc diệt cỏ hoàn toàn không bị ảnh hưởng, trong khi ngô đối chứng bị nhiễm độc bởi thuốc diệt cỏ. Dự kiến, sau khi khảo nghiệm thành công từ năm 2011 trở đi, sẽ đưa các giống ngô biến đổi gen vào sản xuất đại trà, góp phần nâng sản lượng ngô của cả nước lên mức 7-7,5 triệu tấn/năm. Cùng ngày, thăm trung tâm nấm thuộc Viện Di truyền nông nghiệp, Phó Thủ tướng đánh giá cao những kết quả nghiên cứu của Viện trong việc tìm ra các giống nấm thực phẩm có chất lượng cao, giá trị kinh tế lớn. Hiện nay, ngoài việc cung cấp nghiên cứu thành công các loại nấm, Viện đã hỗ trợ nông dân Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Bắc Giang... trồng nấm linh chi, góp phần nâng cao đời sống của người nông dân, công tác xoá đói giảm nghèo do đó cũng được thực hiện có hiệu quả.
|