|
|||
Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết, trong 5 năm qua, Viện đã có 260 giống cây trồng được công nhận, trong đó công nhận chính thức 95 giống (25 giống lúa, 10 giống ngô, 10 giống đậu đỗ, 4 giống cây có củ, 10 giống rau, 4 giống cây ăn quả, 4 giống chè, 11 giống cà phê và 2 giống mía..) và 165 giống cây trồng các loại được công nhận cho sản xuất thử. Một trong những kết quả nổ bật nhất của Viện là nghiên cứu và phát triển giống lúa lai. Trong vòng 5 năm 2006- 2010 có 5 giống được công nhận (2 giống 3 dòng và 3 giống 2 dòng). Các giống lai 2 dòng như HYT102, HYT103, HYT108) có năng suất và chất lượng khá hơn 2 dòng của Trung Quốc; giống lai 3 dòng HYT100 hạt gạo đẹp, chất lượng cơm tương đương với giống lai có chất lượng tốt nhất của Trung Quốc như Nghi Hương 2308, Vân Quang 14, năng suất vào loại khá. Nhưng Viện cũng cho rằng khó khăn lớn nhất trong sản xuất lúa lai hiện nay là chưa có đủ giống bố, mẹ tốt và vùng sản xuất hạt lai phù hợp. Tính đến năm 2009, Viện đã cung cấp cho sản xuất khoảng 76 tấn hạt giống dòng mẹ lúa lai nguyên chủng và 18 tấn dòng bố để sản xuất hạt giống lúa lai F1 trong nước. Lượng giống bố, mẹ nói trên cho phép sản xuất được trên 5 ngàn tấn hạt lai F1 phục vụ cho gieo cấy trên diện tích khoảng 170 ngàn ha. Ngoài nhiều giống cây trồng mới, trong 5 năm 2006 – 2010 Viện đã có hàng trăm quy trình công nghệ được công nhận và ứng dụng. Các quy trình điển hình như: Qui trình phòng chống bệnh virut vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa; Qui trình thâm canh lạc đạt năng suất 5 tấn/ha; Qui trình sản xuất rau an toàn VietGAP… Bên cạnh những kết quả trên, Viện cũng đã chuyển nhượng bản quyền sản xuất kinh doanh 14 giống lúa cho các công ty cây giống. Việc chuyển nhượng bản quyền tuy chưa nhiều so với số lượng giống tạo ra, nhất là các giống thuần nhưng là tín hiệu tích cực về liên kết khoa học – doanh nghiệp; đồng thời hoạt động này cũng gián tiếp khẳng định chất lượng của giống, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, của sản xuất. Tại buổi làm việc các nhà khoa học kiến nghị Chính phủ cần sớm có những cơ chế “thoáng” hơn để tạo điều kiện cho các nhà khoa học được hoạt động nghiên cứu có kết quả tốt nhất. Ông Nguyễn Văn Bộ- GĐ Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam kiến nghị: “Hiện nay, nông nghiệp tham gia xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực, đề nghị Chính phú cho trích 0,5 – 1% kim ngạch xuất khẩu của các ngành hàng đó để bổ sung cho quĩ nghiên cứu cũng như tăng cường nguồn kinh phí cho các nhiệm vụ liên quan đến chình hàng đó”. Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cần sớm xây dựng chiến lược phát triển khoa học trong nông nghiệp cho phù hợp để nông nghiệp thực sự là một ngành góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phương Hoàn
|