Bản in
Hơn 1800 tỷ đồng doanh thu từ chuyển giao công nghệ trong hoạt động KH&CN ngành giáo dục
Đây là con số được đưa ra tại hội nghị tổng kết hoạt động khoa học và công nghệ 5 năm 2006-2010 và phương hướng phát triển giai đoạn 2011-2015 đã được Bộ GD-ĐT tổ chức hôm qua, 11/6, tại Hà Nội.

Hiện nay Bộ GD-ĐT đang quản lý 23.571 cán bộ – giáo viên khối đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu. Trong số này có 106 GS, 1.097 PGS, 2.762 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học, 9.551 thạc sĩ. Khối các trường này có 868 phòng thí nghiệm, trong đó 1 phòng thí nghiệm cấp quốc gia.

Đây là những điều kiện thuận lợi để các trường ĐH, học viện đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học. Hoạt động KH-CN trong thời gian qua được các đơn vị này đẩy mạnh và có sự phát triển vượt bậc, thể hiện ở số lượng các công trình khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín quốc tế và trong nước ngày càng tăng, số lượng các văn bằng chứng chỉ sở hữu trí tuệ được bảo hộ ngày càng nhiều.

Trong nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên, các đề tài đã thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy của cán bộ. Nhiều đề tài được Quỹ phát triển KH-CN quốc gia xét chọn để áp dụng thí điểm thực hiện. Hoạt động chuyển giao công nghệ, sản xuất kinh doanh của các trường cũng rất mạnh, với tổng doanh thu giai đoạn 2006-2009 đạt 1.806,62 tỷ đồng. Nhiều đề tài, công trình nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật có giá trị cao được áp dụng vào thực tiễn.

Dù vậy, theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ trong các trường vẫn còn nhiều hạn chế. Các công trình được thực hiện một cách riêng lẻ, chưa gắn kết thành hệ thống ở các trường, cụm trường nên kết quả không có tầm cỡ, trùng lặp và ít có giá trị ứng dụng trong thực tiễn. Riêng mảng nghiên cứu khoa học giáo dục còn thiếu hụt và lạc hậu, không có sự gắn kết giữa nghiên cứu và thực tiễn của ngành giáo dục.

M.C