|
|||
Nghiên cứu sản xuất kháng sinh vancomycin từ xạ khuẩn Streptomyces orientalis. Vancomycin là chất kháng sinh được sử dụng rộng rãi và có tác dụng tích cực trong chữa bệnh. Các nhà khoa học Viện Công nghệ sinh học (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đang nghiên cứu điều kiện thích hợp sản xuất vancomycin từ biến chủng xạ khuẩn Streptomyces orientalis nhận được từ xử lý N-methyl-N-nitro-N-nitrosoguanidin (MNNG) lên tế bào trần của chủng gốc. (Theo vas 5/6) Diesel chiết xuất từ dầu rán phế thải. Sản xuất và sử dụng Biodiesel từ dầu rán phế thải là công trình nghiên cứu của PGS. Phạm Ngọc Lân, khoa Hóa học, Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội. Dự án là một trong những giải pháp góp phần giải quyết vấn đề năng lượng có tính ứng dụng cao. Hiện dự án sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho những nơi có điều kiện sản xuất, đặc biệt nhưng cở sở có dầu rán phế thải. Cho đến nay, dự án đã triển khai lắp đặt hệ thống thiết bị sản xuất Biodiesel với công suất 320 kg/mẻ. (Theo Thời báo Doanh nhân 5/6) Khám phá loài thằn lằn thứ 20 ở Việt Nam. Nhà nghiên cứu động vật Ngô Văn Trí, phòng công nghệ và quản lý môi trường, viện Sinh học nhiệt đới (thuộc viện Khoa học và công nghệ Việt Nam) và tiến sĩ Tony Gamble, khoa di truyền – sinh học tế bào và phát triển, trường đại học Minnesota (Mỹ) vừa công bố thêm một loài thằn lằn đá mới ở mũi Cà Ná, tỉnh Bình Thuận. Loài thằn lằn này được đặt tên theo địa danh thu mẫu – thằn lằn đá Cà Ná – Gekko canaensis sp. nov. Ngô & Gamble, 2011. Công trình này được công bố trên tạp chí phân loại động vật quốc tế Zootaxa 2890, số ra cuối tháng 5.2011. (Theo SGTT 7/6, khoahocphothong 8/6 ) Cây chuối lạ trổ nhiều búp trên một buồng ở Nghệ An. Cây chuối hột của nhà anh Trần Văn Hòa trú xã Quỳnh Ngọc (huyện Quỳnh Lưu - Nghệ An) trổ 10 búp hoa khiến nhiều người hết sức hiếu kỳ. Theo lời anh Hòa, ban đầu cây chuối này trổ ra một búp như những cây chuối khác. Tuy nhiên, lúc bẹ chuối bung ra, thay vì hiển thị những nải chuối nó lại ra những búp khác. Đến nay đã có tất cả 10 buồng lớn nhỏ, buồng chính chuối kéo dài gần 2m, trên mỗi buồng nhỏ có 3 - 5 nải. Hiện búp chuối chính vẫn đang rất to và có dấu hiệu tiếp tục ra những búp nhỏ khác. (Theo VTC ngày 8/6) Thành lập Trung tâm công nghệ xuất sắc đầu tiên tại Việt Nam. Ngày 8-6, trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh và tập đoàn IBM Việt Nam phối hợp thành lập Trung tâm Công nghệ xuất sắc (CoE IBM -UNS) nhằm đào tạo các chuyên gia về công nghệ thông tin. Trung tâm này sẽ có chức năng triển khai các chương trình đào tạo chuyên đề, chuyên ngành, các hoạt động học thuật trong lĩnh vực công nghệ thông tin và lĩnh vực cộng nghệ cao khác nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho xã hội. (Theo Nhân dân ngày 8/6, Đất việt 8/6) Chíp phát hiện sớm ung thư. Ngày 6/6, Sở KH-CN TP.HCM đã đồng ý cho Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC), phối hợp với PGS.TS Hồ Huỳnh Thùy Dương, khoa Sinh học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM phối hợp nghiên cứu phát triển chíp sinh học phục vụ y tế. Giới thiệu chip phát hiện ung thư sớm của ĐHQG TP.HCM Các sản phẩm ban đầu của chương trình sẽ là kit phát hiện sớm bệnh ung thư cổ tử cung, chẩn đoán ung thư tiền liệt tuyến, xác định viêm màng não mủ và thiết bị đo tăng trưởng và chết tế bào theo thời gian thực. Đây là chíp được phát triển theo sau chíp sinh học sử dụng tinh thể thạch anh đã được ICDREC phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và triển khai nghiên cứu, chế tạo thành công vào năm 2010. (Theo Đất việt 7/6, Tuổi trẻ 7/6) Nứt đất ở Di Linh là hiện tượng trượt lở bình thường. Đó là nhận định của PGS - TS. Phan Trọng Trịnh, Trưởng phòng Địa động lực (Viện Địa chất Việt Nam), Chủ tịch Hội Kiến tạo Việt Nam tại buổi làm việc với các nhà khoa học và lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh Lâm Đồng trong ngày 8/6. Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến cũng cho rằng hiện tượng nứt đất ở Di Linh không phải do yếu tố nội sinh (như động đất, các hoạt động đứt gãy…) mà do chịu ảnh hưởng của các yếu tố ngoại sinh (như do tải trọng các công trình, hoạt động khai thác quá mức tầng chứa nước bên dưới, liên quan đến sạt lở đất đá…). (Theo Vietnamplus 8/6, Công an nhân dân 9/6). Ra mắt dự án Dự trữ cac-bon và Bảo tồn đa dạng sinh học rừng tại Huế. Ngày 8/6/2021, tại Huế, UBND tỉnh và WWF Chương trình Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo ra mắt dự án ”Dự trữ các-bon và Bảo tồn Đa dạng Sinh học Rừng”. Theo kế hoạch 4 năm thực hiện (2011 - 2014), dự án sẽ giúp giảm khoảng 1,8 triệu tấn khí thải CO2. Dự án nhận hỗ trợ 7 triệu euro từ chương trình Sáng kiến Khí hậu quốc tế (ICI) thuộc Bộ Môi trường - Bảo tồn Thiên nhiên & An toàn Hạt nhân Cộng hòa Liên bang Đức và 1,2 triệu euro từ WWF Đức. (Theo cand 9/6, Tiền phong 9/6) Sử dụng thác nước để chạy máy lạnh và sản xuất nước đá. Đây là thành công mới của PGS-TS Võ Chí Chính và cộng sự thuộc khoa Công nghệ Nhiệt điện lạnh (ĐH Bách khoa Đà Nẵng). Nhờ đề tài "Nghiên cứu sử dụng năng lượng thác nước và dòng chảy để chạy máy lạnh sản xuất đá phục vụ đời sống", năng lượng thác nước và dòng chảy được biến đổi trực tiếp thành cơ năng chạy các máy lạnh có công suất làm lạnh lớn, có thể triển khai ở quy mô công nghiệp. Hệ thống này rất thích hợp ở các vùng đồi núi, vùng sâu, vùng xa và có thể là các khu du lịch ở miền núi nhằm phục vụ việc sản xuất nước đá, bảo quản thuốc, rau quả và thực phẩm. (Theo Hà nội mới 10/6). Ngọc Anh (Tổng hợp)
|