Đầu tư cho các dự án KH&CN tại Việt Nam
Dự án KH&CN là một nhiệm vụ KH&CN, trong đó bao gồm một số đề tài nghiên cứu khoa học và một số dự án sản xuất thử nghiệm gắn kết hữu cơ, đồng bộ được tiến hành trong một thời gian nhất định. Dự án KH&CN nhằm giải quyết các vấn đề KH&CN chủ yếu phục vụ cho việc sản xuất một sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm trọng điểm, chủ lực có tác động nâng cao trình độ công nghệ của một ngành, một lĩnh vực và có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Kết quả của một dự án KH&CN có tính định hướng thị trường và định hướng sản phẩm rõ rệt. Để phát triển sản xuất, tạo ra các sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, tạo động lực cho sự phát triển thì nhất thiết cần phát triển loại hình dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ (R&D).
Trên thực tế các chương trình hành động của Chính phủ, Bộ KH&CN đã đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp trong đó có các doanh nghiệp KH&CN, đặc biệt chú trọng đến vấn đề đổi mới cơ chế đầu tư cho hoạt động KH&CN nhất là đối với R&D thông qua các dự án KH&CN.
Đối với thế giới và khu vực, nguồn vốn đầu tư cho các dự án R&D không nhất thiết chỉ có từ ngân sách nhà nước. Tại Việt Nam khi Chính phủ đang tiến hành thắt chặt chi tiêu công do lạm phát đã đạt mức 17,5% và mức tăng GDP chỉ đạt 6,5% thì việc tìm kiếm một nguồn đầu tư khác ngoài nguồn ngân sách nhà nước cho các dự án R&D là hết sức cấp thiết. Đây là trách nhiệm của các nhà quản lý KH&CN từ trung ương đến địa phương, cũng như quyền lợi của chính các doanh nghiệp, các nhà đầu tư.
Hiện nay, ngoài các dự án đuợc đầu tư sử dụng 100% vốn ngân sách nhà nước, một số lĩnh vực, ngành như: xây dựng, giao thông, mô hình xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) đã thu được các kết quả tốt và đang được các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. Với mô hình này nhiều công trình giao thông, nhà máy đã được đầu tư xây dựng và nhanh chóng đi vào khai thác thu được hiệu quả kinh tế cao, ví dụ các đường cao tốc, nhà máy điện,…. Theo phương thức BOT nhà nước có thể kêu gọi các công ty bỏ vốn xây dựng trước (Built) thông qua đấu thầu, sau đó khai thác vận hành một thời gian (Operation) và sau cùng là chuyển giao (Transfer).
Thời gian gần đây một hình thức đầu tư mới Public Private Partnerships (PPP) ra đời ở Anh cách đây 25 năm đã được áp dụng thử tại Việt Nam. Hình thức PPP tạm gọi là hợp tác công – tư. Theo đó, nhà nước cho phép tư nhân cùng tham gia đầu tư vào các dự án của nhà nước. Trong mô hình PPP, nhà nước sẽ thiết lập các tiêu chuẩn về cung cấp dịch vụ và tư nhân được khuyến khích cung cấp bằng cơ chế thanh toán theo chất lượng dịch vụ, hình thức hợp tác này sẽ mang lại lợi ích cho cả nhà nước và nhà đầu tư vì tận dụng được nguồn lực tài chính và quản lý từ tư nhân, trong khi vẫn đảm bảo các lợi ích cho người đầu tư.
Theo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư ở hình thức PPP: để có sức hấp dẫn các nhà đầu tư thì các dự án PPP cần được nghiên cứu và xây dựng có tính khả thi, khoa học và chính xác, minh bạch. Đây luôn là vấn đề mang tính sống còn của các dự án PPP. Tiếp theo là cần xây dựng các dự án PPP với kế hoạch chiến lược cụ thể, chi tiết phải làm rõ, nêu bật được những lợi ích của các bên khi tham dự vào dự án. Bên cạnh đó là việc xây dựng cơ chế chia sẻ rủi ro bao gồm cả quản lý cơ sở hạ tầng và quản lý khai thác dự án R&D một cách tối ưu với doanh nghiệp, các nhà đầu tư.
Mô hình đầu tư mới đối với các dự án R&D ở Việt Nam giai đoạn 2011-2015
Có thể nói rằng, mô hình PPP đã thể hiện được nhiều tính ưu việt trong tình hình và bối cảnh kinh tế nước ta. Giả định nếu xây dựng được cơ chế thu hút đầu tư cho các dự án R&D áp dụng hình thức đầu tư PPP có thể sẽ tạo ra một môi trường đầu tư mới, một cách thức mới trong việc tìm kiếm nguồn kinh phí đầu tư cho các dự án R&D trong bối cảnh nguồn đầu tư nhà nước hạn chế.
Trên thực tế, các dự án R&D cần được đầu tư chính cho nghiên cứu, giải mã công nghệ, chuyển giao công nghệ mới, mua sắm trang thiết bị thử nghiệm, sản xuất thử nghiệm, nguyên vật liệu đầu vào cho quá trình nghiên cứu, chế tạo, sản xuất thử nghiệm,… Do vậy, lượng kinh phí cần thiết lớn và yếu tố rủi do trong quá trình thực hiện cũng lớn.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia ngân hàng để có thể áp dụng được hình thức PPP khai thác nguồn vốn nhàn rỗi từ xã hội Việt Nam đang rất lớn khoảng 40 -50 tỷ USD thì: Trước hết, Ngành KH&CN từ trung ương đến các địa phương cần đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng chiến lược phát triển KH&CN theo hướng phải xây dựng được một danh mục dự án R&D cụ thể, cập nhật thường xuyên để phù hợp với thị trường với các sản phẩm định hướng thị trường rõ rệt để kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP. Trong quá trình tiến hành cần xây dựng được lộ trình công nghệ cho các dự án R&D và các cam kết thực hiện, nên lựa chọn những dự án R&D tạo ra các sản phẩm trọng điểm không yêu cầu lớn về mặt kỹ thuật và tài chính để làm thí điểm nhằm rút kinh nghiệm cho việc thu hút đầu tư theo hình thức PPP sau này.
Thứ hai, các cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN cần xây dựng hành lang pháp lý để tạo thuận lợi cho cho hình thức đầu tư mới nhiều yếu tố rủi do này. Hỗ trợ tăng cường năng lực cho các tổ chức KH&CN, doanh nghiệp trong nước để có đủ năng lực tham gia vào hoạt động đấu thầu các dự án.
Thứ ba, Có biện pháp khuyến khích những doanh nghiệp tiên phong tham gia vào các dự án PPP. Cần xem xét tính khả thi về tài chính của các đối tác tư nhân, vì nếu các yêu cầu đặt ra quá cao dự án sẽ không khả thi về tài chính, không quá khắt khe và đòi hỏi quá cao trong quá trình giao nhận dự án, khi kết thúc để thu hút sự quan tâm của khối tư nhân tham gia dự án./.
TS. Nguyễn Huy Cường
Ban KH&CN địa phương, Bộ KH&CN
|