|
|||
TS Trần Việt Hùng cho biết, Chương trình nghiên cứu giai đoạn 2006 -2010, được phân bổ tương đối đồng đều theo những mục tiêu cụ thể và sản phẩm mang tính chiến lược. Các đề tài, dự án trong giai đoạn này chủ yếu nghiên cứu thiết kế theo mẫu hoặc nguyên lý của nước ngoài có tính đến điều kiện thực tế trong nước. Một vài đề tài đã vượt lên, đưa ra những nguyên lý, công nghệ mới nhưng độ rủi ro cao. Trình độ khoa học của giai đoạn này cao hơn so với giai đoạn trước và đạt trung bình tiên tiến trong khu vực. Cũng tính đến thời gian này các đề tài, dự án của chương trình đã được cấp 03 bằng kiểu sáng chế công nghệ và đăng ký 21 giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp. Đặc biệt, chương trình đã tạo ra 2095 sản phẩm hoàn thành, nghiệm thu và được thương mại hóa làm lợi 26,26 tỷ đồng. Trên cơ sở thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm KC.05.DA01/06- 10 và dự án KC.05.DA03/06-10, nhóm thực hiện các dự án đã thành lập được 02 doanh nghiệp KH&CN là Công ty Quang điện tử Việt và Công ty cổ phần sản xuất máy và thiết bị công nghiệp trong Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (BKMech). Bên cạnh đó, trình độ nhân lực khoa học và công nghệ ( KH&CN) cũng được chương trình quan tâm đào tạo. Đã có 16 Tiến sĩ, 32 Thạc sĩ và 52 cán bộ được tham gia đào tạo và nâng cao trình độ ở nước ngoài. Các đề tài dự án của chương trình đã đã góp phần nâng cao năng lực KH&CN của đội ngũ cán bộ kỹ thuật tham gia thực hiện. TS Trần Việt Hùng nhấn mạnh, hướng đột phá trong chiến lược phát triển KH&CN cơ khí chế tạo trong giai đoạn 2011 – 2020 là tập trung nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp với đổi mới tổ chức, cơ chế quản lý hoạt động KH&CN để các nghiên cứu khoa học ngày càng gắn với sản xuất kinh doanh, tạo ra các sản phẩm cơ khí hiện đại có giá trị tăng cao phục vụ đắc lực cho nhu cầu của xã hội về kinh tế, an ninh, quốc phòng đồng thời thu hút được nguồn vốn đầu tư của xã hội cho ngành khoa học cơ khí chế tạo. Hoàng Anh – Phương Nga |