Bản in
Điểm tin Khoa học Công nghệ trong tuần từ 2 - 6/5
Dưới đây là một số thông tin khoa học và công nghệ đáng chủ ý đăng trên các báo trong tuần từ 2-6/5.

Robot cá chép thông minh. Là công trình của nhóm sinh viên năm cuối khoa cơ khí máy Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Công trình chế tạo robot cá chép của nhóm bắt đầu từ tháng 8-2010.

Robot cá chép là một dạng robot mô phỏng sinh học. Mặc dù về hình thức chú robot cá chép này trông không được bắt mắt như cá chép thật nhưng lại có nhiều tính năng thông minh. Cảm biến hồng ngoại giúp cá biết tránh các vật cản. Cảm biến gia tốc giúp cá giữ được thăng bằng khi bị lực đẩy tác động. Một la bàn điện tử giúp cá có thể định hướng di chuyển theo lập trình

Camera được gắn vào mắt cá có thể truyền tín hiệu hình ảnh về máy tính khi cá xuống nước. Cảm biến áp suất cũng cho phép người sử dụng xác định được độ sâu cá đang bơi. Ngoài ra, cá chép robot có thể tự hoạt động theo chương trình lập trình sẵn mà không cần có sự can thiệp liên tục của người sử dụng.

Hiện nay chú cá này có thể bơi ở mực nước sâu 1m với vận tốc 1cm/giây. Cá chép robot có thể đảm nhiệm những công việc như giám sát đê điều, xác định các nguồn ô nhiễm dưới nước, cũng như sử dụng trong nghiên cứu thực nghiệm về xác định lực, dòng chảy dưới nước hay được quan tâm như một đồ chơi công nghệ cao. (Theo Tuổi trẻ 2/5).

Xác định được giới tính và nguồn gốc Rùa hồ Hoàn Kiếm. Kết quả phân tích gien từ 33 mẫu tiêu bản rùa mai mềm khổng lồ thu được tại Hà Nội, Thanh Hóa, Hòa Bình, các nhà khoa học Viện Công nghệ sinh học đã khẳng định, rùa mai mềm khổng lồ của Việt Nam là một loài đặc hữu hoàn toàn không phải  loài Pelochelys cantorii, cũng không giống Rafetus euphraticus và Rafetus Swinhoei. Các nhà khoa học đề nghị gọi tên loài rùa đặc hữu của Việt Nam là Rafetus vietnamensis.

Về giới tính 'cụ Rùa', quan sát từ thực tế, tại bể chữa vết thương ở khu vực Tháp Rùa, chúng ta có thể thấy về mặt hình thái  'cụ Rùa' có bốn đặc điểm sau:  Da nhẵn không nhám như giấy ráp. Ðuôi ngắn, hiếm khi thò ra ngoài mai mềm. Vùng gờ mai trên vai phẳng chứ không răng cưa. Da mầu ghi xanh sẫm, không có những đốm vòng sáng. Các đặc điểm này đều cho phép kết luận 'cụ Rùa' là 'cụ bà'. (Theo Nhân dân 3/5)

Sản xuất sản phẩm LED tiết kiệm điện đầu tiên tại VN. Công ty CP Điện tử Thủ Đức (VTD) đơn vị thành viên của Tổng Công ty CP Điện tử và Tin học Việt Nam (VEIC) vừa hoàn thành và đưa vào vận hành thử nghiệm cơ sở công nghệ cao sản xuất LED đầu tiên Việt Nam tại Khu công nghệ cao (TP Hồ Chí Minh).

VTD đã tham gia nghiên cứu đầu tư sản xuất, kinh doanh trong công nghệ LED và đã hoàn thành dự án khả thi "Sản xuất LED chiếu sáng công nghệ cao tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường dùng trong công nghiệp và dân dụng" đã được Bộ Công thương phê duyệt, hỗ trợ kinh phí đầu tư không hoàn lại 5 tỷ đồng.

Trong tháng 5/2011, cơ sở sẽ sản xuất các sản phẩm ứng dụng LED trong chiếu sáng (ngoài trời và trong nhà), quảng cáo, tín hiệu giao thông… (Theo CAND 3/5)

Ra mắt Diễn đàn Sáng tạo mở. Ngày 4/5, Bộ Khoa học & Công nghệ và Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam đã ra mắt Diễn đàn Sáng tạo mở (OIF) tại địa chỉ: http://www.oif.gov.vn.

Đây là diễn đàn đầu tiên ở Việt Nam về đổi mới sáng tạo (ĐMST) bằng hai thứ tiếng Anh - Việt với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, cơ quan công quyền, trường ĐH, cơ sở nghiên cứu tiếp cận nguồn thông tin, kiến thức và kinh nghiệm ĐMST và xây dựng quan hệ đối tác.

OIF tập trung vào những nội dung chính như trao đổi về ĐMST; chia sẻ kinh nghiệm thành công về ĐMST; kết nối các doanh nghiệp, tổ chức về ĐMST; giới thiệu dự án, tìm kiếm đối tác… Diễn đàn OIF được Chương trình đối tác ĐMST Việt Nam - Phần Lan hỗ trợ kỹ thuật. (Theo HNM 5/5)

Thành công mới về nhân giống sâm vô tính. Sau thời gian dài chờ đợi, những cây sâm vô tính được PGS-TS Dương Tấn Nhựt - Phó viện trưởng Viện Sinh học Tây Nguyên (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) đưa ra trồng ở núi Ngọc Linh (Kon Tum) đã có các thành phần hợp chất saponin chủ yếu của sâm Ngọc Linh...

GS-TS Dương Tấn Nhựt, chủ nhiệm đề tài cho biết, đến nay đã có kết quả khả quan, cây sâm vô tính không chỉ sống được ngoài tự nhiên với tỷ lệ cao (trên dưới 85%), mà sau 8 tháng trồng đã có 35% cây sâm hình thành củ (dái củ).
Kết quả này cho thấy quá trình sinh trưởng và phát triển của cây sâm Ngọc Linh nuôi cấy in vitro (nuôi cấy mô) vượt xa nhiều so với cây sâm Ngọc Linh trồng bằng hạt (cây tự nhiên từ khi gieo hạt đến lúc hình thành dái củ mất ít nhất 2 năm). (Theo Thanh niên 5/5)

Sản xuất thuốc bảo vệ thực vật từ cây neem. Một nghiên cứu mới đây của GS-TS Trần Kim Quy, Viện công nghệ hóa sinh ứng dụng tại TP.HCM đã chiết xuất thành công chất Azadirachtin có trong hạt cây neem. Đây là hoạt chất chính dùng sản xuất thuốc bảo vệ thực vật để trị các loại bệnh côn trùng, sâu bệnh, nấm…

Thuốc bảo vệ thực vật sử dụng hoạt chất Azadirachtin không lưu lại bả độc lâu (chất tồn dư). Chúng có thể phân hủy hooàn toàn trong vòng 2-3 ngày (so với chất tổng hợp, thời gian phân hủy kéo dài đến cả năm).

Ngoài ra GS Quy còn phối hợp với Sở KH-CN tỉnh Ninh Thuận để chiết xuất chất Nimbin, Salanin có trong cành và lá cây neem để sản xuất thuốc trị bệnh tiểu đường, huyết áp cao. (Theo Đất việt 5/5)

Rùa nặng 200 kg ở Nghệ An sắp tuyệt chủng. Ngày 1/5, ngư dân xã Tiến Thủy (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) trong lúc đi biển đã phát hiện con rùa trôi dạt vào bờ. Ông Nguyễn Chí Lương, Chi cục trưởng bảo vệ nguồn lợi thủy sản Nghệ An cho biết, con rùa dài trên 1,5 m, ngang khoảng 1 m, nặng 230kg và trên mai có 8 khía. Sau khi xác định đây là loài Rùa quý hiếm, nằm trong sách đỏ nên chi cục đã vận động người dân thả về biển hôm 3/5.

Theo Giáo sư Lê Nguyên Ngật, Đại học Sư phạm Hà Nội, rùa được ngư dân Nghệ An bắt được là loài rùa da, có tên khoa học Dermochelys coriacea, được liệt kê vào sách đỏ Việt Nam năm 2007, thuộc loại cực kỳ quý hiếm trên toàn thế giới, có nguy cơ tuyệt chủng ở mức báo động cao. (Theo vnexpress 5/5).

Ngọc Anh